Thêm động lực cho học sinh vượt khó

Trao kinh phí học tập giúp các em học sinh, sinh viên thêm nghị lực, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, góp sức xây dựng TP HCM ngày càng phát triển

Chiều 24-7, Ủy ban MTTQ TP HCM phối hợp với Báo Người Lao Động tổ chức lễ trao tặng kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; trẻ mồ côi do dịch COVID-19 diện gia đình chính sách. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh -Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023).

Nghĩa cử cao đẹp

Tham dự buổi lễ có ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM; ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM; ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.

Tại buổi lễ, Ủy ban MTTQ TP HCM đã phối hợp với Báo Người Lao Động trao tặng 112 suất kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; trẻ mồ côi do dịch COVID-19. Tổng kinh phí chăm lo trong đợt này là 156 triệu đồng, được trích từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" do ông Trương Hòa Bình sáng lập, Báo Người Lao Động quản lý và điều hành.

Cụ thể, ban tổ chức đã trao 15 suất kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số diện gia đình chính sách với số tiền là 53 triệu đồng. Trao 6 suất kinh phí hỗ trợ học tập cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19 diện gia đình chính sách với số tiền là 12 triệu đồng. Ban tổ chức cũng đã trao 15 suất kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên diện gia đình chính sách với số tiền là 15 triệu đồng; trao 76 suất kinh phí hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên diện gia đình chính sách thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền 76 triệu đồng.

Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, cho biết việc trao các suất hỗ trợ học tập trong đợt này chính là nghĩa cử cao đẹp, nhằm tri ân những người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Qua đó, thể hiện tình cảm và mong muốn các em học sinh, sinh viên sẽ có thêm ý chí, nghị lực, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, góp sức xây dựng TP HCM ngày càng phát triển, tốt đẹp hơn.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Phan Kiều Thanh Hương cũng bày tỏ sự tri ân đến ông Trương Hòa Bình, Báo Người Lao Động và các nhà hảo tâm đã đồng hành với MTTQ thành phố trong công tác chăm lo cho các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện công tác "đền ơn đáp nghĩa" của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM và ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao - nhận bảng tượng trưng học bổng, hỗ trợ kinh phí cho học sinh - sinh viên là con, cháu gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn Ảnh: TẤN THẠNH

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM và ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao - nhận bảng tượng trưng học bổng, hỗ trợ kinh phí cho học sinh - sinh viên là con, cháu gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn Ảnh: TẤN THẠNH

Tiếp nối truyền thống gia đình cách mạng

Chia sẻ với phóng viên, em Nông Thế Trường Sơn (học sinh lớp 12, ngụ quận 1) cho biết em là dân tộc Tày, có ba là thương binh 2/4. "Em rất vui và vinh dự khi được trao kinh phí hỗ trợ học tập. Sự quan tâm, hỗ trợ này đã tiếp thêm niềm tin, động lực để em cố gắng trong học tập, quyết tâm trở thành người chiến sĩ của lực lượng quân đội nhân dân như ba em" - Trường Sơn cho biết.

Đưa con trai đến buổi lễ, ông Nông Thế Thủy (ba của em Nông Thế Trường Sơn) cho biết rất cảm động trước tình cảm của Ủy ban MTTQ TP HCM và Báo Người Lao Động đã dành cho con trai ông. "Trở về từ chiến trường Đông Nam Bộ, tôi công tác ở Bộ Xây dựng đến năm 1994 thì về hưu. Tôi cũng mong muốn cháu Sơn sau này sẽ tham gia vào quân đội để tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình" - ông Thủy bày tỏ.

Khi được hỏi về gia đình, em Trần Nguyễn Thúy Ngân (học sinh lớp 12, ngụ huyện Cần Giờ) chia sẻ với cảm xúc đầy tự hào lẫn xúc động. Em cho biết ông nội của em là liệt sĩ, hy sinh ở huyện Củ Chi, còn bà nội em là người có công với cách mạng. Ngân cho biết món quà nhận được là động lực để em tiếp tục theo đuổi con đường học tập. "Món quà sẽ giúp ích cho em rất nhiều, nhất là khi em sắp bước vào giảng đường đại học" - Ngân cho hay.

Noi gương người đi trước

Chị Nguyễn Thị Bích Chi (ngụ huyện Bình Chánh) có con gái là em Ngô Nguyễn Ngọc Bích được trao kinh phí học tập trong đợt này, cho biết mẹ chị là Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cẩn, năm nay 92 tuổi. Mẹ có chồng và con trai hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. "Đây là lần đầu tiên con tôi được trao kinh phí hỗ trợ học tập theo diện là cháu của Mẹ Việt Nam anh hùng. Dù nhà xa nhưng tôi cũng cố gắng đưa con đến nhận quà. Đây cũng là dịp để gia đình tôi nhắc nhở cho con về truyền thống cách mạng của gia đình. Từ đó, con sẽ hiểu và tự hào về truyền thống của gia đình và học tập theo tấm gương của những người đi trước" - chị Chi nói.

Theo lời chị Chi, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, các anh chị em trong gia đình chị đều học hành thành đạt, làm việc và cống hiến trong các cơ quan nhà nước. Các thành viên trong gia đình luôn ý thức việc gìn giữ, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng quý báu của gia đình.

LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/them-dong-luc-cho-hoc-sinh-vuot-kho-20230724230539631.htm