Thêm động lực phát triển vùng khó

Những năm qua, Quảng Ninh luôn coi trọng, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông. Đặc biệt sau khi hệ thống giao thông trục chính được hoàn thiện, tỉnh đang tập trung tạo kết nối đến với các vùng khó.

Thi công tỉnh lộ 342 nối Hạ Long - Ba Chẽ.

Thi công tỉnh lộ 342 nối Hạ Long - Ba Chẽ.

Với quan điểm "3 không" (không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm), Quảng Ninh đã sớm nhận định được những mâu thuẫn, thách thức, “nút thắt” do hạ tầng giao thông… để tìm cách gỡ bỏ. Sau hơn chục năm nỗ lực, đến nay tỉnh đã có hạ tầng giao thông động lực, đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh ở các đô thị, trung tâm kinh tế, du lịch. Tuy nhiên, do địa hình chiếm hơn 70% là đồi núi, vì thế Quảng Ninh vẫn còn những vùng khó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển và nhiệm vụ giảm khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền.

Để tháo gỡ khó khăn, hướng tới mục tiêu mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau… tỉnh nhất quán quan điểm giao thông cần đi trước một bước, lấy phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo liên thông tổng thể là động lực cho thúc đẩy kết nối, tạo ra không gian và các điều kiện mới cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chất lượng đời sống nhân dân. Trên cơ sở đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 20 công trình giao thông động lực, thiết yếu tại các địa phương: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hạ Long kết nối nội huyện, liên huyện. Mỗi dự án đều mang mục tiêu kết nối liên thông, tổng thể về giao thông phục vụ phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phù hợp mong mỏi của từng địa phương. Từ đó, mở rộng không gian, tạo ra các điều kiện phát triển mới, biến tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương thành nguồn tổng lực chung cho tỉnh; phục vụ phát triển sản xuất, tăng điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đặc biệt, UBND tỉnh đang tiếp tục xây dựng Đề án Giao thông nông thôn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030, dự kiến sẽ trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 19 diễn ra vào đầu tháng 7 tới đây. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, tỉnh tiếp tục đầu tư thêm 73 dự án với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng; giai đoạn đến năm 2030, sẽ thực hiện đầu tư khoảng 206 dự án. Tỉnh sẽ căn cứ cơ chế tài chính - ngân sách và nguồn lực của giai đoạn trung hạn để xem xét lựa chọn các danh mục ưu tiên trên cơ sở định hướng phát triển theo lộ trình.

Đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn (TP Hạ Long) đã hoàn thành thi công.

Đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn (TP Hạ Long) đã hoàn thành thi công.

Mục tiêu đặt ra sẽ là cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn theo quy hoạch của các địa phương, nhằm kết nối vùng thấp với vùng cao và đất liền với các đảo, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về hạ tầng, mở rộng không gian phát triển để tạo động lực tăng trưởng mới cho các địa phương; 100% các xã đảo thuộc các huyện trên địa bàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu về giao thông đáp ứng mục tiêu lâu dài phù hợp với tiêu chí đô thị du lịch; cơ bản xóa các tuyến “ngầm, tràn”, thay thế bằng cầu hoặc cống hộp để đảm bảo giao thông thông suốt khi mưa úng, ngập lụt; thay thế cầu treo dân sinh cũ hạn chế về tải trọng, không đảm bảo an toàn bằng cầu bê tông vĩnh cửu. Đến năm 2030, tiếp tục xây dựng các công trình có tính chất kết nối động lực mới; cải tạo, nâng cấp toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn đảm bảo mặt đường 2 làn xe tối thiểu cùng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh…

Đề án được thông qua, sẽ tiếp tục tạo động lực, nguồn lực hỗ trợ vùng khó, đảm bảo đồng bào DTTS thụ hưởng đầy đủ, kịp thời những chính sách của tỉnh và Trung ương, Quảng Ninh cũng sẽ từng bước giảm khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, mang lại cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS những giá trị mới.

Đỗ Phương (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/160082/them-dong-luc-phat-trien-vung-kho