Thêm gỗ lớn, rừng Bình Thuận đa dạng nguyên liệu gỗ

Ngoài khu vực đất tốt tập trung tại Hàm Tân, La Gi, Hàm Thuận Nam có thể phát triển rừng gỗ lớn, các khu vực còn lại trong tỉnh như Bắc Bình, Tuy Phong có thể phát triển vùng nguyên liệu gỗ nhỏ.

Nỗ lực chuyển sang gỗ lớn

Mới đây, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận với Công ty TNHH Hào Hưng, đơn vị nhận giấy ghi nhớ đầu tư tại Lễ Công bố quy hoạch và thu hút đầu tư trong ngày 28/2 rồi đã có buổi làm việc với nhau. Nội dung về hợp tác đầu tư trồng rừng và đầu tư dự án nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, nhằm tạo chuỗi giá trị gia tăng khép kín từ khâu ươm giống – trồng rừng – thu hoạch – chế biến gỗ xuất khẩu. Cụ thể nhất là đầu tư chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn đối với một số diện tích phù hợp bằng hình thức đầu tư vốn để giữ lại những diện tích đến kỳ khai thác từ 5-6 năm tuổi theo kế hoạch phê duyệt hàng năm của công ty. Quy mô hơn là hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ rừng trồng như nhà máy chế biến gỗ chuyên sâu các sản phẩm nội, ngoại thất xuất khẩu phù hợp với ngành nghề kinh doanh; Nhà máy chế biến ván ép cao cấp các sản phẩm nội, ngoại thất: 50.000 m3/năm; Nhà máy băm dăm gỗ: 50.000 tấn khô/năm. Xa hơn nữa, Công ty TNHH Hào Hưng sẽ nghiên cứu các tiêu chí và năng lực theo hướng dẫn của các cơ quan ban ngành để xem xét đăng ký tham gia làm thành viên thứ hai của Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận.

Dù mới là kế hoạch nhưng qua đó ít nhiều mở ra triển vọng việc thực hiện Đề án tái cơ cấu của công ty giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định 2484 của UBND tỉnh đi đúng hướng, sẽ tạo ra bước đột phá. Vì đây là đối tác chú ý đến đầu tư rừng gỗ lớn. Đích phải đến này, với tình hình của công ty hiện tại được ví như điểm gút trong sản xuất kinh doanh, lấy lợi thế công ty đã có 9.340 ha rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, được tổ chức GFA cấp chứng chỉ rừng FM/CoC từ năm 2017 đến nay để thu hút đầu tư và riêng khu vực rừng ở Hàm Tân có chất lượng rất cao, đủ điều kiện để tạo ra bước đột phá như kỳ vọng. Tuy nhiên, thế mạnh này chưa thể phát huy, vì cứ đến năm thứ 5,6 là công ty phải khai thác, dù biết chỉ cần kéo dài thêm 2 - 3 năm nữa là tăng giá trị lợi nhuận rất cao qua chế biến sâu và cả bán thu tiền về.

Ông Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cho biết, vì áp lực phải chăm lo đời sống của người lao động của công ty cũng như thực hiện theo kế hoạch hàng năm nên rừng trồng được 5 năm thì phải điều tiết tiêu thụ để đáp ứng nhu cầu ngân lưu theo kế hoạch đề ra. Dù huy động nguồn vốn khó khăn, khó tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết phù hợp để nuôi rừng dài hơn; tuy nhiên đến nay, công ty cũng đã nỗ lực chuyển hóa kinh doanh rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn được gần 50 ha và trồng rừng kinh doanh gỗ lớn với mật độ thưa được 22 ha. Mục đích hướng đến nhằm tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất trong và ngoài tỉnh, dần thay thế gỗ nguyên liệu từ rừng tự nhiên, nguyên liệu nhập khẩu. Định hướng sắp tới, công ty sẽ mạnh dạn điều chỉnh kế hoạch SXKD hàng năm gắn liền với phương án quản lý rừng bền vững trình các cấp xem xét phê duyệt điều chỉnh phù hợp.

Rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận. Ảnh: N. Lân

Linh hoạt “đất nào cây ấy”

Câu chuyện dần thay thế nguyên liệu mua ở tỉnh khác, nguyên liệu nhập khẩu được nhấn mạnh nhiều trong Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ và chế biến bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 – 2030 sẽ được UBND tỉnh thông qua vào cuối tháng 3/2024. Thực trạng chế biến gỗ tại Bình Thuận, kết quả phỏng vấn 203 cơ sở có thông tin trả lời tại đề án cho thấy, các cơ sở sản xuất chế biến gỗ tại tỉnh chủ yếu sử dụng nguồn gốc gỗ trong nước (chiếm 63,5%), từ nhập khẩu (chiếm 36,5%). Qua phân tích cụ thể hình thức nhập khẩu thì có 24% doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp, 74,7% cơ sở mua gỗ nhập khẩu qua công ty khác hoặc mua lại qua các doanh nghiệp tại các tỉnh khác. Chỉ có 1,3% cơ sở sử dụng cả hai phương pháp là nhập khẩu trực tiếp và mua gỗ nhập khẩu qua công ty khác.

Qua đó cho thấy nguồn nguyên liệu khai thác trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đủ cho các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Nhất là với việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ, vốn gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sự ổn định trong sản xuất kinh doanh như giá nguyên liệu thường biến động, khó chủ động được nguồn nguyên liệu, không nắm rõ được nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu nhập, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quy hoạch nguồn nguyên liệu tại tỉnh còn hạn chế; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nguồn nguyên liệu chưa có; việc xây dựng mạng lưới chế biến gỗ trên toàn tỉnh chưa được quan tâm…

Vì thế, với 10.544 ha rừng trồng hiện hữu của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đã được tổ chức GFA đánh giá cấp lại chứng chỉ rừng FSC FM/COC giai đoạn 5 năm tiếp theo (2023 – 2027) được ví như “của để dành” cho việc chủ động nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong thời gian tới. Vì chứng chỉ rừng là điều kiện thuận lợi để nguyên liệu gỗ rừng trồng có cơ hội được nằm trong chuỗi cung ứng, xuất khẩu sang một số thị trường khó tính như EU…

Trong khi đó, thị trường sản phẩm đồ gỗ hiện không chỉ nhắm vào phát triển nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất… mà bên cạnh còn phát triển gỗ nguyên liệu giấy, viên nén… Như năm 2023 vừa qua, xu hướng rộ tiêu thụ gỗ rừng là nguyên liệu chủ yếu phục vụ năng lượng xanh trong sản xuất viên nén xuất khẩu, tức rừng gỗ nhỏ được băm vằm tạo viên nén sử dụng thay thế cho than đá… là cơ hội cho những vùng đất xấu ở Bình Thuận. Thật ra, Bình Thuận có quỹ đất rất đa dạng cho phát triển các loại nguyên liệu gỗ. Ngoài khu vực đất tốt tập trung tại Hàm Tân, La Gi, Hàm Thuận Nam có thể phát triển rừng gỗ lớn nhằm tạo nguồn nguyên liệu đa dạng để phát triển chế biến sâu, các khu vực còn lại trong tỉnh như Bắc Bình, Tuy Phong có thể phát triển vùng nguyên liệu gỗ nhỏ để phục vụ cho sản xuất sản phẩm như bột giấy, viên nén (phát triển nguồn năng lượng xanh). Những nơi này, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng hạn, đất khô cằn nên rừng trồng chỉ phát triển lâu nhất là đến năm thứ 5. Nếu không khai thác thì cây sẽ bắt đầu chết nên không thể kinh doanh gỗ lớn được. Tổng diện tích phát triển nguồn nguyên liệu gỗ nhỏ đến năm 2030 toàn tỉnh là 26.156 ha.

Hiện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận đang rà soát, đánh giá hiện trạng đất toàn công ty, từng bước phân bổ, quy hoạch vùng, tiểu vùng đảm bảo phù hợp điều kiện “đất nào cây ấy”. Đồng thời bố trí, định hình để phát triển có định hướng lâu dài từng khu vực rừng trồng để phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng toàn tỉnh Bình Thuận theo dự án đã được duyệt.

Theo đề án, từ năm 2021 – 2030, toàn tỉnh sẽ phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn rộng 1.000 ha, cụ thể trên địa bàn huyện Hàm Tân 500 ha, Hàm Thuận Bắc 100 ha và thị xã La Gi 400 ha. Trong đó, giai đoạn đến 2025 là 300 ha và giai đoạn đến 2030 là 700 ha. Toàn bộ diện tích này đều thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/them-go-lon-rung-binh-thuan-da-dang-nguyen-lieu-go-117298.html