Thêm hai quặng đất hiếm vào danh mục dự trữ khoáng sản quốc gia
Hai quặng đất hiếm tại Lào Cai, Yên Bái được xác định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trong 30 năm.
Đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như thông tin - viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông vận tải, quân sự... Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD/năm, nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển.
Ngày 1/11 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định xác định 93 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với 10 loại khoáng sản.
Trong đó, hai quặng đất hiếm tại Cam Cọn – Tân Thượng (Bảo Yên, Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) và Đồng Tâm (Văn Yên, Yên Bái) với tổng trữ lượng khoảng 285 nghìn tấn, được xác định thời gian dự trữ 30 năm.
Số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam có khoảng 22 triệu tấn đất hiếm, các mỏ có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan – ceri), tập trung ở Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm, một thành phần quan trọng trong công nghiệp bán dẫn, chưa chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tác các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong nước và nước ngoài.
Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững.
Với trữ lượng tài nguyên đất hiếm được đánh giá là đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, Việt Nam đang được coi là một nhà cung cấp nguyên liệu đất hiếm tiềm năng trong tương lai và đầy cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu thời gian tới.
"Hút đại bàng"
Hai tháng trước, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhiều hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới như Intel, Marvell hay Amkor đã đặt vấn đề hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn với các doanh nghiệp công nghệ trong nước.
Tại hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn Việt Nam (diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023), ông John Neuffer, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ nhìn nhận, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời, Việt Nam đang có những cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và ngày càng trở thành mắt xích lớn hơn trong chuỗi sản xuất chip toàn cầu với sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Với dự kiến đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, ông John Neuffer cho rằng, đây là quyết sách đúng, cần hiện thực hóa càng nhanh càng tốt.
Đây là ngành có tốc độ phát triển rất nhanh cho nên Việt Nam phải tranh thủ để nắm bắt với việc thuận lợi hóa hơn nữa trong thực hiện các thủ tục để hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghiệp bán dẫn, ông John Neuffer nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Bloomberg, doanh thu chip từ Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ đã tăng từ khoảng 313 triệu USD vào tháng 2/2022 lên khoảng 563 triệu USD sau 1 năm, chiếm 11,6% thị phần tại Mỹ, chỉ xếp sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).
Tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã thu hút những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Hơn 10 năm trước, Intel đã đặt nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới tại Việt Nam với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Tập đoàn công nghiệp bán dẫn Amkor Technology (trụ sở tại Arizona) đầu tư 1,6 tỷ USD đặt nhà máy tại Bắc Ninh và sắp đi vào hoạt động.
Samsung cũng có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Trong đó, việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn của hà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên dự kiến được thực hiện vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm hoàn tất.
Theo thông tin từ Hiệp hội Công nghệ bán dẫn Đông Nam Á, hiện Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Các công ty trong nước chỉ có Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip.
Các công ty trong nước có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp, kiểm định.