Thêm hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật Đường bộ

So với dự thảo trước, tại dự thảo Luật Đường bộ mới nhất, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm dù không thay đổi số lượng.

Nghiêm cấm lập điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng trái phép

Tại dự thảo dự án Luật Đường bộ mới nhất, sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thứ XV, Ban soạn thảo đã bổ sung, hoàn thiện quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.

Tại dự thảo Luật Đường bộ mới nhất trình Quốc hội, ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nghiêm cấm lập điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa trái quy định của pháp luật (ảnh minh họa).

Tại dự thảo Luật Đường bộ mới nhất trình Quốc hội, ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nghiêm cấm lập điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa trái quy định của pháp luật (ảnh minh họa).

Theo đó, vẫn giữ số lượng 6 hành vi bị nghiêm cấm, không thay đổi nội dung của 4 hành vi nghiêm cấm đầu tiên, bao gồm:

Phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ; khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ trái quy định của pháp luật.

Mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

Lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển, điều chỉnh, che khuất báo hiệu đường bộ trái quy định của pháp luật; gắn, treo, lắp vào báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của báo hiệu đường bộ.

Tuy nhiên, sửa đổi, bổ sung hai hành vi nghiêm cấm cuối liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải nhằm siết chặt quản lý đối với hoạt động này, tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, công bằng, góp phần đảm bảo TTATGT.

Cụ thể, ngoài cấm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật, dự thảo bổ sung quy định cấm kinh doanh vận tải không đúng giấy phép.

Đối với hành vi tự ý lập điểm đón, trả khách ở dự thảo trước đó, dự thảo mới nhất sửa đổi, bổ sung thành: Lập điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa trái quy định của pháp luật.

Theo ban soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung mang tính toàn diện hơn, từ đó, ngăn chặn, xử lý triệt để xe dù, bến cóc không chỉ ở hoạt động kinh doanh vận tải hành khách mà ở cả hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa.

Đối với xe khách tuyến cố định việc đón, trả khách trên đường không phù hợp với quy định nên điểm dừng xe trong phạm vi đường bộ chỉ phục vụ xe buýt ⁰đón, trả khách (ảnh minh họa).

Đối với xe khách tuyến cố định việc đón, trả khách trên đường không phù hợp với quy định nên điểm dừng xe trong phạm vi đường bộ chỉ phục vụ xe buýt ⁰đón, trả khách (ảnh minh họa).

Xe khách tuyến cố định không đón trả, khách dọc đường

Tại Điều 39 dự thảo Luật Đường bộ quy định: Điểm dừng xe được xây dựng để đáp ứng nhu cầu về dừng xe tại các đô thị, trong phạm vi nền mặt đường bộ.

Điểm dừng xe trong đô thị và trong các khu dân cư, cơ quan, tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu dừng xe phục vụ giao thông đô thị và các khu vực, địa điểm này.

Điểm dừng xe trong phạm vi đường bộ được thực hiện tại một số vị trí nhất định dành cho xe buýt đón, trả hành khách.

Đối với các đường ngoài đô thị được đầu tư, xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp mở rộng thì điểm dừng xe phải được xây dựng ngoài phạm vi nền mặt đường bộ.

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị sửa: "...điểm dừng xe trong phạm vi đường bộ được thực hiện tại một số vị trí nhất định dành cho xe buýt, xe khách tuyến cố định đón, trả hành khách…".

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành và dự thảo Luật, xe khách tuyến cố định là hoạt động vận tải có lịch trình, hành trình nhất định và được xác định bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến.

Việc đón, trả khách trên đường là không phù hợp với loại hình vận tải này, nên việc quy định điểm đón, trả khách xe khách tuyến cố định là không phù hợp. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Cũng liên quan đến xe vận tải hành khách tuyến cố định, dự thảo đề xuất quy định dịch vụ đại lý bán vé, theo đó, đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé phải có hợp đồng đại lý bán vé với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, tuyến cố định.

Đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị kinh doanh dịch vụ đại lý bán vé không được tổ chức đón, trả khách tại địa điểm đặt đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý bán vé được đặt tại bến xe khách.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/them-hanh-vi-bi-nghiem-cam-trong-du-thao-luat-duong-bo-192240525111908819.htm