Thêm hy vọng hỗ trợ vaccine cho quốc gia nghèo

Ngày 20-6, Diễn đàn toàn cầu về chủ quyền vaccine và đổi mới khai mạc ở Paris (Pháp), với mục tiêu huy động được khoảng 11,9 tỷ USD từ các chính phủ và tổ chức để tài trợ cho các chương trình tiêm chủng ở những quốc gia nghèo trong vòng 5 năm.

Bước tiến quan trọng

Kế hoạch tài trợ 1,2 tỷ USD riêng biệt nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine ở châu Phi đã được công bố tại sự kiện này. Diễn đàn do Pháp, Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) phối hợp tổ chức. Diễn đàn còn được gọi là Hội nghị thượng đỉnh vaccine, có sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số nguyên thủ quốc gia châu Phi, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, đại diện của các ngân hàng và nhà sản xuất vaccine.

 Tiêm chủng cho trẻ em tại Kenya. Ảnh: WHO

Tiêm chủng cho trẻ em tại Kenya. Ảnh: WHO

Theo dự kiến, diễn đàn ra mắt Chương trình Tăng tốc sản xuất vaccine châu Phi (AVMA). Dựa trên những bài học kinh nghiệm rút ra từ đại dịch Covid-19, chương trình này là một bước tiến quan trọng hướng tới chủ quyền của châu Phi trong lĩnh vực y tế. AVMA sẽ cung cấp kinh phí cho hoạt động sản xuất vaccine khu vực tại lục địa đen. Với sự tham vấn chặt chẽ với các trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của châu Phi, chương trình sẽ góp phần vào mục tiêu của AU là sản xuất ít nhất 60% liều vaccine mà châu Phi cần vào năm 2040. Ngoài ra, kế hoạch tài trợ 1 tỷ USD riêng biệt nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine ở châu Phi cũng sẽ được công bố tại sự kiện này.

Diễn đàn sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho chiến dịch bổ sung vaccine của GAVI trong giai đoạn 2026-2030. GAVI thường giúp các nước thu nhập thấp mua vaccine để bảo vệ người dân trước những căn bệnh gây chết người. Kể từ năm 2020, khoảng 1 tỷ trẻ em đã được tiêm chủng theo chương trình hỗ trợ của GAVI. Nhờ đó, GAVI đạt được những tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết và dịch tả, những căn bệnh có nguy cơ lây lan cao hơn do biến đổi khí hậu.

Chống lại nhiều bệnh tật

Giám đốc Điều hành GAVI Sania Nishtar cho biết tổ chức này đặt mục tiêu cung cấp vaccine nhanh hơn và nhiều hơn nữa cho nhóm quốc gia châu Phi, trong đó có việc mở rộng triển khai vaccine sốt rét, bắt đầu ở Cameroon trong năm nay. Đồng thời, nối lại kịp thời các chương trình tiêm chủng định kỳ như tiêm phòng sởi vốn bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. GAVI muốn tiếp cận được nhiều trẻ em nhất giúp các em chống lại được nhiều bệnh tật nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.

GAVI cũng có kế hoạch mở rộng hơn nữa hoạt động của liên minh trong những năm tới như thiết lập kho dự trữ vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Tổ chức cũng có thể bổ sung vaccine sốt xuất huyết vào chương trình khi tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến nhiều quốc gia có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. GAVI cũng dự kiến thành lập một quỹ ứng phó đại dịch trị giá 500 triệu USD để hành động nhanh chóng trước các đợt bùng phát dịch bệnh lớn.

Theo tạp chí y khoa The Lancet (Anh), nỗ lực tiêm chủng toàn cầu đã cứu được khoảng 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua, trong đó có 101 triệu trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu của WHO cũng nhấn mạnh nhờ có vaccine, bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ, bệnh bại liệt gần như bị loại trừ và với sự phát triển mới đây của vaccine phòng bệnh sốt rét và ung thư cổ tử cung, con người đang đẩy lùi được nhiều bệnh tật.

THANH HẰNG tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/them-hy-vong-ho-tro-vaccine-cho-quoc-gia-ngheo-post745572.html