Thêm kênh bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Văn phòng đại diện Viện nghiên cứu bảo vệ pháp luật Doanh nghiệp và người tiêu dùng vừa ra mắt tại Hà Nội.

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Viện nghiên cứu pháp luật và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức ra mắt chi nhánh Văn phòng đại diện Viện nghiên cứu bảo vệ pháp luật Doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Hà Nội.

Phát biểu tại lễ ra mắt, bà Dương Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và pháp lý, Viện nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng cho biết: "Hiện nay, mức độ phát triển và văn minh của một quốc gia không chỉ được đánh giá bằng tốc độ tăng trưởng của GDP, của thu nhập bình quân đầu người, mà còn phụ thuộc vào giá trị công bằng và khả năng thực thi của pháp luật. Do đó, pháp luật về quyền của người tiêu dùng và của doanh nghiệp luôn là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật thương mại của các quốc gia phát triển và đã trở thành vấn đề pháp lý quốc tế.

Chúng tôi cho rằng, trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng không thể trao tuyệt đối cho một đạo luật và một cơ quan duy nhất nào đó. Cần có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau để xử lý vi phạm tùy theo đối tượng thực hiện hành vi, đặc biệt phải lưu ý đến quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật về bảo về quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương, để phát triển bền vững, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Bởi nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ, hàng hóa ngày càng cao. Điều này buộc các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, nhà cung cấp dịch vụ phải biết tôn trọng khách hàng và thỏa mãn nhu cầu đó.

"Các doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh niềm tin của người tiêu dùng thì cần chú trọng nhiều đến sản phẩm và chất lượng dịch vụ thay vì quảng cáo quá mức về công dụng của sản phẩm. Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, doanh nghiệp mới có thể có được niềm tin của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, ông Quý nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quý, để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, cần sự tham gia chủ động hơn của doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Và để công cuộc này có sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn, vai trò then chốt nằm ở kênh thông tin tiếp nhận, phản ánh về pháp luật giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng có nơi để tìm tới, được hướng dẫn, được bảo vệ. Đây chính là nhiệm vụ chính cần phát huy của Viện Nghiên cứu Pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đại diện Viện Nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng ký kết với các đơn vị tại lễ ra mắt

Đại diện Viện Nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng ký kết với các đơn vị tại lễ ra mắt

Cũng tại lễ ra mắt, Viện Nghiên cứu Pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng đã ký kết các biên bản hợp tác với các đơn vị như Hội Truyền thông số Việt Nam, Trung tâm Công nghệ Chống hàng giả Việt Nam... nhằm nâng cao sự hiểu biết pháp luật, áp dụng luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập.

Tống Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/them-kenh-bao-ve-doanh-nghiep-va-nguoi-tieu-dung-post668642.html