Thêm khó khăn với mục tiêu Olympic
Được xem là đầu tàu của thể thao Việt Nam nhưng cho đến lúc này, thể thao Hà Nội vẫn đang mướt mải thực hiện mục tiêu có VĐV được góp mặt ở Olympic 2024. Và xa hơn, đó cũng là báo động với ngành Thể thao Thủ đô trong việc thực hiện mục tiêu đóng góp VĐV vào thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam dự các kỳ Olympic tiếp theo.
Ngóng tấm vé đầu tiên
Gần đây nhất, niềm hy vọng số 1 của thể thao Hà Nội có thể góp mặt ở Olympic 2024 là Nguyễn Thị Tâm (boxing) đã không thể hoàn thành mục tiêu tại giải đấu vòng loại Olympic 2024, diễn ra ở Italia.
Đáng chú ý, Nguyễn Thị Tâm thất bại ngay ở trận đầu tiên của mình tại hạng 50kg nữ, hạng cân mà cô từng giành ngôi á quân thế giới năm 2023. Thất bại tuyệt đối 0-5 của Nguyễn Thị Tâm trước tay đấm Diana Moorehouse (CH Ailen) được đánh giá là “tâm phục, khẩu phục” và không có gì phải bàn cãi như nhận định của nhiều chuyên gia sau trận đấu này.
Cũng ở giải này, tại hạng 60kg nữ, một võ sĩ Hà Nội khác thuộc đội tuyển quốc gia là Hà Thị Linh cũng dừng bước ngay ở vòng đấu đầu tiên trước Carolina Ferreira (Bồ Đào Nha).
Giấc mơ dự Olympic 2024 tạm khép lại với những võ sĩ boxing hàng đầu cả nước, cũng là những niềm hy vọng lớn nhất của thể thao Hà Nội trong việc góp mặt ở đấu trường Olympic 2024 – nơi vẫn luôn được xem là đỉnh cao của thể thao thế giới. Tất cả lại trông vào giải vòng loại Olympic 2024 cuối với lượt đấu tại Thái Lan từ ngày 23/5 tới 3/-6.
Còn thể thao Hà Nội tạm gác lại kỳ vọng giành vé Olympic 2024 đến từ boxing nữ giờ lại ngóng sang một số môn khác. Kỳ thực, lúc này có quá ít lựa chọn để có được tấm vé đầu tiên. Những môn thế mạnh một thời như cử tạ, đấu kiếm, bắn súng, vật, thể dục dụng cụ… đến lúc này hầu như khó có thể đóng góp VĐV giành vé dự Olympic 2024 do sự hẫng hụt về lực lượng không dễ bù đắp ngay. Ngay trong danh sách HLV, VĐV trọng điểm được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù để chuẩn bị thi đấu cũng như chuẩn bị cho các vòng loại Olympic 2024 của ngành Thể thao mới áp dụng hồi đầu tháng 2/2024 cũng chỉ có chưa đến chục VĐV Hà Nội, ở các đội tuyển boxing, bóng bàn, bắn cung, rowing, điền kinh.
Trong 5 môn trên, nếu tính sòng phẳng thì chỉ có rowing còn mang lại hy vọng lớn nhất dự Olympic 2024 cho thể thao Hà Nội với việc tay chèo Đinh Thị Hảo góp mặt trong nhóm thuyền 4 nữ hạng nhẹ vốn đang ở nhóm đầu châu lục. VĐV Hà Nội ở những môn còn lại đều thuộc diện “chông chênh” trong việc giành vé dự Olympic 2024, thậm chí còn quá ít cơ hội. Ngoài ra, hiện tại thể thao Hà Nội cũng cố gắng chung tay đầu tư cùng Cục TDTT cho một số VĐV đấu kiếm, vật nhằm có thể tranh vé dự Olympic 2024 nhưng lại thiếu nhiều điều kiện khác về cơ chế, con người dù không thiếu tiền. Nếu là về VĐV thì có quá ít lựa chọn, trong đó rõ nhất là đấu kiếm từ nhiều năm qua vẫn chỉ trông vào Vũ Thành An.
Còn về cơ chế lại là việc thực hiện thủ tục hành chính nổi tiếng là chậm khiến VĐV lỡ nhiều cơ hội thi đấu quốc tế hoặc phải chờ đợi đến phút cuối mới biết là được đi thi đấu quốc tế. Như gần đây là trường hợp kiếm thủ Vũ Thành An, Nguyễn Văn Quyết không thể đi thi đấu quốc tế tại Hy Lạp bằng nguồn kinh phí được cấp cho Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội cũng do sự chậm trễ trong thực hiện thủ tục của các cấp duyệt.
Những đơn vị khác như TP Hồ Chí Minh, An Giang, Quảng Bình, Công an nhân dân đều đã có VĐV giành vé góp mặt ở Olympic 2024. Đó cũng là sức ép nhất định với những người làm thể thao Hà Nội hiện nay. Nên lúc này, họ đều đang ngóng tấm vé đầu tiên dự Olympic 2024 hơn lúc nào hết.
Sẽ không chỉ là câu chuyện của một kỳ Olympic
Tại Olympic Rio 2016, dù không có VĐV giành huy chương ở kỳ Olympic nhưng thể thao Hà Nội cũng tự hào vì đóng góp tới 7 VĐV giành vé trực tiếp tham dự gồm Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng (vật), Nguyễn Thị Như Hoa, Nguyễn Thị Lệ Dung, Vũ Thành An (kiếm), Vương Thị Huyền (cử tạ). Đó cũng là kỳ Olympic mà thể thao Hà Nội có nhiều VĐV giành vé trực tiếp tham dự nhất. Đến kỳ Olympic Tokyo 2020, dù gặp khó khăn bởi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch thi đấu quốc tế nhưng thể thao Hà Nội vẫn có 4 VĐV giành vé trực tiếp tham dự gồm Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Đinh Thị Hảo (đua thuyền), Nguyễn Thị Tâm (boxing), Đinh Phương Thành (thể dục dụng cụ).
Thực sự việc giành huy chương Olympic vẫn là ưu tiên số 1 nhưng việc giành vé dự Olympic cũng luôn quan trọng với thể thao Hà Nội. Cũng không ngẫu nhiên, trong Nghị quyết về hỗ trợ đặc thù với HLV, VĐV Hà Nội mà HĐND thành phố mới thông qua hồi cuối năm 2023, mức hỗ trợ cho VĐV giành vé dự Olympic tới 17 triệu đồng/ người/tháng, thực hiện theo chu kỳ diễn ra Olympic. Điều đó cũng thể hiện rõ sự quan tâm của TP nói chung và thể thao Hà Nội nói riêng tới mục tiêu Olympic. Dù vậy, để thực hiện trọn vẹn mục tiêu ấy phải có sự đầu tư đều đặn, liên tục cũng như sự hỗ trợ về cơ chế, thực hiện các thủ tục hành chính từ các cấp.
Còn như hiện tại, đang có nhiều dấu hiệu về sự thụt lùi với đầu tàu thể thao Hà Nội, trong đó rõ nhất là sự đóng góp VĐV cho kỳ Olympic 2024. Ngay gần đây nhất, câu chuyện HLV, VĐV Hà Nội chưa được nhận tiền công, tiền ăn trong 2 tháng đầu năm 2024 vẫn được xem là nỗi trăn trở với người làm nghề dù kinh phí cho thể thao Hà Nội từ lâu nay vẫn được khẳng định là không thiếu. Các bộ môn đành phải xoay xở để VĐV được ăn đủ nhằm có sức tập luyện nhưng rõ ràng, đó không phải là điều mong muốn của người làm nghề.
Đóng góp của Hà Nội cho thể thao Việt Nam sẽ không đến trong một chốc một nhát mà phải có quá trình dài hạn với sự đầu tư bền bỉ, liên tục, kịp thời. Thế nên trong khi chờ tấm vé dự Olympic 2024 đầu tiên cũng cần có những giải pháp cụ thể để chăm chút cả hệ thống đào tạo, huấn luyện và thi đấu, giúp thể thao Hà Nội giữ vai trò đầu tàu, đặc biệt trong các chiến dịch vòng loại Olympic.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/them-kho-khan-voi-muc-tieu-olympic-i724540/