Thêm không gian văn hóa trong đơn vị

'Giáo dục trực quan thông qua những con đường' là mô hình hay, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị ở Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 (Quân khu 4). Đến nay, những con đường nội bộ trong đơn vị được gắn với địa danh lịch sử hay tên các anh hùng đã trở nên quen thuộc đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Đường ra thao trường Đồi Bằng huấn luyện chiến thuật trước đây ghồ ghề nay được làm phẳng phiu, cao ráo, hai bên là những hàng cây rợp bóng. Đặc biệt hơn, nay đường đã được đặt tên là “Cánh Đồng Chum”, trên biển tên đường còn ghi mốc son Chiến dịch 74A tại cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào) năm 1964. Đây là một trong những chiến dịch tiêu biểu mà Trung đoàn 335 cùng các đơn vị khác của Quân tình nguyện Việt Nam và quân, dân các bộ tộc Lào đã dũng cảm chiến đấu, giành thắng lợi, giải phóng toàn bộ cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, góp phần giúp đất nước Triệu Voi giành độc lập, tự do.

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335 xem biển tên Đường 30-4 trong khuôn viên đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 335 xem biển tên Đường 30-4 trong khuôn viên đơn vị.

“Cánh Đồng Chum” chỉ là một trong số hàng chục tên đường nội bộ hay tên các công trình kèm chú dẫn những mốc son lịch sử trong khuôn viên Trung đoàn 335, có ý nghĩa giáo dục trực quan sinh động, tuyên truyền lịch sử, truyền thống của đơn vị cho cán bộ, chiến sĩ, như: Đường Cách Mạng; thao trường Nậm Bạc, thao trường Truyền Thống... Trung tá Hoàng Nghĩa Phú, Chính ủy Trung đoàn 335 cho biết: “Trước đây hệ thống đường nội bộ và một số công trình trong đơn vị chưa có tên gọi, vì vậy chúng tôi gặp khó khăn trong việc xác định vị trí cũng như trong thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn có chủ trương đặt tên đường để vừa thuận tiện khi triển khai công việc vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cho bộ đội. Thực hiện chủ trương này, đơn vị đã tiến hành khảo sát, tổ chức đo đạc, xác định từng đoạn đường, bàn cách đặt tên sao cho ý nghĩa, ngắn gọn, chính xác. Chỉ huy đơn vị giao cho Ban Chính trị trung đoàn đề xuất hình thức, kiểu dáng biển tên, đặc biệt là nội dung đặt tên cho mỗi đoạn đường, mỗi công trình, sau đó lấy ý kiến tập thể, thông qua lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn và thành lập tổ thi công để thực hiện...". Cũng theo Trung tá Hoàng Nghĩa Phú, mô hình “Giáo dục trực quan thông qua những con đường” là ý tưởng mới trong giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, từ khi những con đường nội bộ được gắn tên đã góp phần tạo thêm không gian văn hóa, giúp bộ đội thêm yêu mến đơn vị.

Những con đường có tên gắn liền với những địa danh, sự kiện lịch sử giờ đây đã trở nên thân thuộc đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Binh nhất Ngô Văn Tùng, chiến sĩ Đại đội 20 Trinh sát, Trung đoàn 335 tự hào: “Qua những con đường mang tên những địa danh, sự kiện lịch sử hay những danh nhân... giúp chúng tôi dễ dàng tiếp thu, nhớ được những kiến thức cơ bản về lịch sử, từ đó thêm yêu mến, tự hào về truyền thống của đơn vị, của quân đội và đất nước, tạo động lực quyết tâm học tập, rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”. Còn Trung sĩ Hoàng Văn Hải, Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 bộc bạch: “Khi đường đi và một số công trình trong khuôn viên đơn vị được gắn biển tên, tôi có cảm giác như đang ở trong thành phố với không gian lịch sử, văn hóa. Các chú thích rõ ràng, cụ thể về địa danh lịch sử hay tên các danh nhân còn giúp chúng tôi học tập bất cứ lúc nào...”.

Thực tế cho thấy, mô hình “Giáo dục trực quan thông qua những con đường” đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, ý thức của chiến sĩ, đây là nét mới trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tại Trung đoàn 335.

Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/them-khong-gian-van-hoa-trong-don-vi-641965