Thêm 'lá chắn' cho vùng biển Kim Sơn
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Dự án xây dựng đê Bình Minh 4, thuộc huyện Kim Sơn đã cơ bản hoàn thành để đưa vào sử dụng. Nhìn từ trên cao, đê Bình Minh 4 hiện lên như một bức tường 'khổng lồ' trên biển để chắn sóng, gió bão cấp 12, nối tiếp thành quả quai đê lấn biển của cha ông và các thế hệ người dân Ninh Bình.
Dự án xây dựng tuyến đê biển Bình Minh 4, huyện Kim Sơn, có chiều dài hơn 6,3 km, tổng mức đầu tư là 480 tỷ đồng, chạy từ cửa sông Đáy đến đường ra Trạm Kiểm soát biên phòng Cồn Nổi, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình là chủ đầu tư.
Đây là dự án quan trọng của tỉnh phục vụ đa mục tiêu, không chỉ giúp lấn thêm hàng trăm ha về phía biển nhằm mở rộng không gian, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ công tác giãn dân, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương mà khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ bảo vệ vùng bãi bồi ngoài đê Bình Minh 3 và quy hoạch thành khu nuôi, trồng thủy sản tập trung.
Nhà thầu thi công đang điều động thêm máy móc, công nhân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Đê Bình Minh 4 được thiết kế gồm có tường chắn sóng phía biển, cao trình đỉnh +5,50 m tương ứng chắn gió bão cấp 12, kết cấu bằng bê tông cốt thép. Mặt đê kết hợp đường giao thông được gia cố bằng các lớp: Đất đầm nện, cấp phối đá dăm, cát đệm, bê tông. Đến nay đơn vị thi công đã cơ bản thi công hoàn thành các hạng mục cống C3+ nhà quản lý, kè lát mái phía biển, đắp thân đê đạt cao trình +5.6m theo đồ án thiết kế.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện chủ đầu tư cho biết: Đến thời điểm hiện tại, công trình đã cơ bản hoàn thành. Các nhà thầu đang tích cực triển khai máy móc, điều động thêm công nhân lên công trường để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Tuyến đê Bình Minh 4 nhìn từ trên cao.
Với việc chuẩn bị đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đê Bình Minh 4, Ninh Bình đã có hệ thống đê biển kiên cố che chắn sóng gió, bảo vệ người và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão. Những con đê dài hàng chục km bằng bê tông trải dài dọc vùng biển Kim Sơn đồng thời cũng là tuyến giao thông huyết mạch của các xã ven biển, góp phần rất lớn trong việc ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền vùng biển và hải đảo; bảo vệ an toàn cho nhân dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu phía trong đê; phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ đê điều khi có sự cố.