Thêm một địa chỉ về giáo dục truyền thống cách mạng

Trong hành trình về nguồn trên đất Bình Thuận, có một địa danh không thể không tới, đó làkhu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc - Sa Lôn. Hiện nay, khu di tích đang trong quá trình xây dựng, dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2022, sẽ góp thêm một địa chỉ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hiện tại và mai sau.

Thêm một địa chỉ về giáo dục tru

Ban Dân vận Tỉnh ủy hành trình về nguồn tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy tháng 4/2021.

Ban Dân vận Tỉnh ủy hành trình về nguồn tại Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy tháng 4/2021.

Căn cứ nhiều dấu ấn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, do chiến tranh ác liệt, để đảm bảo an toàn, bí mật nên Tỉnh ủy Bình Thuận phải di dời và đứng chân tại nhiều địa điểm ở vùng rừng núi trong tỉnh như: Căn cứ núi Ông (nay thuộc huyện Tánh Linh), căn cứ Sa Lôn (nay thuộc xã Đông Giang), căn cứ Km 36, quốc lộ 28 (nay thuộc xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc)…Trong 3 căn cứ trên thì Sa Lôn là địa điểm mà cơ quan Tỉnh ủy đứng chân ở nhiều khoảng thời gian khác nhau, ghi lại nhiều dấu ấn, nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, thể hiện rõ tính chất ác liệt, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Bình Thuận. Đó là Hội nghị thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Bình Thuận (tháng 10/1962); Hội nghị thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận (tháng 6/1969); Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ I trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 7/1970)… Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã vượt bao khó khăn, gian khổ để lãnh đạo, chỉ đạo quân, dân thực hiện các phong trào kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tô thắm thêm trang sử hào hùng, oanh liệt của lịch sử Đảng bộ tỉnh.

Tháng 12/2017, UBND tỉnh phê duyệt và công nhận Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Với ý nghĩa lịch sử của căn cứ Sa Lôn, Tỉnh ủy đã có chủ trương phục dựng, tôn tạo khu di tích này. Theo đó, công trình Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư năm 2018 và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung năm 2019. Sau khi hoàn thành các thủ tục về hồ sơ xây dựng công trình, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (gọi là Ban quản lý dự án), đã tổ chức triển khai thi công xây dựng công trình vào đầu năm 2021; thời gian thi công 540 ngày, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu tháng 7/2022.

Điểm du lịch, hành trình về nguồn

Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy được phục dựng, tôn tạo không những phát huy giá trị di tích, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hiện tại và mai sau, mà còn là điểm du lịch, hành trình về nguồn. Tuy nhiên, theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong quá trình thi công đã có khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đó là các hạng mục khu di tích gốc và đường giao thông kết nối giữa 2 khu vực (1,01 ha) chưa bàn giao mặt bằng cho bên thi công, do các ngành và Ban Quản lý dự án chưa thống nhất được phương án tận thu lâm sản. Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu di tích, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp khảo sát kỹ thực địa, hiện trạng rừng ở khu vực 1,01 ha. Trên cơ sở đó, đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương phù hợp để sớm bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án triển khai thi công đồng bộ các hạng mục công trình.

Thời điểm này, khu di tích đang được trùng tu, phục dựng một số hạng mục công trình di tích như: Nhà tưởng niệm - trưng bày, Đài tưởng niệm, Nhà truyền thống - hội trường, các hạng mục của khu phụ trợ... tạo cảnh quan môi trường thông thoáng để sau khi hoàn thành sẽ đón tiếp, phục vụ nhân dân, du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Đồng thời, là nơi lý tưởng giáo dục truyền thống cách mạng, kháng chiến cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

THU HÀ

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/them-mot-dia-chi-ve-giao-duc-truyen-thong-cach-mang-138646.html