Thêm một dự án thuê 68ha rừng làm khu du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Tam Đảo
Dự án khu du lịch sinh thái số 02 trong rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo do CTCP Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư trị giá hơn 700 tỷ đồng đang xin ý kiến tham vấn đánh giá tác động môi trường.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham vấn ý kiến cộng đồng đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái số 2 do Công ty CP Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (thuộc tiểu khu 02, 105A xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên), nơi có cảnh quan hệ sinh thái còn tương đối nguyên sơ.
Cụ thể, dự án dự kiến được triển khai trên diện tích 68ha, thuộc phân khu dịch vụ - hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo, tổng mức đầu tư hơn 731 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 181 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động từ ngân hàng.
Dự án được chia thành hai giai đoạn thực hiện. Trong đó giai đoạn 1 xây dựng trên 60 ha, giai đoạn 2 là 7,84 ha. Dự án đặt mục tiêu xây dựng khu du lịch sinh thái khai thác các tiềm tăng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và hệ sinh thái rừng; phát triển các loại hình sản phẩm du lịch phục vụ việc nghỉ ngơi, giải trí, tham quan.
Khu du lịch sinh thái số 2 nằm trong đề án Du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, giải trí Vườn quốc gia Tam Đảo giai đoạn 2021 - 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt vào năm 2021.
Trong tổng diện tích 68 ha của dự án chủ yếu là đất lâm nghiệp 57,57ha, hiện có khoảng 15 hộ dân địa phương vẫn đang canh tác trồng các loại hoa màu và chăn nuôi gia súc trong khu vực triển khai dự án.
Theo đó, tháng 1/2022, CTCP Nam Tam Đảo đã ký hợp đồng với Vườn quốc gia Tam Đảo để thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, giải trí. Đến tháng 11/2022, Tổng cục Lâm nghiệp đã chấp thuận nội dung thuê môi trường rừng của Công ty Nam Tam Đảo.
Cũng theo phương án đầu tư, đến hết tháng 12/2023, dự án sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Chủ đầu tư sẽ có 1 tháng để chuẩn bị thi công. Giai đoạn tháng 2/2024 - tháng 5/2026 sẽ thi công hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục công trình. Quý 1 - quý 2/2026 sẽ hoàn trả mặt bằng, kết thúc thi công. Từ quý 2/2026 bàn giao, đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động.
Theo cơ cấu sử dụng đất giai đoạn 1, dự án sẽ bố trí hơn 2,3 ha làm khu dừng chân nghỉ ngơi; 0,5 ha đất nhà hàng - dịch vụ; 9,2 ha đất cây xanh dịch vụ; 1,8 ha đất dịch vụ - sinh hoạt cộng đồng; 0,3 ha đất quảng trường, sân lễ hội; 4 ha đất cây xanh cảnh quan; 3,2 ha đất hạ tầng kỹ thuật; 3,5 ha đất mặt nước và còn lại 35,2 ha sẽ là đất cây xanh lâm nghiệp.
Chiều cao xây dựng công trình không quá 12m. Trong đó, khu dừng chân nghỉ ngơi sẽ có mật độ xây dựng 40%, cao 2 - 3 tầng; đất cây xanh dịch vụ sẽ có chòi ngắm cảnh cao 2 tầng; khu nhà hàng - dịch vụ, khu dịch vụ - sinh hoạt cộng đồng có mật độ xây dựng 40%, cao 2 - 3 tầng; khu đất cây xanh cảnh quan cao 1 - 2 tầng.
Chủ đầu tư là CTCP Nam Tam Đảo thành lập năm 2004. Tại thời điểm tháng 04/2017, Công ty do ông Lê Tùng Sơn làm Tổng giám đốc. Vốn điều lệ 32.5 tỷ đồng, các cổ đông gồm ông Lê Tùng Sơn nắm 7%, ông Trịnh Việt Dũng 14.4%, ông Nguyễn Trung Chính 9.54%, ông Nguyễn Minh Quý 35.46%, ông Nguyễn Tiến Cường 15%, bà Nguyễn Thị Hương 18.6%.
Chức Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật sau đó lần lượt do các cá nhân sau nắm giữ gồm ông Nguyễn Minh Quý, ông Lê Xuân Trường. Đồng thời, Công ty cũng tăng vốn điều lệ lên 888 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông hiện nay không được công bố.
Được biết, ông Lê Xuân Trường hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Lạc Hồng. Doanh nghiệp thành lập năm 2003, nổi tiếng với những dự án du lịch sinh thái như lâu đài Tam Đảo, belvedere resort Tam Đảo, khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Serena Resort Kim Bôi, Venus Hotel Tam Đảo, cáp treo Tây Thiên, sân golf Thanh Lanh, khu nghỉ dưỡng lòng hồ Hòa Bình; bên cạnh một số dự án chung cư như Lạc Hồng Lotus-N01.T5, Lạc Hồng Westlake, khu đô thị chùa Hà Tiên…
Vườn quốc gia Tam Đảo - khu đa dạng sinh học cao
Vườn quốc gia Tam Đảo là kho tài nguyên quý giá, nơi lưu giữ sự đa dạng sinh học cao với rất nhiều loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm, là nơi dự trữ, bảo tồn và phục hồi các nguồn gen phục vụ cho nghiên cứu khoa học, học tập cho các nhà khoa học và sinh viên trong nước cũng như quốc tế.
Rừng Tam Đảo còn có nhiều loài cây thuốc quý hiếm do vậy là nguồn dược liệu hữu ích cho nhân dân quanh vùng.
Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 34.995ha, trong đó có 26.163ha rừng, chủ yếu là dạng rừng tự nhiên mưa ẩm thường xanh với độ che phủ chiếm 70% diện tích.
Ngoài ra, trong Vườn quốc gia Tam Đảo cũng tồn tại một số kiểu rừng khác như rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp, rừng lùn trên đỉnh núi, rừng tre nứa, rừng phục hồi sau khai thác, rừng trồng, trảng cây bụi, trảng cỏ.
Vườn quốc gia Tam Đảo có 1.282 loài thực vật thuộc 660 chi thuộc 179 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó có các loài điển hình cho vùng cận nhiệt đới. Có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như hoàng thảo Tam Đảo, trà hoa dài, trà hoa vàng Tam Đảo, hoa tiên, chùy hoa leo, trọng lâu kim tiền.
Động vật cũng rất phong phú, có 163 loài thuộc 158 họ của 39 bộ, trong 5 lớp với 239 loài chim, nhiều loài có màu lông đẹp như vàng anh, sơn tiêu trắng, sơn tiêu hồng, sơn tiêu đỏ, có những loài quý hiếm như gà tiền, gà lôi trắng có 64 loài thú với những loài có giá trị như sóc bay, báo gấm, hổ, gấu ngựa, cầy mực, vượn, voọc đen.
Có 39 loài động vật đặc hữu, trong đó có 11 loài loài đặc hữu hẹp chỉ có ở Vườn quốc gia Tam Đảo như rắn sãi angen, rắn ráo thái dương, cá cóc Tam Đảo và 8 loài côn trùng.
Vườn quốc gia Tam Đảo là tài sản quý của quốc gia, có nhiều lợi ích cho cộng đồng cư dân trong khu vực. Vườn còn đem lại giá trị to lớn trong việc bảo vệ môi trường, điều tiết và cung cấp nước, phục vụ nghiên cứu khoa học và phục vụ cho du lịch và nghỉ dưỡng, cung cấp lâm sản, dược liệu.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường là cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, là nơi quy tụ và tập hợp nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế môi trường nói riêng và môi trường nói chung. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn các ý kiến của nhà khoa học trong Hội để góp ý thêm vào bản dự thảo ĐTM mà phía Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang tham vấn ý kiến cộng đồng.