Thêm một kênh ứng phó bệnh ung thư vú

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 15.200 người mắc mới ung thư vú, chiếm 9,2% trong tổng số 165 nghìn ca mắc các loại ung thư mới. Ung thư vú dẫn đến 6.000 trường hợp tử vong mỗi năm. Để giảm tình trạng này, Tổng hội Y học Việt Nam đã đề xuất triển khai một đề án chuyên biệt cho bệnh ung thư vú.

Khám, tầm soát bệnh ung thư vú tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Thái Nguyên.

Khám, tầm soát bệnh ung thư vú tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Thái Nguyên.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 15.200 người mắc mới ung thư vú, chiếm 9,2% trong tổng số 165 nghìn ca mắc các loại ung thư mới. Ung thư vú dẫn đến 6.000 trường hợp tử vong mỗi năm. Để giảm tình trạng này, Tổng hội Y học Việt Nam đã đề xuất triển khai một đề án chuyên biệt cho bệnh ung thư vú.

Đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 - 2025” đã chính thức được ký kết phối hợp triển khai giữa Tổng hội Y học Việt Nam và Roche Việt Nam. Đề án có mục tiêu chung góp phần gia tăng tỷ lệ người bệnh ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và gia tăng tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán có nguy cơ cao được điều trị với các liệu pháp tiên tiến hằng năm. Qua đó thúc đẩy nhận thức về thực trạng ung thư vú tại Việt Nam toàn diện và đồng bộ trên cả nước.

Các nghiên cứu, thống kê cho thấy, tại Việt Nam, số ca ung thư vú mắc mới là 15.229 ca và số ca tử vong là 6.103 ca mỗi năm. Ước tính đến năm 2030, số ca mới mắc ung thư vú sẽ tăng lên 20.014 trường hợp và đang có xu hướng tăng nhanh. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Cách đây 5 đến 10 năm thì tỷ lệ người bệnh ung thư tới khám, điều trị rất muộn (hơn 70%). Thời gian qua, với việc công tác truyền thông được đẩy mạnh, nhất là trong đề án quốc gia về phòng, chống bệnh không truyền nhiễm trong đó có ung thư thì tỷ lệ người mắc bệnh ung thư đến khám và trị bệnh ở giai đoạn sớm tăng dần. Đến nay, theo số liệu từ Bệnh viện K và một số bệnh viện chuyên ngành ung thư, số lượng người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn đã giảm xuống còn khoảng 55%.

Tuy nhiên, con số 55% vẫn đang ở mức cao. Điều trị khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn đồng nghĩa các bệnh viện tuyến cuối đang quá tải, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận điều trị và chất lượng sống của người bệnh. Tăng cường nhận thức là một hoạt động lâu dài, là vấn đề cần được quan tâm và cần có sự tham gia của nhiều nguồn lực nhằm giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho xã hội. Để thay đổi thực trạng này, một khung chính sách xuyên suốt với một chiến lược dài hạn nhằm đối phó với ung thư vú là yêu cầu cấp bách, nhất là trong bối cảnh ung thư vú có xu hướng trẻ hóa.

Đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 - 2025” được Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp Roche Việt Nam triển khai đã đưa ra bốn mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh ung thư vú, gia tăng số lượng người được chẩn đoán sớm tại các bệnh viện tham gia đề án; tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư vú đến năm 2025; tối ưu hóa dữ liệu sẵn có của Bảo hiểm Y tế và Viện Ung thư quốc gia nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú.

PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam đánh giá: Đây là một dự án hết sức có ý nghĩa; là đề án đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho bệnh ung thư vú với quy mô và số lượng đối tác lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh. Các bệnh viện được nâng cao năng lực chữa trị ung thư vú cho nhiều y sĩ, bác sĩ, qua đó giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và nâng cao chất lượng chữa trị trên mỗi người bệnh. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh những chính sách liên quan sẽ tăng cường khả năng tiếp cận của người bệnh ung thư vú với những phương pháp điều trị tiên tiến. Đáng chú ý, dù bảo hiểm y tế đã bao phủ hơn 90% số dân, các thuốc cơ bản và các xét nghiệm cơ bản trong chẩn đoán và điều trị ung thư phần lớn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, song một số thuốc mới, thuốc đắt tiền mới chỉ được chi trả một phần. Vì vậy, nhiều người khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khiến hiệu quả điều trị không cao, tạo gánh nặng kinh tế.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, để người bệnh ung thư, nhất là người bệnh có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận được các biện pháp điều trị tiên tiến, có thuốc tiên tiến thì phải tăng tỷ lệ chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế cho thuốc đó, nhưng phải cân nhắc, chọn lọc trường hợp nào mới nên điều trị. Muốn người bệnh được tiếp cận thuốc tốt thì phải có chính sách hỗ trợ qua những chương trình dự án cụ thể.

Theo Quyết định số 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015 - 2025 đã xác định phòng, chống bệnh ung thư là một trong những nội dung thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia, cho thấy bệnh ung thư đang là một vấn đề lớn với sức khỏe của toàn xã hội. Trong đó ung thư vú là bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất ở nữ giới, là vấn đề cần được quan tâm và cần có các hoạt động can thiệp nhằm giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho xã hội. Do vậy việc triển khai Đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 - 2025” có sự tham gia và chung tay của nhiều bên, kỳ vọng mang đến những thay đổi tích cực, bền vững, góp phần nâng cao khả năng ứng phó với ung thư của Việt Nam, tương đương các nước phát triển hơn trong khu vực.

MINH HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/them-mot-kenh-ung-pho-benh-ung-thu-vu-628768/