Thêm một lần học phí

Sẩm chiều, đi bộ cùng mấy người bạn về, ông Khởi khuấy cốc bột sắn dây, thong thả nhấp từng ngụm nhỏ. Xong việc 'tẩm bổ', ông lên phòng lấy quần áo vào buồng tắm táp. Đứng dưới vòi sen, vừa kỳ cọ ông vừa nghĩ: Đời mình thế này cũng mãn nguyện. Nhà cửa tuy không biệt thự nhưng cũng nhà lầu, con cái có công việc ổn định trong cơ quan nhà nước. Hai vợ chồng thằng cả cùng hai cháu nội ở với ông, còn em nó ở nhà chồng cũng khá đầy đủ. Chúng nó chưa mua được ô tô nhưng đứa nào cũng có xe máy loại đắt tiền. Các cháu nội ngoại khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Duy có điều làm ông buồn mãi là cứ mỗi lần nghĩ đến bà ấy ông lại ngẩn ngơ thương nhớ. Sao bà ấy lại vội bỏ ông mà đi cơ chứ. Cả đời vất vả vì chồng con đến khi được an nhàn một chút giời lại bắt đi. Đành rằng 'sinh có hạn, tử bất kỳ', giời chỉ cho sống đến đấy thôi. Khi bà ấy lâm chung, ông gắng gượng lo cho bà ấy 'mồ yên, mả đẹp' chu tất thì lăn ra ốm. Có đến gần tháng trời đánh cược với số phận để ông vục dậy. Con cháu chăm chút tận tình là liều thuốc quý an ủi tinh thần khiến ông nhanh hồi phục. Người ta bảo người già cả nghĩ quả không sai. Từ ngày bà ấy mất, ông hay nghĩ ngợi lung tung, liên tưởng chuyện nọ xọ chuyện kia, nhất là những chuyện vui buồn thời còn công tác.

Minh họa của Huy Hiệp (Trường Cao đẳng Lào Cai).

Minh họa của Huy Hiệp (Trường Cao đẳng Lào Cai).

Người ta còn bảo có ký ức không dễ gì quên được, nhưng có ký ức trở thành dĩ vãng. Với ông, tất cả đều là ký ức, chẳng có kỷ niệm nào là dĩ vãng cả, bởi nó hằn sâu trong tâm trí, có lúc nó làm ông bần thần cả người, nhất là những lúc ngồi một mình hay những đêm khó ngủ. Ký ức sâu đậm nhất vẫn là chuyện ông “cưa cẩm” bà ấy. Hai người tuy ở hai cơ quan khác nhau, nhưng cùng làm công tác đoàn nên thường hay gặp nhau ở những lần hội họp liên chi đoàn khối cơ quan. Duyên số đã cho hai người thành vợ chồng gắn bó với nhau từ đấy. Mấy chục năm sống với nhau, ông chưa lần nào quát mắng bà ấy một câu, những lúc giận hờn, ông im lặng lảng tìm việc để làm. “Một điều nhịn là chín điều lành”, thường thì bà ấy tìm cách làm lành trước... Nếu không có tiếng xe máy và tiếng con dâu vọng lên từ dưới nhà có lẽ ông vẫn còn miên man với dòng hồi tưởng của mình.

Tắm xong, ông xuống tầng trệt, đến bàn ngồi uống nước. Thằng cháu nội bảy tuổi đi học về xà vào lòng ông líu tíu kể chuyện ở lớp. Ông nghe câu được câu mất vì thấy đầu ngứa ran. Nhấc thằng bé ngồi ra ghế, ông dùng hai tay gãi khắp đầu, càng gãi lại càng ngứa. Có lẽ lúc tắm ông chưa xả hết xà phòng gội. Ông chạy lên buồng tắm, cởi áo, cúi người xối nước lên đầu. Nước lạnh, có dịu đôi chút. Mình chẩn trị đúng bệnh rồi! Ông xuống ngồi chơi với thằng cháu. Nó lấy hai bàn tay xoa lên mái tóc bạc của ông: “Cháu xoa cho ông khỏi ngứa!”. Ừ, Cháu ngoan lắm!”. Tóc khô, cơn ngứa lại đến. Ông lại gãi. Gãi đến rát đầu bật chân tóc. Ông gọi với: “Huệ ơi! Đầu bố làm sao ấy, ngứa lắm. Con xem có cách nào không?” Từ khu bếp, con dâu ông hỏi vọng ra: “Chắc là tại mồ hôi đấy. Bố đã tắm chưa?” “Bố tắm rồi, nhưng nó đang nổi mụn đây này!”. Con dâu ông chạy ra, bới đầu ông: “Thôi chết! Bố bị dị ứng rồi. Bố có ăn uống thứ gì khác lạ không?” “Bố chỉ uống cốc bột sắn dây như mọi ngày thôi!” “Thế bố gội đầu bằng loại dầu gì?” “Bố…bố gội bằng dầu mua hồi chiều.” “Bố mua ạ? Bố lấy cho con xem!”. Ông chạy lên buồng tắm cầm xuống chai dầu đã bật nắp gội ban nãy đưa cho con dâu. Con dâu ông xoay xoay chai dầu xem kỹ, rồi hỏi: “Bố gội dầu trong chai này phải không ạ?” “Đúng rồi!” “Bố mua phải dầu rởm rồi!”. Ông Khởi một tay tiếp tục gãi đầu, một tay cầm chai dầu nhìn chằm chằm như muốn moi cái gian dối trong đó ra, chống chế: “Nó đi qua mời mua, bố thấy thơm lại rẻ, có mấy chục nghìn được 2 chai…” “Của rẻ là của ôi! Bố bị nó lừa rồi! Lần sau bố đừng mua thứ gì, để chúng con lo! Bây giờ bố đi cắt ngắn tóc đi, con tìm bồ kết, lá hương nhu nấu nước cho bố gội lại đầu cho đỡ ngứa.”. Ông Khởi răm rắp nghe theo lời con dâu, tất tả vừa đi vừa gãi đầu đến tiệm cắt tóc...

*

Hồi chiều, ông đang rung đùi ngồi xem ti vi thì có hai cô gái tuổi chừng ngoài hai mươi, dựng xe máy trên vỉa hè, bước vào. Ông ngỡ ngàng nhìn kiểu cách của hai cô gái: Một cô để tóc tém, một cô buộc tóc phía sau. Cả hai đều có khuôn mặt ưa nhìn. Áo thun bó sát, cổ trễ, quần bò cộc. Mỗi cô đeo một cái ba lô. Chào ông, hai cô đặt ba lô xuống nền nhà lấy ra mấy chai nhựa hình dẹt màu hồng bọc nilon. Cô buộc tóc: “Mời bác mua dầu gội đầu. Hãng mỹ phẩm của chúng cháu mới ra loại này. Gội một lần là nhớ mãi. Bác xem đi!”. Cô gái ấn vào tay ông một chai. Ông lật qua lật lại xem. Mẫu mã bắt mắt. Cô tóc tém lấy một chai đã bóc nắp nặn ra giữa lòng bàn tay vệt kem màu hồng nhạt, mùi thơm như nước hoa lan tỏa. Thơm thật đấy! Cô gái lấy ngón tay di di, bọt nổi lên trong lòng bàn tay. Ông lướt nhìn hai cô gái: “Bao nhiêu một chai?” “Sáu mươi k.!” “K. là cái gì?” “Sáu mươi nghìn bác ạ!”. À, ra là vậy, bây giờ bọn trẻ dùng nhiều từ lạ, tuổi các ông, ai hiểu được. Thảo nào, ông ra phố thấy có biển quảng cáo giá thuê phòng nghỉ “300k”, ông không dám hỏi sợ người ta bảo mình nhà quê. Mà quê thật, ngay các biển hiệu các nhà hàng, khách sạn tiếng Tây, tiếng Tàu, tiếng ta lẫn lộn chẳng làm sao hiểu được. Bây giờ ông lại biết thêm “K” là nghìn đồng. Ông nhìn hai cô gái: “Cho tôi mua một chai!”. Cầm chai dầu gội đầu trong tay, lòng ông chộn rộn. Chiều nay có dầu gội mới, chúng mày đừng bảo bố lạc hậu nhé! Ông lấy tiền trả.

Cô gái đưa ông một chai nữa. Ông ngạc nhiên: “Tôi mua tạm một chai thôi!”. Cô gái vẫn giúi chai dầu vào tay ông, ông đẩy lại: “Tôi chỉ mua một chai thôi mà!” Cô gái cười, bảo: “Bác mua một chai được tặng một chai. Lần sau chúng cháu lại đến bán hàng cho bác!”. Hai cô gái đi rồi, ông ngẩn người nhìn theo rồi mang 2 chai dầu đặt vào mỗi buồng tắm một chai. Thôi chết, mình đoảng quá, không kịp mời hai cô uống nước, chẳng gì người ta vào tận nhà bán hàng cho mình lại không gian dối. Phải người khác thì ông làm sao được thêm chai nữa. Thiên hạ còn nhiều người chân thật. Ông khoan khoái nhấp từng ngụm nước chè Thái Nguyên sánh màu hổ phách. Ngước nhìn đồng hồ: Sắp đến giờ đi bộ. Hôm nay lại có chuyện để khoe với mấy ông bạn già về chuyện mua dầu gội đầu, thế nào cũng bị mấy ông trêu là mình lấy cớ để ngắm nhìn hai cô gái trẻ. Nghĩ thế tự nhiên ông cảm thấy mặt nóng lên. Có lẽ ông đang ngượng với chính mình. Chuyện mua dầu của hai cô gái ông giấu nhẹm không dám nói với con dâu, sợ nó suy diễn…

Ngồi trên ghế cắt tóc, ông nhớ lại câu nói vẫn thường nghe mọi người nhắc đến mà ông nhãng quên là đừng vội đánh giá con người qua dáng vẻ bề ngoài và lời nói ngon ngọt, có khi nó là cái bẫy. Quả không sai, hôm nay cái bẫy đã sập vào ông. Ông không tiếc vài chục ngàn mà ông ấm ức vì ngần này tuổi đầu còn bị mắc lừa. Tiền mất tật mang. Chẳng cái dại nào giống cái dại nào. Ông nhớ vào dịp giáp tết năm ngoái, ông dạo qua chợ thấy một sạp hàng giày da bày trên tấm vải nhựa ở vỉa hè cạnh lối vào chợ có đủ loại: Có giây buộc, không giây, màu đen, màu nâu, màu trắng... đôi nào cũng bóng loáng. Ông cầm một đôi lên ngắm nghía, xỏ thử rồi hỏi giá. Anh chàng chủ quầy liến thoắng: “Bác chọn khéo thế! Đôi này mà đi tết là nhiều người phải trầm trồ. Giày cháu không nhập nhèm dán nhãn mác nổi tiếng nước ngoài để đánh lừa khách hàng, cháu lấy từ các nhà sản xuất giầy xuất khẩu nhưng không xuất đi được. Nước ngoài họ không dùng thì ta dùng, giá cả vừa túi tiền, lại bền đẹp. Cháu lấy niềm tin của khách hàng làm phương châm”. Anh ta cầm chiếc giày trên tay ông: “Đây, bác xem có xứng đáng cho những người cao tuổi như bác sử dụng không. Các bác đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng có khi hàng chục năm chưa hề hấn gì ấy chứ...”. Sốt ruột, ông gắt: “Anh đọc bài thuộc lòng xong chưa? Giá đôi này là bao nhiêu?” Anh ta cười khì khì: “Đôi này, bác là người mở hàng, xin bác cho năm trăm chín!” Ông nhìn anh chàng bán giầy: “Gần trưa rồi mà chưa có ai mua giầy của anh sao?” Anh ta lúng túng: “Là...là... cháu quen mồm ấy mà!” “Tôi giả anh ba trăm!” “Bác trả cháu thấp quá, nhưng thôi, bác cũng như cha chú trong nhà, cháu bán rẻ cho bác!”. Khấp khởi, ông mang giày về khoe với thằng con trai. Nó không thèm nhìn, sẵng giọng: “Chẳng có loại giày tốt nào lại rẻ thế. Đến đôi giày thể thao xoàng xoàng cũng đã hơn hai trăm rồi. Giầy da chí ít cùng phải năm sáu trăm.” Ông tự ái, nó chê ông không biết chọn mua giầy. Nó nói đúng. Được vài tháng, đôi giầy đã bợt bạt, đế bong, mõm há. Ông lẳng lặng cho vào túi nilon ném vào thùng rác công cộng. Vờ như quên, ông không đả động gì đến chuyện giày dép nữa. Bây giờ lại đến dầu gội đầu. Ông tự an ủi: Lại thêm một bài học nữa. Ở đời, bài học nào chả phải nộp học phí. Chuyện chiều nay coi như ông nộp thêm một lần học phí về sự đời muôn hình vạn trạng chẳng khi nào cũ.

Nguyễn Văn Tông

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/them-mot-lan-hoc-phi-z8n20190707084422726.htm