Thêm một lần tốn kém để tháo sụn mũi giả, bỏ túi ngực

Dù tốn nhiều tiền cho các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều người không ưng ý với kết quả hoặc gặp biến chứng, dẫn đến quyết định tháo bỏ sụn mũi, túi ngực.

 Nhiều người không ưng ý với kết quả phẫu thuật thẩm mỹ, gặp biến chứng, phải tháo bỏ chất liệu. Ảnh minh họa: Ngọc Hiền.

Nhiều người không ưng ý với kết quả phẫu thuật thẩm mỹ, gặp biến chứng, phải tháo bỏ chất liệu. Ảnh minh họa: Ngọc Hiền.

Năm 2018, Thanh Thảo (TP.HCM) dành toàn bộ số tiền tiết kiệm 25 triệu đồng cho ca phẫu thuật nâng mũi. Tự ti vì sống mũi thấp, cô lựa chọn phương pháp đặt sụn nhân tạo.

Năm 2022, freelancer này bắt đầu nhận ra một số thay đổi bất thường khi phần đầu mũi sưng to, tấy đỏ.

Qua thăm khám tại cơ sở thẩm mỹ, Thanh Thảo được cho biết phần sụn mũi độn thêm không còn tương thích với cơ thể. Đây vừa là lỗi từ bác sĩ tư vấn cách đây 5 năm khi khuyên cô nâng mũi cao, đạt hiệu quả thẩm mỹ; vừa là lỗi do cô vì chưa tìm hiểu kỹ càng.

“Dù tiếc chiếc mũi cao, tôi vẫn phải đi rút sụn, tránh các biến chứng nặng nề hơn. Tại thẩm mỹ viện, họ loại bỏ dịch, xử lý ổ viêm và tháo sụn nhân tạo ra khỏi mũi tôi”, cô nói về quá trình tái phẫu thuật.

Hiện tại, Thanh Thảo chưa có ý định nâng mũi lại do vẫn còn ám ảnh với những di chứng sau ca phẫu thuật. Cô thừa nhận trải qua nhiều cơn đau đớn khi mũi viêm nhiễm, sưng tấy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày.

Tốn tiền, chịu đau thêm một lần

Nâng mũi lần đầu vào năm 2016, Quang Nhựt (33 tuổi, TP.HCM) quyết định tháo sụn và sửa mũi vào 4 tháng trước. Khác với Thanh Thảo, anh khá hài lòng với chiếc mũi tự nhiên, song phải phẫu thuật sửa do va đập sau tai nạn.

“Một số người cần chiếc mũi 9, 10 điểm mới thấy hài lòng. Tôi chỉ cần mức độ thẩm mỹ đạt điểm 7, nhưng ưu tiên an toàn và chức năng sử dụng”, anh nói.

Tương đối dễ tính về mặt thẩm mỹ, nhưng Nhựt vẫn quyết định phẫu thuật tháo sụn do sự cố không mong muốn. Bác sĩ sử dụng sụn ngắn hơn sống mũi tự nhiên, dẫn đến tình trạng phần đầu mũi anh bị hếch lên sau một khoảng thời gian nâng.

Theo Nhựt, những ca phẫu thuật đặt sụn như anh cần 1-2 năm để đánh giá mức độ thành công. Trong khi đó, phương pháp tái cấu trúc (thường được áp dụng với mũi nhiều khuyết điểm) cần đến 4 năm để xác định khả năng xảy ra biến chứng vật liệu.

Quang Nhựt sau phẫu thuật nâng mũi lần thứ nhất và lần thứ 2 (7 ngày kể từ lúc chỉnh sửa).

Quang Nhựt sau phẫu thuật nâng mũi lần thứ nhất và lần thứ 2 (7 ngày kể từ lúc chỉnh sửa).

Đối với Quang Nhựt, khi tìm hiểu địa chỉ, bác sĩ sửa mũi, điều khó khăn nhất với anh là tình trạng rối kiến thức chuyên môn, loạn thuật ngữ. Nhiều cơ sở thẩm mỹ tư vấn với từ ngữ chuyên môn, không giải thích cặn kẽ khiến anh hoang mang, suýt đưa ra quyết định sai, không phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ và khả năng tài chính.

Thậm chí, việc chèo kéo bệnh nhân cũng diễn ra ở nhiều cơ sở. Theo anh, phần lớn thẩm mỹ viện đều báo giá sửa lại trên 25 triệu đồng, bao gồm chi phí kéo/ghép da và bọc sụn vành tai.

Trong khi đó, một bác sĩ uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm khẳng định quá trình sửa mũi của anh không tốn nhiều khoản như vậy. Quy trình tái phẫu thuật (dành cho phương pháp đặt sụn) diễn ra tương đối đơn giản do mũi anh không bị sưng viêm.

Không rút sụn mũi như Thanh Thảo và Quang Nhựt, Ngọc Phạm (TP.HCM) quyết định tháo bỏ túi ngực sau thời gian dài chung sống với vòng một quá khổ. 3 năm trước, cô thực hiện đặt túi ngực đường nách vì đặc biệt yêu thích phong cách quyến rũ, gợi cảm.

Gần đây, cô không còn theo đuổi phong cách thời trang này, chuyển sang diện váy áo thanh lịch, trang nhã. Vì thế, Ngọc nhận thấy sự "lạc quẻ" của khuôn ngực lớn, thường xuyên gặp khó khi cài khuy áo, kéo khóa váy.

Hơn nữa, về mặt sức khỏe, cô luôn cảm thấy nặng nề và khó thở khi nằm nghiêng. Trong suốt 3 năm sau phẫu thuật nâng ngực, cô không thể nằm sấp, tránh o ép túi ngực.

“Vướng víu và phiền phức”, Ngọc Phạm mô tả về vòng một lớn mà cô từng yêu thích, sẵn sàng chi trả số tiền lớn và chịu đau để nâng.

Sau khi tìm hiểu, Ngọc biết quá trình tháo bỏ túi ngực cần gây mê, tồn tại khả năng xảy ra rủi ro. Ngoài ra, cô cũng cần chuẩn bị 20-30 triệu đồng để thực hiện ca phẫu thuật này.

Vì bất tiện trong quá trình sinh hoạt, Ngọc Phạm quyết định bấm bụng chi trả số tiền lớn và chấp nhận rủi ro để phẫu thuật tháo bỏ túi ngực. Cô dự định tiến hành lấy lại vòng một tự nhiên trong khoảng 6 tháng đến một năm tới.

Tìm hiểu kỹ, tránh hối hận

Chia sẻ với phóng viên, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình, Đại Học Y Hà Nội, công tác tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng tình trạng hối hận sau làm đẹp diễn ra phổ biến ở bệnh nhân tin lời quảng cáo của các thẩm mỹ viện không uy tín, chuyên gia thiếu chứng chỉ hành nghề.

Theo bác sĩ Nghĩa, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tháo sụn mũi, loại bỏ túi ngực sau phẫu thuật thẩm mỹ là biến chứng cấp tính và biến chứng thẩm mỹ.

Biến chứng cấp tính diễn ra khi các bộ phận phẫu thuật bị viêm nhiễm. Tình trạng nhiễm trùng khoang đặt chất liệu/vật liệu xảy ra nếu quá trình thực hiện không đảm bảo vô trùng.

Biến chứng thẩm mỹ đa dạng hơn, bao gồm 3 vấn đề chính.

Lộ chất liệu (do lựa chọn kích thước chất liệu sai).
Lệch khoang (mũi tụt thấp, lệch vẹo, ngực bị thông khoang).
Co rút bao xơ.

Quá trình phẫu thuật tháo bỏ chất liệu và xử lý tổn thương tương đối phức tạp. Hơn nữa, mức độ tổn thương của các ca bệnh khác nhau, dẫn đến chi phí biến đổi. Đối với một số trường hợp nhiễm trùng nặng, việc phục hồi khá khó khăn.

 Trước khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, bạn cần tìm đến bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, bệnh viện uy tín để thăm khám, tránh hối hận sau này. Ảnh minh họa: Pexels/Ana Shvets.

Trước khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ, bạn cần tìm đến bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, bệnh viện uy tín để thăm khám, tránh hối hận sau này. Ảnh minh họa: Pexels/Ana Shvets.

Khi phát hiện viêm nhiễm, bệnh nhân nên gặp bác sĩ uy tín, đến bệnh viện thăm khám, thực hiện phẫu thuật loại bỏ vật liệu càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nặng nề, nguy hiểm hơn. Ngoài ra, nếu quá trình xử lý diễn ra muộn, việc thực hiện càng trở nên khó khăn, phức tạp, dẫn đến chi phí và mức độ rủi ro tăng cao.

Trong một số trường hợp, sau khi tháo bỏ sụn mũi, túi ngực, các bộ phận không thể trở về trạng thái tự nhiên. Để giải quyết vấn đề này, người bệnh cần lập tức lên kế hoạch chỉnh sửa tiếp theo nếu muốn đảm bảo tính thẩm mỹ.

Ngoài ra, bác sĩ Nghĩa khẳng định tất cả ca phẫu thuật thẩm mỹ đều có biến chứng nhất định. Vì vậy, trước khi quyết định can thiệp dao kéo, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ lưỡng, lựa chọn bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, bệnh viện uy tín để thực hiện.

"Hiện nay, sự tràn lan của quảng cáo đến từ cơ sở thẩm mỹ thiếu uy tín khiến nhiều người hoang mang khi có ý định làm đẹp bằng các phương pháp phẫu thuật. Bệnh nhân cần tỉnh táo trước khi đưa ra sự lựa chọn, tránh hối hận sau này", ông nói.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/them-mot-lan-ton-kem-de-thao-sun-mui-gia-bo-tui-nguc-post1436002.html