Thêm một thành viên EU phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng Nga bất ngờ 'quay xe'

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán có kế hoạch thay thế nhiên liệu của Nga tại nhà máy điện hạt nhân. Lý do Budapest ra quyết định bất ngờ này?

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo chung tại Moscow. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo chung tại Moscow. (Nguồn: AP)

Trong một nỗ lực củng cố nền kinh tế Hungary và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, Thủ tướng Viktor Orbán vừa công bố kế hoạch thay thế nhiên liệu hạt nhân của Nga, bằng nhiên liệu của Pháp tại nhà máy điện hạt nhân duy nhất của nước này.

Đây là một trong những động thái rất mới của Budapest, khi giới lãnh đạo Hungary gần đây không ít lần tạo bất ngờ khi thẳng thừng nói “không” với đường lối chung của châu Âu, vốn vạch ra để phản đối Nga và ngăn chặn dòng tiền được cho là sẽ "nuôi dưỡng" chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine. Hungary cũng không ít lần lên tiếng ngăn chặn EU đưa Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) và ban lãnh đạo của công ty này vào danh sách trừng phạt, bởi lý do khá nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến nguồn cung năng lượng của quốc gia này.

Tuy nhiên, động thái mới nhất về kế hoạch thay thế nhiên liệu của Nga tại nhà máy điện hạt nhân là một phần trong kế hoạch 15 điểm của Thủ tướng Orbán, nhằm khôi phục nền kinh tế Hungary, vốn đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kéo dài một năm và tình trạng thiếu lao động.

Kế hoạch của nhà lãnh đạo Hungary cũng bao gồm các sáng kiến nhằm tăng tỷ lệ sinh của đất nước, hiện đại hóa quân đội và giải quyết những thách thức chính mà Hungary đang phải đối mặt.

Theo truyền thông địa phương, là người đứng đầu chính phủ tại nhiệm lâu nhất ở một quốc gia EU, Thủ tướng Orbán đặt mục tiêu duy trì quyền lực cho đến năm 2034.

Quyết định từ bỏ nhiên liệu của Nga xuất phát từ mục tiêu của Hungary nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào Nga. Là một trong những thành viên EU phụ thuộc nhiều nhất vào năng lượng của Nga, Hungary tìm cách tăng cường an ninh năng lượng và giảm thiểu rủi ro địa chính trị.

Bằng cách chuyển từ nhiên liệu của Nga sang nguồn nhiên liệu của Pháp, Hungary đang hướng tới việc tăng cường khả năng phục hồi và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định hơn. Động thái này phù hợp với mục tiêu của Thủ tướng Orbán là theo đuổi chiến lược năng lượng độc lập và tự cung tự cấp tốt hơn.

Ngoài ra, ông Viktor Orbán đã bày tỏ sự cần thiết để Mỹ tham gia đàm phán với Nga và đảm bảo một thỏa thuận về cấu trúc an ninh trong đó có một chỗ cho Ukraine. Giới quan sát bình luận, động thái mới này thể hiện cam kết của Hungary với các thành viên trong khu vực EU và vai trò của nước này với tư cách là người ủng hộ Ukraine trên trường quốc tế.

Nhìn chung, kế hoạch thay thế nhiên liệu của Nga tại nhà máy điện hạt nhân Hungary của ông Orbán phản ánh nỗ lực của nước này nhằm tăng cường an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất. Ngoài ra, "một mũi tên trúng hai đích", bằng cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng, Budapest vừa tăng cường liên minh khu vực, khi Hungary hướng tới mục tiêu bảo vệ nền kinh tế quốc gia và vừa góp phần hài hòa hơn với các thành viên trong khu vực.

Sẽ không có gì để nói nếu Hungary - một thành viên của EU và thường xuyên tuân thủ mọi tiêu chí mà khu vực này đặt ra. Tuy nhiên, lâu nay quốc gia EU này vẫn công khai theo đuổi quan điểm bảo vệ lợi ích quốc gia, không toàn tâm toàn ý với đường hướng đã được vạch theo quan điểm của các nhà lãnh đạo EU.

Trong Thông điệp quốc gia thường niên năm 2023, Thủ tướng Orban đã không ngại bày tỏ quan điểm rất rõ ràng về Nga. Ông đề cao nội dung mục tiêu "Hòa bình và An toàn", theo đó, nhà lãnh đạo Hungary tuyên bố rõ "sẽ duy trì quan hệ với Moscow và kêu gọi các nước khác làm điều tương tự", ngay cả khi EU cố gắng duy trì một mặt trận thống nhất chống lại Nga về chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông cũng đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga vì đã gây ra lạm phát cao ngất trời ở Hungary, đạt mức cao nhất của EU là gần 26% vào tháng 1/2023.

Thủ tướng Viktor Orban cũng từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, đất nước của ông sẽ đứng ngoài cuộc xung đột Nga-Ukraine và tiếp tục phủ quyết các vấn đề liên quan các biện pháp trừng phạt gây tổn hại đến lợi ích của Budapest. Dù ông thừa nhận việc đứng ngoài cuộc, thể hiện rõ quan điểm tập trung vào giải quyết các vấn đề kinh tế quốc gia, thật không dễ với tư cách thành viên NATO và EU. Hungary đã phải chịu áp lực vì không thay đổi lập trường về cuộc xung đột, nhưng nhấn mạnh rằng, chính phủ của ông đủ mạnh để không khuất phục trước những áp lực đó.

Trên thực tế, các dự án điện hạt nhân Hungary phụ thuộc khá nhiều vào các thực thể liên quan Nga, từ công nghệ đến nhiên liệu. Chỉ riêng Nhà máy điện hạt nhân Paks cung cấp một nửa sản lượng điện và đáp ứng 1/3 lượng điện tiêu thụ ở Hungary.

Dự án này là cũng là một trong những lý do khiến Hungary phủ quyết mọi khả năng EU áp đặt lệnh trừng phạt hạt nhân đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine trong thời gian qua.

Mới đây nhất, ngày 18/8, Hungary vừa hoàn tất một thỏa thuận với Rosatom để bắt đầu xây dựng hai lò phản ứng cho nhà máy điện hạt nhân Paks-2. Việc xây dựng có thể được bắt đầu vào mùa Xuân năm 2024. Dự án Paks-2 được cho là có tầm quan trọng đặc biệt đối với Hungary và các nước Liên minh châu Âu (EU) lân cận

Nằm cách thủ đô Budapest khoảng 100 km, nhà máy điện hạt nhân Paks vận hành bốn lò phản ứng VVR-440 theo thiết kế của Liên Xô để sản xuất khoảng một nửa lượng điện của đất nước. Việc bổ sung thêm hai lò phản ứng VVR-1200 sẽ tăng gần gấp đôi công suất của nhà máy - điều mà chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban từ lâu đã tìm cách thực hiện để củng cố khả năng độc lập về năng lượng của Hungary.

(theo energyportal.eu, Ukrinform)

Gia An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/them-mot-thanh-vien-eu-phu-thuoc-nhieu-nhat-vao-nang-luong-nga-bat-ngo-quay-xe-241786.html