Thêm ngân hàng tăng lãi suất huy động, lãi suất cho vay sẽ ra sao?
Một số nhà băng gần đây rục rịch tăng lãi suất huy động trở lại ở cả kỳ hạn ngắn và dài. Theo các chuyên gia, diễn biến này không đáng lo ngại đến việc tác động tới lãi suất cho vay, bởi xu hướng giảm lãi suất tiền gửi hiện nay vẫn là chủ đạo.
Kể từ đầu tháng 3, đã có 25 ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, gồm: PGBank, BVBank, BaoViet Bank, GPBank, ACB, Agribank, VPBank, PVCombank, Dong A Bank, MB, Techcombank, NCB, KienLong Bank, Agribank, SCB, Saigonbank, BIDV, Sacombank, ABBank, SeABank, CBBank, OceanBank, TPBank, VietinBank, VIB.
Ngược lại, có 5 ngân hàng tăng lãi suất huy động tại một số kỳ hạn: SHB, Techcombank, Saigonbank, Eximbank, VPBank.
“Ông lớn” tăng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn
Ngày 27/3, ngân hàng TMCP lớn nhất hệ thống - VPBank, chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm, kỳ hạn 2-36 tháng đồng loạt tăng 0,2 điểm phần trăm. Hiện, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VPBank ở kỳ hạn 24-36 tháng là 4,9%/năm.
Cùng xu hướng này, Eximbank trước đó đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn ngắn từ ngày 22/3.
Cụ thể, với hình thức gửi online, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng tại ngân hàng này đồng loạt tăng 0,3 điểm %. Kỳ hạn 1 tháng hiện có lãi suất 3,1%/năm; kỳ hạn 2 tháng có lãi suất 3,3%/năm; và kỳ hạn 3 tháng lãi suất là 3,4%/năm.
Ở các kỳ hạn còn lại, Eximbank giữ nguyên lãi suất huy động ở 3,9%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng; 4,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; 5-5,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất huy động mà nhà băng này áp dụng thấp hơn 0,1 điểm %.
Trong ngày 18/3, SaigonBank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, tập trung tại các kỳ hạn dài.
Cụ thể, trên kênh online, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng được SaigonBank tăng thêm 0,2 điểm %, từ 5,4%/năm lên 5,6%/năm. Kỳ hạn 36 tháng, lãi suất được điều chỉnh tăng tới 0,4 điểm %, từ 5,4%/năm lên 5,8%/năm.
Còn lại, các kỳ hạn ngắn được ngân hàng giữ nguyên ở mức 5%/năm (12 tháng); 3,8%/năm (6 tháng) và 2,3-2,8%/năm (1-5 tháng).
Trong nửa đầu tháng 3, một số nhà băng như SHB, Techcombank, Sacombank, BVBank, ACB cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động so với đầu tháng 2.
Dù vậy, xu hướng giảm lãi suất vẫn đang chiếm chủ đạo trong tháng 3 khi kể từ đầu tháng đến nay, thị trường ghi nhận có tới 25 ngân hàng thương mại thông báo giảm lãi suất huy động.
Mới nhất, 3 nhà băng trong nhóm ngân hàng quốc doanh là VietinBank, BIDV và Agribank đều đã hạ lãi suất huy động. Mức lãi suất cao nhất mà nhóm ngân hàng này niêm yết đã giảm về dưới 5%/năm, cũng là mức lãi suất thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây.
Lãi suất tiết kiệm bình quân tại các kỳ hạn hiện đang ghi nhận giảm từ 0,1%-0,2% so với cuối tháng 2/2024. Lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện chưa đến 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, còn kỳ hạn trên 12 tháng, rất ít nhà băng áp dụng mức 5%/năm.
Lãi suất sẽ “vượt đáy” để quay về mức 5,5%
Công ty chứng khoán MBS nhận định lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I/2024 và khó có khả năng giảm thêm, chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024.
Trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng tích cực hơn ở mức 6 – 7%, đầu tư và tiêu dùng đều khởi sắc trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, nhu cầu sử dụng vốn sẽ quay trở lại cân bằng với tình trạng dư thừa thanh khoản hiện nay. Dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 13 – 14%.
Do đó, các chuyên gia MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25 – 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5%/năm trong năm 2024.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng các ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi suất, ít nhất là trong quý I/2024 để giảm thêm lãi vay, cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024. Mức nền lãi suất huy động thấp tạo tiền đề cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm để khôi phục, phát triển kinh tế.
Lãi suất huy động đang tạo đáy giúp cho các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Điển hình, nhiều ngân hàng hiện cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi 5-6%/năm trong thời gian đầu, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tại nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, lãi suất ưu đãi vay mua nhà cũng chỉ dao động 5 - 7%/năm. Một số nhà băng tư nhân khác như BVBank, SHB, ACB... cũng tham gia vào cuộc đua cho vay giá rẻ với gói vay mua nhà lãi suất từ 5 - 8%/năm.
Tại Công điện ngày 5/3, Thủ tướng đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm nhưng chưa tương xứng với lãi suất huy động.
Các chuyên gia cho rằng hiện nay còn những khoản lãi suất neo cao là của những kỳ hạn trước đây khi ngân hàng huy động cao. Còn hiện tại và sắp tới, lãi suất đều trong xu hướng thấp.
"Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các nhà băng với mức trần tăng trưởng 15%, tương đương khoảng 2 triệu tỷ đồng bơm vào nền kinh tế (nhiều hơn năm ngoái khoảng trăm nghìn tỷ đồng). Đây là một con số rất lớn, nên cơ quan quản lý sẽ có nhiều động thái để "động viên" ngân hàng cho vay nhiều hơn", một chuyên gia đánh giá.