Thêm nguồn lực cho người dân vùng khó
Với mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ bà con thực hiện các dự án phát triển sản xuất. Nhiều mô hình khá triển vọng, mở ra hướng phát triển kinh tế...
Từ cuối tháng 3 đến nay, nhiều hộ DTTS ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) được tiếp nhận bò giống từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã, cho hay: Cuối tháng 3, 38 hộ nghèo, cận nghèo ở xóm Tam Va đã được hỗ trợ giống bò lai Sind sinh sản theo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đầu tháng 5, 33 hộ nghèo, cận nghèo của xóm Khe Mong được hỗ trợ bò giống lai Sind sinh sản theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân lên đến trên 2 tỷ đồng, bao gồm tiền hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật, đi học tập kinh nghiệm, quản lý dự án... Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 95%, nhân dân đối ứng 5%. Bà con rất phấn khởi khi được trao chiếc “cần câu” để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Khe Mong và Tam Va đều là những xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc được hỗ trợ bò giống sinh sản rất có ý nghĩa. Anh Hoàng Văn Sỉnh, người dân tộc Mông, Trưởng xóm Khe Mong, cho hay: Bò giống sinh sản sẽ tạo nguồn sinh kế bền vững, giúp bà con thoát nghèo. Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ con giống, phần việc còn lại của người dân là chăm sóc cho bò phát triển khỏe mạnh, sinh sôi thật nhiều bê con…
Không riêng gì Văn Lăng, người dân ở các xã ở miền núi, vùng cao của tỉnh cũng đã được hỗ trợ từ các chương trình MTTQ như: Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, dự án nhiều ý nghĩa khác.
Đáng nói, năm 2024, ngân sách Trung ương chi bổ sung cho các chương trình MTQG tại Thái Nguyên trên 711 tỷ đồng; trong đó, hơn 385 tỷ đồng thuộc nguồn vốn đầu tư, phần còn lại là vốn sự nghiệp.
Đặc biệt, năm nay tỉnh dành 645 tỷ đồng để thực hiện các chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, việc triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân vùng đồng bào DTTS được quan tâm.
Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho hay: Khi triển khai, chúng tôi tham mưu với tỉnh đặc biệt ưu tiên các dự án phát triển kinh tế, nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo đó, mục tiêu trong năm nay là thực hiện hỗ trợ 30 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 45 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế…
Không chỉ các chương trình MTQG tiếp sức hiệu quả cho người dân vùng khó, nhiều dự án chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp cũng góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào. Tính riêng 3 năm trở lại đây, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện 110 dự án, mô hình trình diễn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó phần lớn các dự án được thực hiện tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo đó, có 65 dự án, mô hình trình diễn về lĩnh vực trồng trọt với hơn 2.170 hộ tham gia; 13 mô hình trình diễn về lĩnh vực chăn nuôi với hơn 32.000 con gia súc, gia cầm và 140 hộ tham gia; 2 mô hình về lĩnh vực thủy sản với diện tích 4.500m2 mặt nước; 30 mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học để xử lý môi trường trong chăn nuôi.
Thực tế cho thấy, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ, tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS, nhiều hộ dân ở miền núi, vùng cao của tỉnh đã có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, toàn tỉnh giảm 1% hộ nghèo (xuống còn 3,35% hiện nay), trong đó, giảm được 2,1% hộ nghèo vùng DTTS.