Thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí phát triển

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, với vai trò là đầu tàu kinh tế, thời gian qua thành phố luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế thế giới biến động như hiện nay. Bên cạnh đó, thành phố đã tích cực ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; nỗ lực chuyển đổi mô hình sản xuất; tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế. Chính những điều này đã mang tới vị thế rất lớn cho lĩnh vực cơ khí, máy móc và thiết bị đặc biệt là ngành kỹ thuật cơ điện tử và công nghệ số.

“Chính từ những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cùng với chính sách hỗ trợ xuất khẩu mà TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cảng, cửa khẩu cả nước ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 13% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 4,6%. Hầu hết kim ngạch xuất khẩu theo mặt hàng và thị trường đều tăng so với cùng kỳ, là điểm sáng và mang đến kỳ vọng về sự tăng trưởng cho các quý tiếp theo”, ông Lữ nhấn mạnh.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngành cơ khí máy móc và thiết bị trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển. Tuy nhiên, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu trong nước. Cơ khí máy móc và thiết bị là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam.

Cơ khí máy móc và thiết bị là ngành công nghiệp then chốt

Cơ khí máy móc và thiết bị là ngành công nghiệp then chốt

Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) nhận định, Hội đã nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển tất yếu của thế giới, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thành phố quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến các đối tác trong và ngoài nước, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh mới cũng như đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp theo chủ trương của UBND thành phố. Nhờ đó, một số doanh nghiệp ngành cơ khí như Công ty TNHH máy Thép Việt, Công ty cơ khí Hồng Ký, Công ty cổ phần Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba, Công ty TNHH sản xuất cơ khí chính xác Nhuận Tiến, Công ty cổ phần phần mềm Digiwin Việt Nam… đã từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường

“Sự phát triển của kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 sẽ là một sự cộng hưởng và là một “giải pháp xanh” cho nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững và hiệu quả, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện HAMEE đang triển khai dự án Made by Vietnam, nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá cho các doanh nghiệp Việt với các sản phẩm công nghiệp tại thị trường nội địa cũng như kết nối đến các nước thông qua những chương trình Xúc tiến thương mại. Dự án nhằm tạo hệ sinh thái, hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt, giúp nâng cao cả chất và lượng của sản phẩm Việt”, ông Nam chia sẻ thêm.

Mới đây nhất, Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh đã có văn bản trình UBND thành phố về kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ năm 2024. Theo đó, năm nay, Sở Công Thương dự kiến tiếp nhận và xử lý hồ sơ 5 dự án đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất của thành phố.

Để được hỗ trợ lãi suất vay, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt được quy định tại Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND. Đầu tiên là phải có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu; Ngành nghề sản xuất phải thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Mức hỗ trợ lãi suất chỉ áp dụng đối với dự án có mức vay tối đa là 200 tỷ đồng, khi đó ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất tối đa 70% đối với phần đầu tư xây dựng công trình. Riêng đối với phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị được hỗ trợ lãi suất tối đa 85%. Mức lãi suất được hỗ trợ tối đa không vượt quá mức lãi suất huy động tiết kiệm bằng VND kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 NHTM gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển; Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương; Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương, cộng thêm phí quản lý 2%/năm.

Đây chính là những hành động thiết thực giúp doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành cơ khí nơi riêng có thêm nguồn động lực vượt qua khó khăn trước bối cảnh hiện tại để hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Tuyết Thanh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/them-nguon-luc-ho-tro-doanh-nghiep-co-khi-phat-trien-152997.html