Thêm nguyên nhân khiến doanh thu Thế Giới Di Động tụt dốc
Bên cạnh sức mua suy yếu trong môi trường lạm phát và lãi suất cao, kênh tài chính tiêu dùng yếu đi cũng khiến doanh thu bán lẻ của Thế Giới Di Động đi xuống.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG), lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ đạt vỏn vẹn gần 39 tỷ đồng trong quý gần nhất, giảm đến 96% so với cùng kỳ năm trước là hơn 900 tỷ đồng.
Sau giai đoạn bùng nổ với lợi nhuận liên tục tăng trưởng qua từng năm kể từ khi lên sàn chứng khoán năm 2014, doanh nghiệp bán lẻ này bắt đầu gặp nhiều khó khăn từ nửa sau của năm ngoái.
Trong đó, sức mua suy yếu trong môi trường lạm phát và lãi suất cao khiến lợi nhuận các nhà bán lẻ điện máy nói chung và Thế Giới Di Động nói riêng liên tiếp sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của chuỗi bán lẻ này chính là sự xuống dốc của các công ty tài chính tiêu dùng.
Cụ thể, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho biết trước đây Thế Giới Di Động có 3-4 đối tác trả góp thì hiện nay chỉ còn 1 bên có khả năng cung cấp dịch vụ này, khiến tỷ lệ duyệt hồ sơ rớt mạnh. Nếu như trước đây có thể duyệt lên đến 60-70% thì hiện nay chỉ còn 20%.
Nhiều năm nay, mua sắm trả góp qua các công ty tài chính là một công cụ đắc lực giúp kéo doanh số bán hàng của Thế Giới Di Động tăng lên nhanh chóng.
Các đối tác cho vay tiêu dùng từng hợp tác với Thế Giới Di Động có thể kể tới Home Credit, F88, FE Credit, HD Saison
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Thế Giới Di Động với F88 gặp trục trặc trong năm nay trong khi Home Credit và FE Credit ghi nhận sự giảm sút của hoạt động cho vay.
Với F88, chuỗi dịch vụ cầm đồ này đã trở thành đối tác với Thế Giới Di Động vào cuối năm 2021. Theo đó, F88 sẽ phụ trách cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt tại các cửa hàng Thegioididong.com và Điện Máy Xanh với hạn mức tối đa là 10 triệu đồng/giao dịch.
Tuy nhiên, tới tháng 3 năm nay, khi F88 chi nhánh TP. HCM bị cơ quan kiểm tra, Thế Giới Di Động ngay lập tức tạm ngưng hợp tác với dịch vụ cầm đồ này.
Với Home Credit, báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Thế Giới Di Động cho thấy tại ngày 30/9, số dư các khoản phải thu với công ty tài chính này là hơn 100 tỷ đồng.
Được biết, tỷ lệ thị phần của Home Credit luôn dẫn đầu tại Thế Giới Di Động. Hai bên đã bắt tay hợp tác kể từ khi thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn khá sơ khai. Tại mỗi cửa hàng của Thế Giới Di động đều có nhân viên của Home Credit thực hiện các nghiệp vụ cho vay tín chấp với số tiền 1-40 triệu đồng.
Thực tế, kênh cho vay tiêu dùng đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 15 năm qua. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống đến hết tháng 9 chỉ tăng khoảng 1,53% so với đầu năm, thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Còn tại TP. HCM - một thị trường lớn của Thế Giới Di động - tính đến hết tháng 10, dư nợ cho vay tiêu dùng mới đạt 955.000 tỷ đồng, chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2022.
Bối cảnh kinh doanh khó khăn khiến Thế Giới Di động có kế hoạch đóng khoảng 200 cửa hàng trong quý cuối năm nay. Tính đến cuối tháng 10, số lượng cửa hàng bán lẻ của công ty này là 1.158 cửa hàng.
Như vậy, so với đầu năm, nhà bán lẻ này đã giảm ròng 35 cửa hàng và kế hoạch đóng bớt một số điểm bán được triển khai mạnh mẽ trong 2 tháng cuối năm. Việc thu hẹp số lượng cửa hàng cũng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của Thế Giới Di Động khi tình hình kinh doanh xấu đi ngoài dự đoán.