Thêm nhiều chợ truyền thống, cửa hàng ở TP HCM ngừng hoạt động vì Covid-19
Số điểm bán thực phẩm tươi sống cho người dân TP HCM giảm nhanh, liên tục trong khi nhiều địa phương vẫn chần chừ trong việc tổ chức lại hoạt động kinh doanh rau củ quả, thịt, cá tại chợ truyền thống.
Số liệu thống kê của Sở Công Thương TP HCM đến chiều 15-7 cho thấy toàn TP chỉ còn 48 trong tổng số 237 chợ (bao gồm 3 chợ đầu mối) hoạt động. Như vậy, có đến hơn 3/4 số chợ truyền thống trên địa bàn TP đã tạm đóng cửa vì có ca F0 hoặc liên quan F0.
Ở kênh phân phối hiện đại, 7 siêu thị (trong đó gồm Co.opXtra Tân Phong (quận 7), Co.opmart Phú Thọ (quận 11), Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Co.opmart Cống Quỳnh (quận 1), Siêu thị Sài Gòn (quận 10), Big C An Lạc (quận Bình Tân), Satra Phạm Hùng (huyện Bình Chánh)... đang đóng cửa. Trong đó, Co.opXtra vừa mới tái mở cửa sau mấy ngày tạm ngừng hoạt động vì có ca F0 đã phải đóng cửa vì lý do tương tự.
Có thêm 7 cửa hàng tiện lợi, gồm 6 cửa hàng của hệ thống Bách Hóa Xanh, 1 cửa hàng Vissan) tại các quận 5, 12, Tân Bình, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức) đóng cửa trong ngày 15-7 vì có ca F0, nâng tổng số cửa hàng tiện lợi đang tạm ngưng hoạt động là 82/2845 cửa hàng.
Do áp lực duy trì chuỗi cung ứng, bảo đảm hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, hàng thiết yếu, cho người dân TP, các hệ thống siêu thị đang chạy đua vệ sinh khử khuẩn. thực hiện các hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP để nhanh chóng đưa những điểm bán này hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất có thể.
Theo Sở Công Thương TP HCM, việc có quá nhiều chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải ngừng hoạt động trong khi nhu cầu mua sắm của người dân vẫn ở mức cao, hiện tượng mua gom tích trữ vẫn còn tiếp diễn ở 1 bộ phận người dân khiến cơ quan quản lý nhà nước rất lo lắng.
Sở Công Thương TP đang triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân TP. Trong đó, vận động các doanh nghiệp (DN) có năng lực và điều kiện như Viettel Post, VNPost, doanh nghiệp logistic, thương mại điện tử tham gia bán hàng thực phẩm lưu động. Một số hệ thống phân phối lớn dù đang tất bật phục vụ lượng khách mua sắm tại chỗ lẫn online tăng đột biến vẫn cố gắng bố trí nhân sự, sắp xếp hàng hóa đưa đến bán cho người dân các khu vực “nóng”.
Các DN bán lẻ cũng đã điều chỉnh phương thức bán hàng trực tiếp lẫn online theo hướng giảm số lượng mặt hàng, ưu tiên mặt hàng thiết yếu, bán theo combo để giảm thời gian, tiết kiệm nhân lực, nâng cao tối đa năng lực cung ứng hàng hóa để gánh cho kênh chợ truyền thống đang giảm nhanh, liên tục.
Sở Công Thương TP cho biết trong lúc hệ thống phân phối hiện đại đang quá tải, đứng trước nhiều rủi ro đứt gãy do nguy cơ có ca F0 xuất hiện ở tổng kho hoặc nhiều điểm bán cùng lúc rất lớn, giải pháp cấp bách là đẩy nhanh việc triển khai tổ chức hoạt động bán thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đã chỉ đạo các địa phương xem xét thí điểm cho bán rau củ quả, thịt, cá tại các chợ. Hiện một số chợ đang xây dựng phương án tổ chức thực hiện.