Thêm nhiều nền kinh tế châu Á công bố gói hỗ trợ, kích thích kinh tế

UAE sẽ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc nới lỏng các quy định và luật đầu tư, trong khi Malaysia thông báo bổ sung 230 triệu USD trong gói cứu trợ nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19.

Hành khách chờ làm thủ tục tại Sân bay quốc tế Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hành khách chờ làm thủ tục tại Sân bay quốc tế Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Thái tử Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan ngày 16/3 thông báo UAE sẽ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc nới lỏng các quy định và luật đầu tư.

Theo Thái tử Zayed al-Nahyan, UAE cũng lên kế hoạch kích thích đầu tư chiến lược và một ủy ban mới do Bộ Tài chính đứng đầu sẽ rà soát các hình thức cho vay nhằm hỗ trợ các công ty địa phương.

Trước đó, ngày 14/3, Ngân hàng Trung ương UAE đã công bố gói cứu trợ trị giá 27 tỷ USD để giúp nền kinh tế đối phó với tác động của dịch COVID-19.

Tính đến ngày 15/3, UAE ghi nhận thêm 12 ca mắc COVID-19, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh lên 98.

Abu Dhabi đã đóng cửa các trung tâm giải trí và các điểm thu hút khách tham khách, trong đó có bảo tàng Louvre Abu Dhabi và công viên chủ đề Ferrari World.

Bên cạnh đó, UAE cũng quyết định ngừng cấp thị thực, trừ các nhân viên ngoại giao, kể từ ngày 17/3.

Cùng ngày, Chính phủ Malaysia thông báo bổ sung 230 triệu USD trong gói cứu trợ nhằm hạn chế tác động của dịch COVID-19.

Khoản tiền này sẽ giúp chi trả lương của người lao động phải nghỉ việc, giảm giá điện, các gói cứu trợ tài chính công.

Tháng trước, Malaysia đã công bố gói cứu trợ, trị giá 4,7 tỷ USD, bao gồm việc giảm thuế và tái bố trí kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp.

Chính phủ Maldives cũng đã dành 13 triệu USD trong ngân sách để hỗ trợ các biện pháp phòng ngừa được áp dụng trong 30 ngày áp đặt tình trạng y tế khẩn cấp do dịch COVID-19. Nước này cũng chuẩn bị 6.000 bộ xét nghiệm COVID-19.

Tính đến nay, Maldives đã ghi nhận 13 trường hợp mắc COVID-19, hầu hết là người nước ngoài. Tuần trước, Bộ Y tế Maldives đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tạ Hong Kong, cũng trong ngày 16/3, Cục phát triển du lịch Hong Kong (Trung Quốc) tuyên bố sẽ chi 400 triệu HKD (khoảng 500.000 USD) để hỗ trợ các ngành, nghề du lịch, bán lẻ và hội chợ tại Hong Kong.

Không chỉ phối hợp tuyên truyền, Cục phát triển du lịch còn trực tiếp hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ triển khai hoạt động khuyến mại, giảm giá nhằm kích thích tiêu dùng; tăng thêm hỗ trợ cho quỹ trùng tu và quảng bá các địa điểm du lịch, đồng thời tăng mức chia sẻ hỗ trợ, trợ cấp cho các ngành bán lẻ, ăn uống và miễn một số chi phí tham gia các hoạt động.

Thống kê cho thấy lượng du khách đến Đặc khu hành chính Hong Kong trong tháng 2 đã giảm tới hơn 96% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 199.000 lượt người.

Giới chức Hong Kong cho biết lượng du khách đến Hong kong hiện nay chỉ bằng mức 1 ngày trong giai đoạn cao điểm của năm 2019.

Sau khi Chính quyền Đặc khu thực hiện đóng các cửa khẩu hôm 8/2, số lượng du khách đến Hong Kong giảm xuống còn khoảng 3.300 lượt người mỗi ngày, trong đó khoảng 80% không phải là du khách Trung Quốc đại lục.

Dự kiến, lượng du khách tới Hong Kong trong tháng Ba có thể sẽ giảm hơn nữa./.

Lê Anh-Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/them-nhieu-nen-kinh-te-chau-a-cong-bo-goi-ho-tro-kich-thich-kinh-te/628759.vnp