Thêm nhiều nước áp giá trần dầu mỏ của Nga
Từ ngày 5-12, Liên minh châu Âu (EU) cùng các đồng minh trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và Australia bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Sau động thái này, một số nước đưa ra hành động tương tự.
Danh sách tiếp tục kéo dài
Ngày 8-12, Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết, nước này đã áp giá trần đối với dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng, phù hợp với mức giá trần của EU. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Na Uy nhấn mạnh: "Na Uy đã đưa ra giá trần đối với dầu thô từ Nga ở mức 60 USD/thùng, phù hợp với mức giá trần được EU và các quốc gia thuộc G7 thông qua".
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản cũng ra thông báo cho biết, nước này bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô của Nga từ ngày 5-12, song sẽ loại trừ dầu thô nhập khẩu từ nhà máy Sakhalin-2. Chính phủ Nhật Bản cho hay việc loại trừ dầu thô của dự án Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga mà các nhà khai thác năng lượng Nhật Bản nắm giữ cổ phần sau khi Tập đoàn Shell rời đi đã được quyết định "phù hợp với an ninh năng lượng của Nhật Bản".
Nga thiệt hại không nhỏ
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, lệnh áp trần giá dầu liên quan đến hơn 2/3 lượng dầu Nga xuất khẩu đến EU. Các chuyên gia cơ bản cho rằng động thái nêu trên nhằm hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga, đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu của quốc gia này trên thị trường toàn cầu.
Theo chuyên gia Bob Yawger tại ngân hàng Mizuho ở New York, với mức trần giá hiện tại, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga sẽ vào khoảng 10 tỷ USD đến 15 tỷ USD mỗi tháng. Con số này thấp hơn mức 21 tỷ USD Nga thu về trong tháng 6 khi giá dầu Brent đạt 120 USD/thùng.
Ngành xuất khẩu dầu thô của Nga đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau các lệnh trừng phạt mới và mức trần giá 60 USD/thùng. Tạp chí Phố Wall đưa tin ngày 7-12, báo cáo của hai nhà theo dõi dữ liệu xuất khẩu dầu thô của Nga đều cho thấy sự sụt giảm lớn, mặc dù mức độ là khác nhau.
Theo hãng phân tích thị trường hàng hóa Kpler, hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga đã giảm gần 500.000 thùng/ngày vào hôm 6-12, tương đương với mức giảm 16% so với trung bình 3,08 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Trong khi đó, trang TankerTrackers.com, chuyên theo dõi các tàu biển qua tín hiệu và hình ảnh vệ tinh, báo cáo rằng sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm gần 50%. Phần sụt giảm mạnh nhất là các chuyến hàng được chuyển qua những bến cảng ở Biển Đen và Biển Baltic.
Hàng triệu thùng dầu vẫn lênh đênh trên Biển Đen
Hãng Bloomberg dẫn lời một số quan chức Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu với điều kiện giấu tên cho biết gần 2 triệu tấn dầu, hay khoảng 15 triệu thùng dầu, đang bị giữ lại tại eo biển Bosphorus và Dardanelles vì không có đủ giấy tờ bảo hiểm theo quy định áp trần giá dầu mới liên quan đến lệnh trừng phạt dầu thô của Nga.
Hai tuyến đường thủy này là những nút thắt quan trọng đối với dòng chảy của dầu thô và các mặt hàng khác vận chuyển từ Biển Đen. Trong năm qua, gần 700 triệu thùng dầu đã được vận chuyển qua khu vực này. Trước đó, dữ liệu theo dõi tàu thuyền của Bloomberg cho biết 26 tàu chở dầu xuất phát từ Kazakhstan đã phải nằm chờ đợi ở ngoài khỏi Thổ Nhĩ Kỳ cùng với khoảng 23 triệu thùng nhiên liệu. Tuy nhiên, phía chính quyền Kazakhstan lại công bố con số thấp hơn.
Từ cuối tháng 11, giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo các tàu chở dầu đi qua vùng biển của nước này sẽ phải cung cấp đầy đủ giấy tờ bảo hiểm phù hợp và chờ đợi Ankara xác minh giấy tờ. Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh EU, G7 và Australia nhất trí áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng kể từ ngày 5-12.
Các quan chức Mỹ và Anh đang thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xem xét lại yêu cầu về bằng chứng bảo hiểm, đặc biệt khi các hàng hóa từ Kazakhstan không phải chịu lệnh trừng phạt. Song cho đến nay, họ vẫn chưa thể đàm phán thành công. Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal rằng chương trình này chỉ áp dụng cho dầu có nguồn gốc từ Nga và không cần kiểm tra thêm. Hãng thông tấn TASS cho biết toàn bộ tàu chở dầu và hàng hóa của Kazakhstan đã được bảo hiểm và các công ty cung cấp bảo hiểm - chủ yếu là các công ty bảo hiểm của Anh - đang đàm phán với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/them-nhieu-nuoc-ap-gia-tran-dau-mo-cua-nga-post270713.html