Thêm Quy định hợp ý Đảng, lòng Dân - Một giải pháp hữu hiệu chống tham nhũng, tiêu cực
Đây là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng ta nhằm làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Trung ương đã ban hành nhiều Quy định cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý cán bộ và kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên.
Cách đây ba tháng, ngày 11-7, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Mới đây, ngày 27-10 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Những điều quy định rất chặt chẽ, cụ thể, sát với tình hình thực tiễn là cơ sở quan trọng để các tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan chuyên môn thực hiện. Có thể coi đây là hành lang pháp lý để phát hiện, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang tiến hành công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội thứ XIV của Đảng. Các quy định này cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các cấp ủy, cơ quan tổ chức cán bộ và cá nhân cán bộ, đảng viên. Khi nói “tự soi”, “tự sửa” thì Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy định, chính là tấm gương để mọi người thường xuyên xem xét, tự vấn mình.
Làm tốt những điều quy định chính là tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất cao, đồng thời là “liều thuốc” để phòng, trước khi chữa bệnh. Kiểm tra, giám sát cốt để hướng dẫn, cảnh báo là chính, chứ không phải để “bới lông tìm vết”, để “hạ bệ” nhau.
Theo Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát... thì căn bệnh ở đây chính là tham nhũng và tiêu cực. Quy định giải thích rất rõ rằng: Tham nhũng trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc “người có thẩm quyền lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác”. Còn tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán là “hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến việc làm không đúng với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán”.
Muốn phòng bệnh tốt, chữa bệnh kịp thời và không để tái phát thì phải có thầy thuốc giỏi, thuốc tốt và mỗi người đủ sức đề kháng - đề kháng trước một thứ virus nguy hiểm là tiền tài, quyền lực... Quy định lần này nêu rõ 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Hành vi khá phổ biến hiện nay là, hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm.
Một hành vi khác: Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán. Những hành vi này từng xảy ra trong một số vụ án và người vi phạm từng bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải vào tù vì tội chiếm đoạt tài liệu bí mật của Nhà nước. Có người đã lợi dụng cương vị của mình, dùng thủ đoạn để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, dùng vũ lực hoặc đe dọa người có thẩm quyền hoặc các thủ đoạn gian dối khác để có được tài liệu bí mật đó.
Thật là nguy hiểm. Muốn kiểm tra, xử lý được người khác thì cơ quan kiểm tra, giám sát, người thực thi nhiệm vụ phải có “bàn tay sạch”, thế nhưng khi “tay trót nhúng chàm” thì không thể vô tư, khách quan được nữa. Một khi đã gật đầu với người “lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ siêu” thì công lý sẽ bị uốn cong, phải trái, thật giả lẫn lộn. Thật buồn khi có trường hợp lãnh đạo cơ quan kiểm tra, điều tra lại “bật đèn xanh” cho người phạm tội tìm gặp người nọ người kia để chạy tội, nên khai báo, tẩu tán tài sản ra sao, thậm chí nên “du lịch qua màn ảnh nhỏ” một thời gian (!).
Sau khi Bộ Chính trị có quy định cụ thể, vấn đề là phải thực hiện cho tốt, cho nghiêm, như chúng ta đã từng làm tốt các quy định được ban hành trước đây. Làm thế nào để thực hiện tốt? Một câu hỏi cũ mà rất mới, rất nóng. Bởi vì trong cái cũ có những cái mới nảy sinh, rất phức tạp và nhạy cảm, nói thì dễ, làm thì khó; làm nửa chừng thì có thể, làm triệt để thì... gay go.
Thế nên, các đồng chí lãnh đạo cấp cao thường nhấn mạnh, chủ trương một, thì biện pháp phải 10, quyết tâm 20, không được để tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Việc đầu tiên là phải nghiên cứu kỹ quy định và tiếp tục cụ thể hóa cho phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị trước khi tổ chức thực hiện. Kế đến là việc phối hợp chặt chẽ giữa đoàn kiểm tra, giám sát của cấp ủy với ủy ban kiểm tra cấp trên trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Làm như thế để tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, ai cũng muốn làm “ông Thiện”, không muốn làm “ông Ác”.
Thêm một Quy định hợp ý Đảng-lòng Dân là thêm một giải pháp hữu hiệu chống tham nhũng, tiêu cực; thêm một kênh giám sát của Đảng và một kênh để quần chúng “kiểm tra”.