Thêm quyền cho người khuyết tật

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em và gần 29% là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng. Từ khi thành lập đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc.

Cụ thể, đã có nhiều chính sách về người khuyết tật được ban hành mới và điều chỉnh phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật. Và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến người dân là một minh chứng. Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc chở 3 người khi điều khiển xe máy gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Để đảm bảo an toàn, pháp luật chỉ cho phép chở 2 người, nhưng trong một số trường hợp nhất định, người điều khiển xe máy vẫn được chở 3 người. Tại khoản 1 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển xe môtô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp được chở tối đa hai người như: Chở người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; trẻ em dưới 14 tuổi.

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế cuộc sống, trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung thêm trường hợp xe máy được phép chở 3 người mà không bị phạt. Theo đó, tại khoản 1 Điều 31 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định các trường hợp được phép chở 3 người như: Chở người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; trẻ em dưới 14 tuổi; chở người già yếu hoặc người khuyết tật. Như vậy, so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung thêm trường hợp là những người già yếu, người khuyết tật vào đối tượng người điều khiển xe máy được chở thêm tối đa 2 người. Mặc dù xe gắn máy được phép chở 3 người nhưng những người ngồi trên môtô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm và chấp hành đầy đủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông.

Việc bổ sung quy định trường hợp điều khiển xe máy tham gia giao thông được chở 3 người không những phù hợp với thực tế mà còn mang đậm tính nhân văn của hệ thống pháp luật Việt Nam. Trước đó, tại tiêu chuẩn xây dựng số 228:1998 quy định rõ, những công trình bắt buộc phải đảm bảo lối đi cho người tàn tật dùng xe lăn, gồm: Khách sạn quốc tế, ga hàng không quốc tế, ga xe lửa trung tâm; trường học, nhà an dưỡng, bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh; trụ sở UBND, trụ sở cơ quan, tòa án, thư viện, bảo tàng, cung văn hóa, nhà hát, công viên. Ngoài quy định nêu trên, quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật được ghi nhận ngay từ khi có Luật Trợ giúp pháp lý. Theo đó, người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Luật Người khuyết tật còn quy định rõ, hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và trạm y tế cấp xã là cơ quan có trách nhiệm đối với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người khuyết tật. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật. Tại Thông tư số 03/2018/TT-BGDĐT quy định rõ các chính sách ưu đãi khác đối với các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nhằm khuyến khích công tác dạy nghề cho người khuyết tật. Như vậy, với việc bổ sung quy định nêu trên, người khuyết tật sẽ có thêm quyền khi tham gia giao thông. Không những thế, hằng năm Quốc hội, Chính phủ đều yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan chức năng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật không còn phù hợp với thực tế của người khuyết tật.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/158108/them-quyen-cho-nguoi-khuyet-tat