Thêm sức hút cho dòng phim chiến tranh
Dù chiếm số lượng khiêm tốn trong bức tranh điện ảnh Việt Nam nhưng phim về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính vẫn luôn được khán giả yêu mến và giới chuyên môn đánh giá cao. Tuy nhiên, những bộ phim này lại chưa có được sức hút phòng vé như mong muốn. Thêm cơ hội tiếp cận khán giả là điều mà những người làm phim vô cùng quan tâm.
Một niềm vui với những người yêu nghệ thuật thứ 7 là cùng với bộ phim “Hồng Hà nữ sĩ”, bộ phim “Đào, phở và piano” là hai bộ phim được Nhà nước đặt hàng thực hiện. Trong đó bộ phim “Đào, phở và piano” (đạo diễn Phi Tiến Sơn) khai thác đề tài chiến tranh cách mạng.
Bối cảnh phim là Thủ đô Hà Nội gần 80 năm về trước, cùng cả nước dũng cảm chống kẻ thù xâm lược. Câu chuyện phim kể về đôi tình nhân trẻ vượt qua muôn vàn khó khăn để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến (ngày 17/2/1947), khi quân ta rút ra chiến khu bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau khi tìm thấy nhau, họ chỉ còn vài tiếng đồng hồ để cưới, tận hưởng cuộc sống vợ chồng giữa mong manh cái chết bủa vây.
Câu chuyện phim chỉ diễn ra trong một ngày đêm, vẻn vẹn 24 giờ nhưng khắc họa chân dung những người dân Thủ đô yêu đời, hào hoa, lãng mạn, nhưng cũng vô cùng quả cảm, sẵn sàng tận hiến để giữ gìn Hà Nội. “Đào, phở và piano” là câu chuyện xảy ra trên chiến lũy một khu phố cổ mùa đông 1946, khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô. Bộ phim không chỉ ca ngợi tinh thần quả cảm, lòng yêu nước mà còn đi sâu vào tìm hiểu, lý giải cốt cách, phẩm chất người Hà Nội. Những phẩm chất đó thông qua những nhân vật bình dị như chàng trai tự vệ chân chất, dù thiết tha yêu cuộc sống bên người vợ trẻ nhưng sẵn sàng một mình chống lại cả một đội quân thiện chiến. Nàng tiểu thư phố cổ. Ngoài ra còn là ông họa sĩ già, chú bé đánh giày, vị cha xứ, vợ chồng người bán phở…
Có thể nói, với 4.000 năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trải qua 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (chống Pháp, chống Mỹ) nên đề tài chiến tranh cách mạng, thời kỳ hậu chiến đã trở thành một đề tài lớn với văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Ra đời trong khói lửa chiến tranh và đồng hành cùng dân tộc qua 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nên nền điện ảnh cách mạng Việt Nam được xây dựng bằng nhiều bộ phim kinh điển về đề tài này. Kể từ bộ phim “Chung một dòng sông” (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân) được cho là bộ phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, chúng ta đã có nhiều bộ phim xuất sắc theo dòng lịch sử như “Chị Tư Hậu”, “Con chim vành khuyên”, “Người chiến sĩ trẻ”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Đường về quê mẹ”, “Cánh đồng hoang”…
Sau này, khi đất nước đã hòa bình, độc lập nhưng chiến tranh và hậu chiến vẫn là mảnh đất màu mỡ để các nhà làm phim khai thác, tiếp tục mang đến những tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng khán giả như “Mùa gió chướng”, “Huyền thoại về người mẹ”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”… Câu chuyện chiến tranh được kể trong những bộ phim này đã có những góc nhìn khác. Sự khốc liệt của chiến tranh hiện lên qua những hy sinh, thầm lặng của người phụ nữ nơi hậu phương, trong ký ức những người lính trở về từ chiến trường. Sau này, những bộ phim như “Người đi tìm dĩ vãng”, “Cỏ lau”, “Ai xuôi vạn lý”, “Bến không chồng”, “Đời cát”… lại tiếp nối dòng phim này với sự quan sát khách quan và một độ lùi nhất định về thời gian của các đạo diễn.
Gần đây nhất, một số đạo diễn trẻ, tâm huyết với đề tài chiến tranh được ví như “làn gió mới” mang đến những thước phim đẹp, hoành tráng và cái nhìn mới mẻ về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc phải kể tới Bùi Tuấn Dũng với “Đường thư”, “Những người viết huyền thoại”, “Khúc mưa”, Đặng Thái Huyền với “Người trở về” và Đinh Tuấn Vũ với “Truyền thuyết về quán Tiên”. Khách quan mà nói, phim của những đạo diễn trẻ mang đến những hình ảnh chân thực về cuộc chiến tàn khốc, hấp dẫn bởi biết sử dụng kỹ xảo trong miêu tả những cảnh chiến đấu ác liệt nhưng cũng rất xúc động, lãng mạn trong những câu chuyện về tình yêu, tình đồng chí.
Như vậy, có thể nói, phim về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến trong đó hình ảnh người lính là nhân vật xuyên suốt vẫn là một dòng chảy bền bỉ trong đời sống điện ảnh Việt Nam. Tùy từng thời điểm lịch sử, có khi mạnh mẽ, sôi động, có khi trầm lắng nhưng chưa khi nào vắng bóng. Mỗi năm, chúng ta đều có đại diện của dòng phim này, dù thời gian qua dịch COVID – 19 ngăn trở. Đơn cử như năm 2019 có “Truyền thuyết về Quán Tiên” đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, năm 2021 có “Khúc mưa”, bộ phim về đề tài hậu chiến của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, 2022 có “Bình minh đỏ” (đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân” và “Đào, phở và piano” là của năm 2023…
Tất nhiên, trên tổng số khoảng 40 bộ phim được sản xuất trong 1 năm thì phim về chiến tranh cách mạng và người lính là con số quá khiêm tốn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là Nhà nước không rót kinh phí để làm phim dẫn đến đề tài này ít được khai thác hơn. Các hãng phim tư nhân vốn không mặn mà với đề tài này vì làm phim tốn kém lại kén khán giả. Với những đạo diễn trẻ thì rõ ràng, làm phim về chiến tranh cách mạng là một thử thách lớn. Cái khó trong việc làm phim về chiến tranh cách mạng, phim về người lính là kể chuyện xưa nhưng phải có hơi thở hôm nay, tiếp cận và kết nối được với vấn đề thời đại. Và quan trọng nhất, phải là một bộ phim hay, chạm được vào trái tim khán giả.
Tuy nhiên, có một thực tế là thời gian gần đây những bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài người lính đa phần đều có chất lượng tốt, được giới phê bình đánh giá cao nhưng lại không có được doanh thu như kỳ vọng. Đã từng có những bộ phim được đầu tư tới hàng triệu USD nhưng lại phải xếp kho sau vài buổi công chiếu vì không có khán giả. Đơn cử như bộ phim “Bình minh đỏ”, ngay từ khi ra mắt đã gây xúc động, lấy được nhiều nước mắt của khán giả, phim cũng đã giành giải thưởng Ban giám khảo tại LHP Việt Nam lần thứ 22 tại thành phố Huế nhưng vẫn không có được sức hút phòng vé như mong muốn.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân từng thừa nhận áp lực khi làm phim chiến tranh chính là khả năng đón nhận của khán giả với đề tài này. Ngược lại, phim không phát hành ở hệ thống bán vé thì khán giả cũng chịu thiệt thòi, chỉ có cơ hội xem những bộ phim này thông qua những tuần phim, những đợt phim kỷ niệm. Rõ ràng, cần một cơ chế phát hành, quảng bá cho phim hấp dẫn hơn…
Vì vậy, trong bối cảnh Điện ảnh Việt Nam thiếu vắng những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, hậu chiến, để khán giả trẻ hiện nay có cơ hội được xem những bộ phim được sản xuất trước đây, tại chùm phim kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay, Viện phim Việt Nam giới thiệu tới khán giả 3 bộ phim đặc sắc, tạo nhiều dấu ấn và giá trị nghệ thuật là “Đứa con và người lính” (Đạo diễn Châu Huế), “Người về đồng cói” (Đạo diễn NSND Bạch Diệp), “Rừng lạnh” (Đạo diễn NSND Trần Phương). Trước đó, đầu tháng 7, Viện Phim Việt Nam cũng đã tổ chức chương trình chiếu phim khảo sát về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến với những bộ phim “Nổi gió”, “Đường về quê mẹ”, “Ai xuôi vạn lý”.
Thông qua hoạt động ý nghĩa này, Viện Phim Việt Nam mong muốn tôn vinh lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua đó, hình tượng người lính Cụ Hồ cũng được khắc họa rõ nét, đẹp đẽ và sống động, Trong các cuộc chiến, họ đã dành cả tuổi thanh xuân để chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Khi hòa bình, họ lại cùng chung tay xây dựng đất nước, xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.
Việc chiếu lại các tác phẩm này nhằm tuyên truyền, giáo dục về lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ. Ngoài ra, Đề án “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến” với mục đích đây sẽ là trung tâm chính thống của Nhà nước để phát hành và phổ biến phim Việt Nam đang được Cục Điện ảnh xây dựng. Hy vọng những hoạt động này sẽ góp phần khẳng định sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý văn hóa trong việc đầu tư, phát triển dòng phim này ở giai đoạn phát triển, hội nhập của đất nước.