THÊM TIỆN ÍCH CHO DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN

Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) vừa được khai trương là minh chứng cho thấy hệ thống hành chính của chúng ta đang thể hiện rõ nét tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Hiện tại, Cổng DVCQG đã cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến, thực hiện ở cấp bộ và 63 tỉnh, thành phố, cụ thể là: Đổi giấy phép lái xe; cấp giấy phép lái xe quốc tế; thông báo hoạt động khuyến mại, đăng ký khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp (phục vụ người dân, hộ gia đình); dịch vụ cấp điện trung áp (phục vụ doanh nghiệp) và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Cùng với đó, có 4 địa phương cung cấp thêm một số dịch vụ công, như TP Hồ Chí Minh là đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; TP Hà Nội, TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh là đăng ký khai sinh…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: VGP

Có thể thấy, các dịch vụ công trực tuyến được lựa chọn ban đầu là những dịch vụ thông dụng liên quan đến hầu hết người dân, doanh nghiệp. Giờ đây, chỉ cần ngồi nhà, với chiếc máy vi tính, người dân có thể thực hiện được những dịch vụ công này, không phải mất thời gian đến cơ quan công quyền, giảm được rủi ro từ các “chi phí không chính thức”.

Tuy nhiên, có một nhu cầu của người dân nên được các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu để đưa vào thành một dịch vụ công trực tuyến. Đó là dịch vụ tra cứu bản đồ quy hoạch có sử dụng đất.

Nhu cầu biết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nhu cầu chính đáng của người dân, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến lợi ích, cuộc sống của họ. Theo quy định của pháp luật, người dân có quyền được biết thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ quan chức năng phải công bố các thông tin này (trừ các thông tin mật theo quy định). Ở các địa phương, đặc biệt là ở các đô thị lớn, mỗi quy hoạch được lập ra, là số phận của một khu dân cư bị ảnh hưởng.

Nhưng có một thực tế là hiện nay, người dân không dễ để biết chính xác mảnh đất mình đang sử dụng, ngôi nhà mình đang ở có nằm trong quy hoạch hay không? Người ta chỉ biết ang áng, biết đại khái, và nhiều khi thông tin cứ úp úp mở mở và phần lớn trong số đó là thông tin truyền miệng. Trên mạng có những trang thông tin cung cấp các loại quy hoạch, nhưng không rõ độ tin cậy tới đâu, bản đồ trong các trang này chủ yếu là bản đồ tỷ lệ 1/2000, còn chưa cụ thể. Để biết thông tin, có nơi thì người dân lên phòng đô thị của quận để dò hỏi. Có nơi thì hỏi ở bộ phận một cửa. Nhưng tựu trung lại là chưa dễ dàng, chưa thuận lợi, thời gian chờ đợi lâu, thông tin thì hạn chế.

Do tình trạng không dễ tiếp cận thông tin quy hoạch mà nhiều người dân đã bị thiệt hại. Có những trường hợp bị thu hồi đất, mặc dù không nằm trong quy hoạch. Trong khi đó, các nhóm lợi ích thân với chính quyền địa phương, biết được thông tin nên dễ trục lợi. Có một thực tế là hiện nay phần lớn các khiếu nại, tố cáo ở cơ sở có liên quan đến vấn đề đất đai, quy hoạch. Mà trong đó, vụ khu đô thị Thủ Thiêm là một điển hình.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, nếu như Cổng DVCQG có thể tích hợp chức năng tra cứu bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cơ quan chức năng thì sẽ giải quyết được một nhu cầu rất lớn của người dân, ngăn chặn những điểm nóng có thể phát sinh ở cơ sở.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/them-tien-ich-cho-dich-vu-cong-truc-tuyen-604934