Thêm tranh cãi xung quanh khủng hoảng nhập cư 'mới' tại châu Âu
Ba Lan đề nghị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có những 'bước đi cụ thể' để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus.
Thủ tướng Ba Lan ngày 14/11 đề nghị NATO có "các bước đi cụ thể" để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới Belarus và thông tin thêm rằng Ba Lan, Lithuania và Latvia có thể yêu cầu NATO tiến hành tham vấn về vấn đề này.
Hàng nghìn người di cư đã đổ tới biên giới Belarus với hy vọng được nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU). Nhưng mọi kỳ vọng của họ đang bị dập tắt sau khi cửa khẩu biên giới bị đóng lại và khiến họ bị mắc kẹt.
Phản ứng trước tình hình trên, Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng cáo buộc chính quyền Belarus đã dàn dựng cuộc khủng hoảng này để gây sức ép tới các nước thuộc EU. Trong khi Belarus nhiều lần bác bỏ các cáo buộc thì một số quốc gia trong khu vực cũng cảnh báo tình trạng đóng băng tại biên giới có thể leo thang thành xung đột quân sự. Ngày 13/11, một nhóm khoảng 50 người di cư đã phá vỡ hàng phòng thủ ở biên giới và tiến vào lãnh thổ Ba Lan, gần làng Starzyna. Bộ đội biên phòng Ba Lan thông tin với hãng thông tấn nhà nước Ba Lan PAP rằng những người này đã bị bắt giữ.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu với hãng PAP: "Việc chúng ta công khai bày tỏ mối quan ngại của mình là chưa đủ. Bây giờ chúng ta cần những bước đi cụ thể và sự cam kết của toàn bộ liên minh".
Theo Điều 4 hiệp ước NATO, mọi đồng minh đều có thể yêu cầu tham vấn ở mọi thời điểm, theo ý kiến của bất kỳ thành viên nào khi tính toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của họ bị đe dọa.
Ông Morawiecki thông tin với hãng PAP rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận thêm về các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, bao gồm cả việc đóng cửa hoàn toàn biên giới và rằng EU nên cùng tài trợ cho một bức tường biên giới.
Người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng cho biết khối này sẽ xem xét thêm các biện pháp trừng phạt đối với Belarus trong ngày 15/11, dự tính trừng phạt các hãng hàng không và công ty du lịch có liên quan đến việc vận chuyển người di cư.
Hãng tin RIA ngày 14/11 trích dẫn một cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga nói rằng Nga sẵn sàng giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này. Moscow hiện là bên ủng hộ chính của nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đối thoại với Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau ngày 13/11 và cho biết các hành động của Belarus đe dọa đến an ninh khu vực và làm xao lãng sự chú tâm của họ đến các hoạt động quân sự của Nga ở biên giới Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 14/11 cho hay: "Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Ba Lan trong việc phó với chế độ Lukashenko. Chế độ này đang khai thác những người di cư dễ bị tổn thương".