Thêm triển vọng phát triển cho vùng Đông Nam Bộ
Bến Cát, thành phố thứ 5 của Bình Dương, được kỳ vọng đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung
Ngày 25-4, tại Bình Dương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-5.
Nhiều trục giao thông quan trọng
Theo nghị quyết, TP Bến Cát có diện tích trên 234 km2, dân số hơn 364.500 người. Đô thị này giáp TP Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và giáp với TP HCM. Định hướng năm 2030, thành phố thứ 5 này của tỉnh Bình Dương trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ, năm 2040 là trung tâm đô thị - dịch vụ - công nghiệp với giao thông phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận xét trong quá trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền thị xã Bến Cát luôn lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt và tạo động lực cho đô thị, dịch vụ cũng như hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Điều này thể hiện rất rõ bằng diện mạo đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp như hiện tại.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị xây dựng TP Bến Cát thông minh, hiện đại qua việc đầu tư và nâng cao hơn nữa chất lượng đô thị.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết Quốc lộ 13 chính là cánh cửa đầu tiên kết nối Bến Cát với TP HCM nói riêng và Vùng Đông Nam Bộ nói chung, tạo dựng lên một thế và lực mới cho Bến Cát, khởi đầu hành trình thu hút nguồn lực mạnh mẽ sau này. Ngoài ra, việc đầu tư xây mới hoàn toàn đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã tạo ra tuyến huyết mạch chạy thẳng từ Bến Cát về phía cảng biển và sân bay quốc tế phía Đông. Điều này giúp kết nối các khu công nghiệp nội tỉnh, tạo ra một hành lang logistics công nghiệp mà Bến Cát trở thành một cực trung tâm.
Theo ông Thuận, với hạ tầng giao thông kết nối vùng, Bến Cát có thể chủ động hoàn thành 90% đường Vành đai 4 chạy qua địa phận của mình bằng sự sáng tạo trong thu hút nguồn lực. Cùng với tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sớm được Bình Dương khởi công, địa phương này sẽ nằm ở vị trí trung tâm của hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng, trở thành một cực phát triển lớn của Bình Dương nói riêng và xa hơn là của Vùng Đông Nam Bộ.
Đóng góp lớn cho vùng
Dưới góc độ chuyên gia, KTS Lương Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội (thuộc Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn - Bộ Xây dựng), cho rằng Bến Cát có cơ hội phát triển lớn. Thời gian tới, địa phương không chỉ phát triển công nghiệp mà còn ở những lĩnh vực khác như đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hoặc các chức năng dịch vụ, thương mại.
"Để làm được những việc này, đầu tiên Bến Cát phải tiếp tục phát triển hạ tầng kết nối. Trước mắt là kết nối thông qua tuyến đường Vành đai 4 TP HCM, về lâu dài cần thêm các đường giao thông khác như đường kết nối Bắc - Nam, các tuyến cầu bắc qua sông Sài Gòn, tuyến đường sắt đô thị đi qua dọc đường Vành đai 4 để kết nối sang TP HCM..." - ông Phương nói.
Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội cũng cho rằng quá trình phát triển xanh dựa trên khung hạ tầng đã được quy hoạch bài bản là yếu tố quan trọng nữa giúp Bến Cát đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Bình Dương và có vai trò lớn hơn trong vùng Đông Nam Bộ.
Trên địa bàn Bến Cát có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.030 ha, 1 khu sản xuất tập trung với quy mô 47,7 ha và giải quyết việc làm cho khoảng 180.000 lao động. Năm 2023, thị xã Bến Cát thu hút được 671 dự án đầu tư; trong đó, dự án có vốn đầu tư trong nước 634 dự án với tổng số vốn gần 3.900 tỉ đồng. Tổng trị giá sản xuất năm 2023 của địa phương này đạt trên 285.000 tỉ đồng. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đánh giá cùng với các địa phương khác, Bến Cát có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh.
Vùng đất hấp dẫn
Cũng tại buổi lễ, thị xã Bến Cát vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Nói về địa phương, ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, cho biết đến nay, Bến Cát có 6.734 dự án, trong đó có 5.904 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 66.935 tỉ đồng và 830 dự án vốn FDI với tổng vốn gần 10 tỉ USD. Kết quả trên đã khẳng định Bến Cát trở thành vùng đất hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng hàng ngàn lao động.
Bà Nguyễn Thị Hương (56 tuổi, người dân sống ở phường Thới Hòa) nhận định chắc chắn tốc độ đô thị hóa ở đây diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, tuyến cao tốc sẽ được hình thành... Bà Hương tin tưởng khi Bến Cát lên thành phố, đời sống của người dân thay đổi tốt hơn.
Vinh danh tác phẩm báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển vùng
Ngày 25-4, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ trao giải báo chí miền Đông Nam Bộ lần II-2023 tại tỉnh Đồng Nai.
Ban Tổ chức trao 1 giải nhất báo in - báo điện tử cho loạt bài 4 kỳ "Đông Nam Bộ với mục tiêu tăng trưởng xanh" của nhóm tác giả Báo Đồng Nai; 1 giải nhất phát thanh truyền hình với tác phẩm "Không thể xuyên tạc quyển sách của Tổng Bí thư về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực" của nhóm tác giả Đài Phát thanh truyền hình Bình Dương. Đồng thời, Ban Tổ chức trao 2 giải nhì, 3 giải 3 và 5 giải khuyến khích của mỗi thể loại báo chí trên. Trong đó, nhóm phóng viên Văn phòng Đại diện khu vực Đông Nam Bộ Báo Người Lao Động đoạt giải 3 thể loại báo in - báo điện tử với loạt bài 3 kỳ: "Đầu độc" sông suối.
Nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Lễ trao giải - đánh giá các tác phẩm vào chung khảo mùa giải lần thứ 2 này có chất lượng tốt, gần gũi với đời sống dân sinh, với yêu cầu phát triển của tỉnh nhà và của vùng Đông Nam Bộ.
Nguyễn Tuấn
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/them-trien-vong-phat-trien-cho-vung-dong-nam-bo-19624042521421312.htm