Thêm trường hợp suýt tử vong vì biến chứng sau làm đẹp
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân 36 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc nặng (huyết áp không đo được), giảm oxy máu, nhiễm toan chuyển hóa nặng, lơ mơ…
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân chia sẻ có đến cơ sở thẩm mỹ để tẩy mụn trứng cá ở lưng. Nhân viên spa đã bôi thuốc tê nửa lưng cho khách rồi ủ tê bằng màng bọc thực phẩm. Sau khi lau thuốc tê, bước tiếp theo là dùng bàn lăn kim (dài 2mm) kết hợp với thuốc đông y để trị mụn.
Khoảng 30 phút bệnh nhân xuất hiện đỏ toàn thân, ngứa, khó thở và rối loạn ý thức. Bệnh nhân được cơ sở Spa sơ cứu tại chỗ rồi chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu bằng các biện pháp điều trị sốc phản vệ. Ban đầu, tình trạng chị Hồng có cải thiện nhưng sau đó lại xuất hiện rối loạn nhịp tim.
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ kết hợp bị ngộ độc lidocaine (thuốc gây tê tại chỗ hấp thu qua da trên diện rộng và từ từ gây ngộ độc). Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu và kết hợp lọc máu liên tục cho bệnh nhân.
Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục. Dưới góc nhìn của chuyên gia chống độc, TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, loại thuốc tê đã dùng cho bệnh nhân ở dạng gel (tương tự kem bôi) chứa lidocain với hàm lượng trên 15% (hàm lượng rất cao so với loại thuốc tê dùng để tiêm thường chỉ ở nồng độ 2%).
Loại gel gây tê này đồng thời có chứa tá dược là methylparaben cũng có thể gây dị ứng. Trường hợp của bệnh nhân nêu trên là ca điển hình của ngộ độc thuốc tê do bị quá liều thuốc tê lidocain.
Ban đầu, bệnh nhân không may bị sốc phản vệ nhiều khả năng là do methyl paraben. Nhưng chính điều này lại giúp bệnh nhân nhanh chóng được đưa đến viện để cấp cứu hồi sức.
Rồi sau đó khi thuốc tê ngấm từ từ qua da tới mức gây ngộ độc, gây loạn nhịp tim muộn thì cũng là lúc bệnh nhân đã ở bệnh viện, lại ở tại một cơ sở cấp cứu hồi sức về ngộ độc nên đã được điều trị một cách phù hợp giúp qua khỏi tình trạng ngộ độc thuốc tê.
Trong trường hợp bệnh nhân không bị sốc phản vệ (trên thực tế xắc suất bị dị ứng hoặc phản vệ là thấp) thì có thể bệnh nhân đã vẫn ở cơ sở spa và khi thuốc tê được hấp thu tới mức ngộ độc, khi đó bị loạn nhịp tim hoặc co giật thì rất dễ tử vong tại chỗ do tình trạng này nặng, nguy kịch và khó xử trí ngoài bệnh viện hơn rất nhiều.
Bác sĩ Nguyên đưa ra khuyến cáo ngộ độc thuốc gây tê rất nặng, nguy kịch, dễ tử vong và dễ dàng xảy ra với nhiều phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ như bôi thuốc tê rộng trên da, đặc biệt kết hợp lăn kim trên da hoặc trên vùng da có tổn thương hoặc bệnh da có sẵn, gây tê lấy mỡ bụng (“xục” lấy mỡ bụng), gây tê tủy sống.
Đây đều là các trường hợp đòi hỏi người thực hiện là các nhân viên y tế được đào tạo chuyên khoa và tiến hành ở các bệnh viện có điều kiện cấp cứu hồi sức mới có thể đủ năng lực phòng tránh và xử trí các tai biến ngộ độc do thuốc tê.
Người dân khi muốn làm thẩm mỹ với các thủ thuật, kỹ thuật xuyên qua da (gây chảy máu, hay còn gọi là các thủ thuật/kỹ thuật xâm nhập thường bằng kim hoặc dao mổ) hoặc có bôi/đắp các thuốc trên diện da rộng thì cần tới các bệnh viện đảm bảo đúng chuyên môn về thẩm mỹ và cấp cứu hồi sức;
Chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai khuyên người dân tránh việc tới rất nhiều tiệm spa, hớt tóc, thẩm mỹ hoặc các phòng khám không đảm bảo an toàn như hiện nay để tránh tiền mất, tật mang và thường là mất đi mạng sống của mình.
Vài năm trở lại đây, nhu cầu làm đẹp tăng mạnh. Việt Nam đối mặt với một làn sóng các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ “chui”. Rất nhiều cơ sở không được phép như spa, cửa hàng cắt tóc, gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Họ truyền nhau cách làm, tự mua, mượn máy móc thực hiện.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các hoạt động phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sỹ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện. Bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước phát triển phải qua đào tạo từ 12 tới 14 năm mới được hành nghề.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, theo bác sỹ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, tạo hình và thẩm mỹ (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), việc thẩm định cấp phép cho một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ đòi hỏi đáp ứng rất nhiều yếu tố, trong đó bắt buộc phải có phòng mổ, các trang thiết bị máy móc và hệ thống hồi sức cấp cứu.
Cơ quan chức năng cần tiến hành thẩm định nghiêm túc, trách nhiệm. Về phần nhân sự, quan trọng nhất vẫn phải có người đảm bảo trình độ chuyên môn và kinh nghiệm; bên cạnh sự giám sát về chuyên môn bởi cơ quan y tế địa phương.
Để tránh những ca tử vong hay biến chứng nặng nề gây ra bởi phẫu thuật thẩm mỹ, Bộ Y tế, sở y tế và các phòng - trung tâm y tế cấp quận/huyện phải có cơ chế quản lý. Theo đó, các địa phương (cụ thể là UBND và công an phường/xã hoặc các tổ dân phố, ấp...) đều phải có trách nhiệm giám sát.