Thêm trường hợp tắc ruột kinh hoàng vì trà sữa
Hình ảnh bã thức ăn không tiêu hóa được dai như cao su, đặc quánh lại do nghiện uống trà sữa trân châu của một bệnh nhân 20 tuổi ở Phú Thọ khiến dân tình không khỏi lo lắng.
Bệnh nhân tắc ruột nghi do uống trà sữa nhiều năm
Ngày 20/8, Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận một bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, nôn ra máu, đau tức bụng vùng thượng vị, đi ngoài phân lỏng. Khi tiến hành nội soi thì phát hiện khối dị vật nằm trong dạ dày và ruột non có khả năng bị tắc ruột.
Được biết bệnh nhân tên là Ngô Trần N.L (sinh năm 1999) trú tại xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).
Theo người nhà, bệnh nhân nghiện uống trà sữa trân châu, kéo dài trong nhiều năm. Thậm chí, bệnh nhân có thể không ăn cơm, không ăn sáng nhưng vẫn uống trà sữa trân châu đen.
Trước đó bệnh nhân có biểu hiện nôn, đau bụng, không ăn được và đi phân lỏng kéo dài nửa tháng mới nhập viện.
BS Tiến, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Trung tâm Y tế huyện Đoan Hùng, người trực tiếp điều trị ca bệnh cho biết, bệnh nhân nhập viện không có dấu hiệu của tắc ruột mà chỉ bán tắc ruột. Khi nội soi cho bệnh nhân thì phát hiện khối dị vật nằm ở trong dạ dày và ruột mà không thấy hình thể tắc ruột. Bệnh nhân sau đó đã được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị.
Trước đó, từng có bệnh nhân bị tắc ruột khi trân châu kẹt đầy trong bụng. Điều này khiến người nhà nam thanh niên này nghi ngờ con em mình bị vậy do trà sữa trân châu.
Trên thực thế, các hạt trân châu được làm từ tinh bột, nếu người bán cho thêm chất làm đặc hay chất bảo quản thì theo các bác sĩ việc gây rối loạn chức năng đường tiêu hóa là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bé gái 14 tuổi bị hạt trân châu kẹt đầy bụng
Vào ngày 28/5, một bé gái sống ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc bị đau bụng và không thể ăn uống được gì. Cha mẹ cô bé thấy vậy đã vội vàng đưa con đến bệnh viện kiểm tra.
Sau khi đưa bé đi chụp CT, bác sĩ cũng phải hốt hoảng khi nhìn kết quả chụp chiếu thấy hàng trăm hạt trân châu kẹt trong bụng bé gái 14 tuổi mê trà sữa.
Có rất nhiều quả bóng hình cầu nhỏ chen chúc bất thường trong bụng bé gái 14 tuổi. Bác sĩ kết luận đây chính là các hạt trân châu trong trà sữa - một loại đồ uống đang rất được giới trẻ yêu thích.
Sau khi gặng hỏi, bé gái cuối cùng đã thừa nhận bản thân rất mê trà sữa trân châu và vào 5 ngày trước đã uống sản phẩm này nhưng không chịu nói ra cụ thể số lượng đã dùng. Cuối cùng, cô bé được kê một vài loại thuốc nhuận tràng để trị bệnh.
Hai chị em nhập viện súc ruột sau khi uống trà sữa
Hồi tháng 8 năm ngoái, BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) tiếp nhận hai chị em ruột bị ngộ độc thực phẩm, nghi do trà sữa.
Cụ thể, hai bệnh nhi là bé nam MTT (tám tuổi) và bé MTTN (12 tuổi, chị gái của bé T.) cùng nhập cấp cứu với những dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như nôn ói, tiêu chảy, mất nước.
Người nhà bệnh nhi cho biết sau bữa cơm trưa, bé T. đi mua trà sữa ở gần nhà để uống. Sau khi đã uống khá nhiều, bé T. cho chị gái uống cùng. Khoảng một giờ sau, bé T. bắt đầu xuất hiện những triệu chứng buồn nôn, nôn ói nhiều lần, cơ thể lừ đừ mệt mỏi. Khoảng một lúc sau, bé N. cũng có những dấu hiệu tương tự.
Ngay sau đó, cả hai bệnh nhi được chuyển đến BV cấp cứu, súc rửa dạ dày, truyền nước và tiếp tục điều trị tại khoa Nhi B, BV Bệnh nhiệt đới. Nhờ được kịp thời can thiệp, sức khỏe của các bệnh nhi đã ổn định và được xuất viện.
Qua những trường hợp này bác sĩ cho biết, việc nạp quá nhiều trà sữa trân châu sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa. Ngoài việc trà sữa được pha chế từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hạt trân châu được cho thêm vào có thành phần chính là bột sắn, thực sự rất khó tiêu hóa nếu ăn số lượng lớn.
Ngoài ra, một số cửa hàng có thể thêm chất làm đặc và chất bảo quản vào trân châu, và việc tiêu thụ liên tục các thành phần như vậy có thể dẫn đến rối loạn chức năng dạ dày-ruột.