Thêm tư liệu quý về sự kiện tập kết

Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, trong số cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc, có khá nhiều gia đình cả nhà cùng đi tập kết, trong đó có gia đình ông Lê Khắc Xương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (nay gồm Cà Mau, Bạc Liêu), Ủy viên Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban Tập kết Quân dân chính Ðảng tỉnh Bạc Liêu.

Ông Lê Khắc Xương sinh năm 1904, tại làng Thạnh Phú, quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu (nay là xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước). Năm 1932, ông bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước. Năm 1936, ông được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Năm 1938, ông bị thực dân Pháp bắt giữ, chúng lần lượt giam ông ở các nhà tù Bạc Liêu, Sài Gòn, Côn Ðảo, Bà Rá, Tây Ninh.

Ông Lê Khắc Xương, Trưởng ban Tập kết Quân dân chính Ðảng tỉnh Bạc Liêu, cùng người con út Lê Minh Kháng, cháu gái Nguyễn Thị Hòa thời gian chuẩn bị đi tập kết. (Ảnh gia đình cung cấp).

Ông Lê Khắc Xương, Trưởng ban Tập kết Quân dân chính Ðảng tỉnh Bạc Liêu, cùng người con út Lê Minh Kháng, cháu gái Nguyễn Thị Hòa thời gian chuẩn bị đi tập kết. (Ảnh gia đình cung cấp).

Tháng 3/1945, ông vượt ngục trở về và tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông tham gia lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bạc Liêu tháng 8/1945.

Ông từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu và một số chức vụ khác.

Năm 1954, cả gia đình ông Lê Khắc Xương, gồm vợ chồng ông, 3 người con gái, 1 con trai và 3 con rể, 2 cháu ngoại cùng đi tập kết ra Bắc. Ðặc biệt, ông Lê Khắc Xương được phân công làm Trưởng ban Tập kết Quân dân chính Ðảng tỉnh Bạc Liêu (từ tháng 11/1954 đến tháng 2/1955).

Ông Mai Lê Minh, cháu ngoại ông Lê Khắc Xương (hiện ngụ tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) thông tin, thời đó những người lớn trong gia đình ông ngoại ông đều hoạt động cách mạng và giúp đỡ cách mạng. Bà ngoại ông là Lê Thị Cẩn, ngoài việc chăm lo cơm nước cho các đồng chí của chồng, còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ được phân công; đồng thời cầm cố ruộng đất để xây dựng cơ sở sản xuất tự túc gây quỹ cho tổ chức và đoàn thể hoạt động. Về sau gia đình ông bà hiến nhiều ruộng đất cho cách mạng. Bà được nhận rất nhiều huân, huy chương, huy hiệu về thành tích phục vụ kháng chiến.

Ông Mai Lê Minh, cháu ngoại ông Lê Khắc Xương (thứ hai từ trái sang), trao tặng tư liệu, hiện vật liên quan sự kiện tập kết của ông mình và gia đình cho Bảo tàng tỉnh Cà Mau.

Ông Mai Lê Minh, cháu ngoại ông Lê Khắc Xương (thứ hai từ trái sang), trao tặng tư liệu, hiện vật liên quan sự kiện tập kết của ông mình và gia đình cho Bảo tàng tỉnh Cà Mau.

Người con gái thứ Hai của ông bà là Lê Thị Lan cũng tham gia nhiều hoạt động đoàn thể, phong trào, vào Ðảng năm 1947. Chồng bà Lan là ông Nguyễn Kim Thể, Trung đội trưởng, Tiểu đoàn 307.

Người con gái thứ Ba là Lê Thị Thu Phương, làm việc ở Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Chồng bà là ông Mai Lâm, Phó trưởng Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, bên cạnh Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; Phó trưởng ban Liên hiệp đình chiến ở Campuchia.

Bà Lê Thị Thu Phương cùng chồng là ông Mai Lâm và con trai đầu Mai Sơn (con gái, con rể và cháu ngoại cụ Lê Khắc Xương), chụp ảnh lưu niệm tại cống Kênh 10, Chắc Băng, xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Ðây là điểm người tập kết ở khu vực Chắc Băng thuộc các ấp của xã Trí Phải xuống ghe, xuồng ra vàm Chắc Băng để đưa đến tàu lớn đi tập kết ra Bắc. (Ảnh gia đình cung cấp).

Bà Lê Thị Thu Phương cùng chồng là ông Mai Lâm và con trai đầu Mai Sơn (con gái, con rể và cháu ngoại cụ Lê Khắc Xương), chụp ảnh lưu niệm tại cống Kênh 10, Chắc Băng, xã Trí Phải, huyện Thới Bình. Ðây là điểm người tập kết ở khu vực Chắc Băng thuộc các ấp của xã Trí Phải xuống ghe, xuồng ra vàm Chắc Băng để đưa đến tàu lớn đi tập kết ra Bắc. (Ảnh gia đình cung cấp).

Người con gái thứ Tư là Lê Kim Phưởng, chồng là Nguyễn Hồng Quang, Trung đội trưởng, Bộ đội Cần Thơ.

Con trai út là Lê Minh Kháng, bấy giờ được 3 tuổi và 2 cháu ngoại cùng độ tuổi ấy.

Khi ra miền Bắc, ông Lê Khắc Xương đảm nhận nhiều nhiệm vụ, như cán bộ Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình...

Năm 1975, khi nước nhà thống nhất, cả gia đình ông Lê Khắc Xương trở về miền Nam. Do sức khỏe kém, nhiều bệnh tật, ông qua đời năm 1978, hưởng thọ 74 tuổi.

Ra miền Bắc, các con ông Lê Khắc Xương đều được học hành trong và ngoài nước, khi về Nam, tham gia công tác ở TP Hồ Chí Minh và Cà Mau. Người con gái thứ Tư Lê Kim Phưởng, bác sĩ, làm Phó giám đốc Bệnh viện tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu). Người con trai út Lê Minh Kháng, kỹ sư điện lạnh, học ở Nga, làm Giám đốc Nhà máy Chế biến tôm đông lạnh Cà Mau (đời đầu), mang những công nghệ tiên tiến học được về phát triển ngành kinh tế thủy sản tiềm lực của quê hương.

Bà Lê Thị Lan sau này cũng về sinh sống tại quê nhà (ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú) và nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng.

Các con rể cũng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, trong đó ông Mai Lâm làm ở Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu; Vụ phó Vụ miền Nam, Bộ Ngoại giao; Ủy viên Thường trực Ðiều tra về tội ác chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, là người sáng lập Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh.

Ông Mai Lâm (bìa trái), Phó trưởng Phái đoàn Liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, bên cạnh Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; Phó trưởng ban Liên hiệp đình chiến ở Campuchia, là người phụ trách đưa quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước, về Cà Mau để đi tập kết. (Ảnh gia đình cung cấp).

Ông Mai Lâm (bìa trái), Phó trưởng Phái đoàn Liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, bên cạnh Ủy ban Quốc tế Giám sát và Kiểm soát thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ; Phó trưởng ban Liên hiệp đình chiến ở Campuchia, là người phụ trách đưa quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước, về Cà Mau để đi tập kết. (Ảnh gia đình cung cấp).

Ông Mai Lê Minh (cháu ngoại ông Lê Khắc Xương, con bà Lê Thị Thu Phương và ông Mai Lâm) có 2 người anh là Mai Sơn, kỹ sư Hàng hải, học ở Ba Lan; Mai Bình, kỹ sư Hàng không, học ở Nga, công tác ở TP Hồ Chí Minh. Còn ông Mai Lê Minh sinh năm 1957, học cấp 3 ở miền Bắc. Khi về Nam, tham gia chiến trường Campuchia, sau đó về học Ðại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh, chuyên về quản lý di tích, thiết kế, trùng tu di tích. Năm 2016, ông về hưu.

Ông Mai Lê Minh kể, trước khi mất ông ngoại ông trăng trối muốn được yên nghỉ nơi quê nhà, nằm dưới chân mẹ mình. Và gia đình thực hiện theo tâm nguyện của ông, hiện mộ ông Lê Khắc Xương được chôn cất tại phần đất gia đình, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Phần ông Mai Lê Minh, sau khi nghỉ hưu đã đi về giữa TP Hồ Chí Minh và Cà Mau, phụ tiếp việc trông coi mộ phần và hương khói cho ông bà.

Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, tại quê nhà ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, ông Mai Lê Minh đại diện trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Cà Mau một số hiện vật của ông Lê Khắc Xương và gia đình liên quan đến sự kiện tập kết.

Ông Mai Lê Minh tâm tình: “Qua mạng, qua Báo Cà Mau Online, tôi biết rõ hơn về chương trình Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc. Mặc dù theo thư kêu gọi trao tặng tư liệu, hiện vật liên quan tới sự kiện tập kết của Chủ tịch UBND tỉnh hạn chót là ngày 3/9 (đã trễ mấy ngày), nhưng tôi vẫn chủ động gọi cho Bảo tàng tỉnh trình bày mong muốn trao tặng hiện vật. Tôi biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành quan tâm sâu sắc và đang lo tổ chức chu đáo sự kiện này. Tôi rất vui mừng được tặng những hiện vật, tư liệu của ông tôi và gia đình phục vụ cho sự kiện. Hiệp định Giơ-ne-vơ là sự kiện chính thức chấm dứt sự đô hộ 100 năm của người Pháp ở Việt Nam. Tôi tự hào vì gia đình mình có một chút đóng góp trong công cuộc giải phóng đất nước, giành lại độc lập dân tộc”.

Ông Minh cũng cho biết, gia đình còn rất nhiều tư liệu, hiện vật liên quan sự kiện tập kết, ông sẽ tiếp cận, chọn lọc và trao thêm trong thời gian tới.

Chị Trần Thị Thanh Tuyền, Tổ trưởng Tổ Sưu tầm hiện vật năm 2024, Bảo tàng tỉnh, là người trực tiếp cùng các thành viên đi nhận hiện vật, rất vui mừng, chia sẻ: “Ðến thời điểm này, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận được trên 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan sự kiện tập kết. Trong đó, tư liệu có con dấu liên quan sự kiện tập kết; hình ảnh tại kênh xáng Chắc Băng, trước giờ chúng tôi chưa hề có. Ðây là những tư liệu, hình ảnh quý phục vụ cho việc trưng bày sắp tới. Cũng là nguồn tư liệu quý của Bảo tàng để lưu giữ, phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử về sự kiện này”.

Huyền Anh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/them-tu-lieu-quy-ve-su-kien-tap-ket-a34416.html