Thêm 'vũ khí' chống lại Covid-19

Chính phủ Mỹ đã đặt mua 10 triệu liệu trình thuốc điều trị Covid-19 của hãng Pfizer theo thỏa thuận trị giá 5 tỉ USD

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa ghi nhận cột mốc quan trọng khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép khẩn cấp loại thuốc viên điều trị Covid-19 của hãng Pfizer, gọi là Paxlovid.

Theo đài CNBC, đây là loại thuốc uống điều trị Covid-19 đầu tiên được phép sử dụng ở nhà tại Mỹ. FDA cho biết thuốc sẽ được bác sĩ kê đơn để sử dụng cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên, cân nặng ít nhất 40 kg. Những người này mắc Covid-19 từ thể nhẹ đến trung bình nhưng có nguy cơ chuyển nặng.

Bà Patrizia Cavazzoni, Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Thuốc của FDA, gọi đây là bước tiến lớn trong cuộc chiến chống Covid-19, cung cấp một công cụ mới để chống lại đại dịch vào thời điểm quan trọng khi các biến thể mới xuất hiện.

Trong khi đó, ông Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Vắc-xin thuộc Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (Mỹ), gọi diễn biến nói trên là thông tin tốt nhưng nhấn mạnh vẫn cần xem việc tiêm chủng đầy đủ cho người chưa tiêm là mục tiêu quan trọng nhất.

Thuốc Paxlovid được sản xuất tại một cơ sở ở YÁ̉nh: Reuters

Thuốc Paxlovid được sản xuất tại một cơ sở ở YÁ̉nh: Reuters

Sau làn sóng dịch bệnh liên quan đến biến thể Delta, nước Mỹ hiện đối mặt sự gia tăng mạnh của số ca Covid-19 do biến thể Omicron, khiến hệ thống y tế đối mặt sức ép ngày một tăng.

Trong lúc vắc-xin chứng tỏ hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, các bệnh viện tại Mỹ vẫn cần đến thuốc điều trị hàng chục triệu người chưa tiêm chủng. Nếu được giao kịp thời, thuốc Paxlovid có thể giúp giảm bớt gánh nặng lên nhân viên y tế vào thời điểm Omciron được dự báo sẽ càng lây lan mạnh tại Mỹ.

Một dự báo mới được Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Trường ĐH Washington (Mỹ) công bố hôm 22-12 cho thấy số ca mới do Omicron sẽ tiếp tục tăng và có thể đạt đỉnh tại Mỹ vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2-2022.

Đáng chú ý, số ca Covid-19 mới có thể tăng lên mức 400.000/ngày, cao hơn đáng kể con số cao kỷ lục 250.000 ca/ngày vào mùa đông trước. Dù vậy, theo IHME, số ca tử vong hằng ngày sẽ thấp hơn so với cùng giai đoạn năm ngoái.

Chính phủ Mỹ đã đặt mua 10 triệu liệu trình thuốc Paxlovid theo thỏa thuận trị giá 5 tỉ USD. Sau quyết định của FDA, Pfizer hôm 22-12 cho biết sẵn sàng giao thuốc Paxlovid ngay tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày cam kết sẽ có hơn 250.000 liệu trình thuốc này sẵn sàng được phân phối vào tháng 1-2022. Trước đó, nhà lãnh đạo này cho biết chính quyền ông nỗ lực bảo đảm thuốc này được cung cấp miễn phí và dễ tiếp cận.

Ngoài Pfizer, hãng dược phẩm Merck (Mỹ) cũng đã ký kết hợp đồng với chính phủ Mỹ để cung cấp ít nhất 3 triệu liệu trình thuốc điều trị Covid-19 có tên Molnupiravir và thuốc này đã được cấp phép tối 23-12.

Paxlovid có hiệu quả đến 89% trong việc ngăn người bệnh có nguy cơ cao phải nhập viện hoặc tử vong, theo dữ liệu thử nghiệm lâm sàng được Pfizer trình lên FDA đầu tháng 12-2021. Ông Albert Bourla, Giám đốc Điều hành Pfizer hy vọng Paxlovid vẫn hiệu quả cao trong việc điều trị người nhiễm Omicron.

Dù vậy, một số chuyên gia thuộc Ủy ban Tư vấn Thuốc chống vi trùng của FDA bày tỏ lo ngại về tác dụng phụ tiềm tàng của Paxlovid, cũng như khả năng tác động của thuốc lên sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 trong tương lai. Một số người còn băn khoăn vấn đề liệu phụ nữ mang thai có nên dùng thuốc trong một số trường hợp hạn chế khi bị Covid-19 nặng hay không.

Tiêm chủng tăng cường diện rộng "kéo dài đại dịch"

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 22-12 chỉ trích chương trình tiêm chủng tăng cường diện rộng trong bối cảnh nhiều nước nghèo không có vắc-xin để triển khai tiêm liều đầu tiên cho người dân. Theo đài CNBC, WHO cũng cảnh báo việc tiếp cận vắc-xin không bình đẳng có thể làm xuất hiện nhiều biến thể hơn của virus SARS-CoV-2, khiến dịch bệnh kéo dài.

"Các chương trình tiêm chủng tăng cường diện rộng có thể kéo dài đại dịch, thay vì kết thúc nó, bằng cách chuyển nguồn cung sang các quốc gia đã có mức độ bao phủ vắc-xin cao, từ đó tạo cơ hội cho virus lây lan và đột biến nhiều hơn" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định. Cũng theo ông Tedros, phần lớn ca nhập viện và tử vong do Covid-19 hiện là người chưa tiêm chủng chứ không phải những người chưa tiêm liều tăng cường.

Tương tự, một số chuyên gia cũng nhấn mạnh các quốc gia giàu có cần hiểu rằng trừ khi tất cả người dân trên thế giới được tiêm phòng, tình hình sẽ không thay đổi.

"Các quốc gia cần ngưng tích trữ bộ xét nghiệm, thuốc và vắc-xin trong khi các công ty dược phẩm lớn cần dừng độc quyền công nghệ nếu họ thực sự muốn kiểm soát đại dịch này" - bà Shailly Gupta, chuyên gia của Tổ chức Bác sĩ không biên giới, nhận định.

Nhiều chuyên gia sức khỏe cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron có liên hệ với tình trạng bất bình đẳng về vắc-xin. Cụ thể, Omicron được cho là xuất hiện từ một bệnh nhân HIV ở Nam Phi, nơi chỉ có 26% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Virus SARS-CoV-2 đột biến đặc biệt tốt ở những người có hệ miễn dịch bị tổn thương, nơi chúng có thể sống trong một thời gian dài và tìm ra cách tồn tại bên trong vật chủ con người.

Xuân Mai

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/them-vu-khi-chong-lai-covid-19-2021122319243806.htm