Thêm vụ sạt lở ở Trà Leng, Quảng Nam ứng phó mưa lớn
Sáng 7/11, bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng (Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết, mưa lớn khiến mực nước sông Leng dâng cao gây sạt lở và cuốn trôi một số nhà dân ở địa phương.
Theo bà Hằng, liên tục từ hôm qua 6/11 trên địa bàn Nam Trà My xuất hiện mưa lớn khiến mực nước sông Leng dâng cao, chảy xiết gây sạt lở nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà đã bị sạt lở hoàn toàn.
Đến thời điểm này, mặc dù mưa đã dần ngớt nhưng có đến 14 ngôi nhà người dân ở nóc Tăk Đoàn (thôn 2, xã Trà Leng) cùng một điểm trường bị sạt lở nặng phía taluy âm. Chính quyền xã Trà Leng đã kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn. Vì thế vụ sạt lở không gây thiệt hại về người.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, chính quyền địa phương đang cử lực lượng vào hiện trường sạt lở để kiểm tra, thống kê thiệt hại.
Chìm tàu, thuyền trưởng mất tích, 7 thuyền viên được cứu sống
Cũng tại Quảng Nam, vừa xảy ra một vụ tàu hàng bị phá nước rồi chìm khiến thuyền trưởng mất tích, lực lượng chức năng và người dân cứu sống được 7 thuyền viên.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 17 giờ 30 ngày 6/11, tàu hàng Thành Hưng 08 do ông Nguyễn Duy Thủy (49 tuổi, phường Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) làm thuyền trưởng cùng 7 thuyền viên chở theo 5.300 tấn hàng Clinker từ cảng Cẩm Phả (Quảng Ninh) dự kiến cập cảng Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khi tàu di chuyển đến vị trí tọa độ 15,29 độ vĩ độ Bắc - 108,43 độ kinh Đông (cách bờ biển cảng Kỳ Hà khoảng 1,5 hải lý) thì bị phá nước, làm gãy hai ống thông gió bên mạn trái, nước ngập vào khoang hàng dẫn đến chìm tàu.
Nhận tin báo lúc 18 giờ 25, Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam (đóng tại Núi Thành) đã huy động lực lượng và 5 tàu cá gần khu vực tàu bị nạn để tham gia tìm kiếm, cứu vớt thuyền viên.
Khoảng 21 giờ, tàu của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cứu được 4 thuyền viên. Đến 22 giờ 30, người dân phát hiện 3 thuyền viên trôi dạt vào bờ biển xã Tam Hải (Núi Thành) nên đưa đến bệnh xá cấp cứu.
Bảy thuyền viên được cứu sống gồm: Hoàng Hải Nam, Trần Hữu Công, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Thế Hưng, Phạm Quỳnh Anh, Nguyễn Văn Sáu và Nguyễn Văn Ngồi. Hiện sức khỏe các thuyền viên đã ổn định. Riêng thuyền trưởng Nguyễn Duy Thủy vẫn đang mất tích.
Tăng cướng ứng phó mưa lớn
Ngày 6/11, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn 6560/UBVD-KTN yêu cầu tăng cường công tác ứng phó mưa lớn.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 10, các địa phương trong tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Từ chiều tối 6/11 đến ngày 7/11, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, có nơi hơn 150mm.
Cảnh báo từ chiều tối 6/11 đến ngày 7/11, các sông trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối miền núi, sạt lở núi, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông suối vùng núi, ngập lụt, ngập úng cục bộ tại các đô thị và vùng trũng thấp ở hạ lưu các sông.
Để đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 10/CĐ-UBND (ngày 2/11/2020) về việc chủ động ứng phó bão số 10 và tình hình mưa lũ.
Trong đó tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước; đồng thời đảm bảo lương thực, nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm tràn; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất.
Tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến nhân dân biết về tình hình mưa lũ, công tác vận hành, điều tiết các hồ thủy điện để chủ động biện pháp phòng tránh.