Thềm xưa có kẻ nặng lòng
Với 'Thềm cũ đã xanh rêu', Nguyễn Minh Hải đem lại những rung động yêu thương qua những hồi ức và sự tinh tế, sâu sắc trong những thông điệp nhân sinh
"Mấy mươi năm đi xa, quê tôi giờ đổi khác rất nhiều. Nhưng lâu lâu lại xuất hiện những cơn hạn mặn kéo dài. "Miệt trên" bây giờ cũng mặn, cây trái không còn nhiều… Giọt nước quê tôi giờ mặn đắng, ánh sao đêm dưới kinh thì chắc chẳng còn lấp lánh"…
Chỉ kể những điều giản dị
Đó là những câu kết trong tản văn "Nhớ những mùa hạn mặn" của nhà báo - nhà văn Nguyễn Minh Hải trong tập sách mới xuất bản "Thềm cũ đã xanh rêu", NXB Trẻ, ra mắt vào đầu năm 2024. Những tùy bút, tản văn được viết súc tích song vẫn giữ được giọng văn mềm mại; đôi khi như thủ thỉ chuyện trò để giữ người đọc cùng theo tác giả vào những miền thương của ký ức cùng những tâm tư đau đáu với hiện tại. Những mùa hạn mặn trong trí nhớ của anh đang là diễn biến thời sự những ngày tháng này, khi nhiều tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với hạn, mặn hoành hành, người dân lo lắng vườn cây xác xơ, thiếu nước ngọt trầm trọng.
Chủ đề cũng như không gian phản ánh của tập sách khá rộng, từ những mảng ký ức tuổi thơ, khung cảnh miền Tây sông nước đến miền Đông cây trái sum suê; từ nét trầm buồn của bản Văn Thiên Tường đến cải lương, điệu ca của miền Tây; từ những cuốn sách của gia đình đến tác giả Nguyễn Hiến Lê và truyện Tàu; sắc mai vàng và ký ức, tình yêu thương cha mẹ một đời tần tảo hy sinh cho đàn con; những tâm sự về ước mơ của một thời, về tuổi thanh xuân… Nguyễn Minh Hải cho thấy sức bền của ngòi bút, của một nhà báo - nhà văn, dù rất bận rộn với công việc chuyên môn, quản lý (anh hiện là Trưởng Phòng Quản lý báo chí, xuất bản - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM) song đã có hơn 12 đầu sách thuộc nhiều thể loại.
Với "Thềm cũ đã xanh rêu", Nguyễn Minh Hải tỏ bày trong Lời tựa, rằng: "Có những điều nếu không nhắc lại, không kể lại, sẽ dần bị quên lãng. Tôi không có tham vọng kể được mọi chuyện mà chỉ kể những điều giản dị mình thấy, mình nghe, những điều của họ hàng, gia đình cho người thân… Các kỷ niệm phần lớn gắn với gia đình của tác giả nhưng hẳn ít nhiều phản ánh được những lát cắt của cuộc sống, có thể là kỷ niệm chung của nhiều người khác"…
Ký ức đó đơn sơ như loài trái dại, như bình bát, me tây, cây duối, thù lù. Hàng duối nhà ngoại ăn sâu ký ức đến nỗi tác giả thuộc từng cây và bồi hồi khi về thăm chốn cũ: "Nhìn những cây duối lại như thấy bà ngoại đang lụm cụm quét lá đâu đó, lòng chợt thấy ngùi ngùi"… Tản văn "Canh vịt đẻ đồng" nhắc lại một thời vất vả tuổi thơ. Thật cảm động khi biết được mẹ không mua được chiếc nón nhung đỏ cho con chỉ vì vịt ế, bán lỗ tiền giống, tiền lúa và công giữ vịt của anh em tác giả.
Hàm lượng yêu thương và tri thức
Với tập sách này, bạn đọc dễ thấy hai đặc điểm nổi bật, đó là hàm lượng yêu thương và tri thức. Tác giả cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức qua sự am hiểu, từng trải vùng đất đã sống. Anh hiểu khá sâu, rộng về đồng bằng sông Cửu Long, nơi anh sinh ra và sống thời hoa niên; về miền Đông Nam Bộ, nơi anh lớn lên; về Sài Gòn - TP HCM, nơi anh sống và làm việc. Anh am hiểu văn hóa miền Tây Nam Bộ, hiểu về cải lương thấu đáo.
Đọc anh luận về "Nét trầm buồn của Văn Thiên Tường", mới thấy anh nghiên cứu kỹ và đưa ra nhận xét xác đáng: "Nhưng ở Văn Thiên Tường, đâu đó phảng phất nét bi tráng, bất khuất chứ không bi lụy, tuyệt vọng. Dù ông Thủ Khoa Huân bị hành hình thì phong trào kháng Tây vẫn còn mãi"… Với "Cải lương, điệu ca của miền Tây", người đọc thấy rõ kiến văn và sự tự tin của tác giả khi có sự học hỏi, nghiên cứu kỹ càng về cải lương Nam Bộ… Cũng phải yêu mến, đam mê dường nào mới sưu tầm được nhiều câu ca dao thật hay về cây bần, cây dừa…
Cùng với sự tinh tế là những rung động yêu thương của một cây bút nặng tình và lối viết có duyên, chi tiết, hình ảnh chân thực, sinh động. Một trong những tản văn thật hay là "Một thời khói bếp". Tác giả đưa người đọc theo câu thơ của Bằng Việt, Từ Kế Tường về bếp lửa của bà, bếp lửa ngày Tết đến hình ảnh người bán cà phê đun nước bằng bã mía trong "Bếp xưa lò cũ" của Bình Nguyên Lộc, mùi khói bếp quán phở nấu bằng củi ở trung tâm Sài Gòn… Ấm áp làm sao cảnh nhà sáng sớm, mẹ dậy bắc bếp củi, ba pha trà và hai cha con tận hưởng mùi hương của trà với mùi khói ám trong ấm nước đã đen sì…
Với "Thềm cũ đã xanh rêu", rất nhiều mảnh ký ức được tái hiện. Cuộc đời mỗi con người sẽ ra sao nếu không có ký ức. Dù buồn hay vui, ký ức cũng làm giàu có cho hành trang cuộc sống mỗi người. Ký ức nuôi ta lớn khôn, giúp ta đứng dậy những lúc yếu mềm, giục ta mạnh mẽ bước tiếp bởi có những đôi mắt của yêu thương dõi theo cùng những lời dặn dò…
Những thông điệp nhân sinh
Là một nhà báo, những tản văn của Nguyễn Minh Hải chuyển tải nhiều thông điệp nhân sinh. Đôi khi từ câu chuyện nhỏ, tuổi thơ đi đặt bẫy, bắt chim rồi qua biến thiên thời cuộc, ruộng lúa ít dần, lũ chim vắng bóng, chợt thấy chút hụt hẫng trong lòng: "Đôi khi chúng ta bắt đầu trân trọng và yêu quý tự nhiên thì tự nhiên đã trở nên xa lạ với chúng ta rồi".
Nghĩ về hạt lúa, thêm thương những tảo tần của nông dân. Trong dòng thời sự hạn mặn bủa vây, hạt gạo làm ra càng quá nhọc nhằn, có ai nhận ra hạt gạo có vị mặn để càng trân trọng hạt gạo nhiều hơn…Về với Cà Mau, xứ sở của bác Ba Phi, sau những câu chuyện cười dí dỏm là nỗi buồn đọng lại, một thời sản vật tự nhiên phong phú nay chỉ còn kỷ niệm, không biết ngày mai kỷ niệm có còn không nữa?
Và đất lành là gì, nếu không từ bàn tay khai phá của con người, từ tấm lòng người dành cho đất để cuộc sống sinh sôi? "Tôi biết chắc rằng ông quý khu vườn có cây cối, có chim chóc, có cả sóc thỏ…, vì ông cho rằng đó là một mảnh đất lành. Nếu đất không lành thì chẳng có chim thú, con người chắc cũng khó sống" (Đất có nhiều chim đậu)…
Hẳn vậy, những yêu thương mãi còn, trong ký ức, bên thềm đã xanh rêu. Như Marcus Cicero đã nói: "Bất cứ ai được trái tim yêu thương sẽ luôn sống tiếp trong trái tim người khác"…
Biết ơn các đấng sinh thành
Tình thương bao la của mẹ cha cũng đong đầy trên những trang sách. "Những cái Tết thiếu mai vàng" rưng rưng nhắc nhớ về đấng sinh thành. Những cây mai trong vườn nhà và bóng dáng người cha như còn đó, trong yêu thương, nhung nhớ của cháu con: "Tôi vẫn thấy sắc xuân đâu đó trên từng bờ rào, từng gốc điều, từng bụi chuối..., chứ không chỉ trên những cội mai. Bởi ở đó, từng có bàn tay của ba tôi trồng trọt, chăm sóc"... Với căn nhà cũ, "tôi rùng mình khi nghĩ nay mai mẹ tôi không còn sức vào vườn chặt chuối, bỏ phân, quét lá, lượm điều thì ngôi nhà này càng thêm vắng vẻ… Ôi, mấy mươi năm bao nhiêu là thay đổi, từ cảnh vật cho đến con người. Thì cái thềm cũ và cái sân xưa giờ đầy rêu cũng chẳng có gì là lạ!".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/them-xua-co-ke-nang-long-196240320211352034.htm