Thênh thang phố nắng
Người ta từng gọi phố Tràng Tiền là phố 'Tây xịn' vì xây cả mái che vỉa hè của những ngôi nhà theo kiến trúc Pháp cổ. Đây là con phố được đặt móng cho những ngôi nhà hiện đại đầu tiên vào năm 1885. Người Pháp đã cho đấu thầu để xây các biệt thự cùng các kiến trúc văn hóa thể hiện hình ảnh 'Paris' thu nhỏ. Tràng Tiền mở màn cho công cuộc cải tổ khu kẻ chợ thành Hà Nội rất sôi động trong một thời gian dài.
Những cảnh chen chân xếp hàng trên phố
Thời Lê-Trịnh, chúa Trịnh cho xây lâu đài biệt phủ quanh vùng hồ Tả Vọng (Hoàn Kiếm). Phủ chúa được xây nguy nga tráng lệ như một cung điện ngay tại ngã tư nhìn ra hồ. Tới thời Nguyễn, phủ chúa bị thiêu cháy để mở xưởng đúc tiền (năm 1808). Tên đường phố được đổi là Tràng Tiền từ đó. Nhưng sau này xưởng đúc tiền phải dọn vào kinh thành Huế (1882) nên bị bỏ hoang.
Đây cũng là đất được người Pháp xây khu thương mại Godard (1901). Nhiều công trình kiến trúc khác cùng khởi công và phố được đặt tên là Paul Bert (tên thống sứ Bắc kỳ ngày đó). Sau năm 1954, trung tâm Godard thuộc về nhà nước ta. Cũng từ đây cửa hàng Bách hóa Tổng hợp ra đời (1960). Người dân Thủ đô coi Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền là trung tâm thương mại bao cấp, chuyên bán hàng theo tem phiếu và tiêu chuẩn phân phối.
Ký ức đọng lại thời kỳ này là những cảnh xếp hàng rồng rắn trong cửa hàng Bách hóa tổng hợp để mua từng điếu thuốc lá. Đó là những viên gạch hay nón mê xí chỗ xếp hàng chờ tới lượt mua một chiếc áo may ô; hay tiêu chuẩn mỗi người có 5 chiếc nan hoa xe đạp... Ngày đó ai cũng nhớ đến câu ca dao hài hước: “Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô để dành/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/ Bốn yêu bàn chải đánh răng hàng ngày…”. Thật ngậm ngùi vì đó chính là ước mơ của mọi người trong suốt ba thập niên trải nghiệm.
Mãi tới năm 1993, thị trường kinh tế mới xóa sổ Bách hóa tổng hợp. Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza hình thành với quy mô hiện đại và sang trọng như hiện nay (từ năm 1999). Đồng thời ký ức thú vị sôi động nhất là hiệu kem Tràng Tiền (số nhà 35) được mở bán từ năm 1958. Gần bảy mươi năm qua, cửa hàng kem Tràng Tiền gắn với bao kỷ niệm của người dân Thủ đô. Đó là những mùa hè hàng trăm người xếp hàng chạy dài trên hè phố để mua kem. Quanh năm, cửa hàng kem Tràng Tiền lúc nào cũng đông khách.
Hơn nữa nhiều bạn trẻ còn có thú ăn kem mùa đông. Họ vừa ăn vừa run người kêu lạnh nhưng vẫn thấy ngon miệng. Những cơn gió Đông Bắc thổi lộng từ phía sông Hồng cũng không làm cho các bạn trẻ ngại ngần xếp hàng. Hồi đó trên tờ báo tường của Trường Trần Phú có bài thơ đã viết: “Đông về gió lạnh thơm hương gió/ Cây kem que ngọt vị cốm quen/ Nghiêng bím tóc xuýt xoa góc phố/ Cắn miếng kem ửng má Tràng Tiền” (Hạnh An). Sau này bài thơ đó được truyền tai nhau, rồi in trên báo làm cả trường thích thú.
Lưu dấu ngôi nhà xưa trên phố Tràng Tiền gây ấn tượng là rạp chiếu bóng tại số nhà 42 (Cinéma Palace, xây năm 1917). Đó chính là rạp hát Công Nhân thuộc Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 1980 cho tới nay. Đây là nơi diễn ra không khí sôi động của một thời “Tôi và chúng ta” (kịch Lưu Quang Vũ-Đạo diễn Hoàng Quân Tạo). Cảnh khán giả nối đuôi nhau xếp hàng mua vé xem kịch là một ký ức thật sâu đậm của thời bao cấp. Đây là vở kịch có tính phản biện cao làm nức lòng người dân trước khi bước vào thời kỳ mới kinh tế thị trường. Có ngày các nghệ sĩ phải diễn tới ba suất tại rạp Công Nhân vào những năm (1985-1999). Vở kịch này, Nhà hát Kịch Hà Nội lập kỷ lục hơn 1.000 suất diễn phục vụ người xem.
Quán bia hơi ngày ấy
Tràng Tiền có hai ngôi nhà không hề thay đổi trong hơn trăm năm qua. Đó là những kiến trúc Pháp cổ Viện Bác cổ (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) và Nhà hát Lớn Hà Nội cùng có địa chỉ số 1 Tràng Tiền. Đây là một đoạn phố Tràng Tiền dài chừng gần 200 mét, chạy thẳng ra ngã ba Trần Khánh Dư và Trần Nhật Duật. Khu chính giữa phố Tràng Tiền chính là Quảng trường 19/8 trước Nhà hát Lớn Hà Nội.
Điều thú vị nhất của đường phố Tràng Tiền nằm trên trục hướng Đông và Tây nên cả ngày đều có nắng. Xưa đầu phố còn có một bến sông và cửa ô Tây Luông (vị trí khoảng gần Nhà hát Lớn Hà Nội). Thời Lê - Trịnh, bến Tây Luông là nơi dành cho những tàu thuyền triều đình chở tiền thuế hoặc thóc gạo cho phủ chúa. Đoạn đầu phố Tràng Tiền cắt ngang tới năm con phố liền. Đặc biệt khúc đường này có vườn hoa Bác Cổ bên số chẵn, đối diện với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (số 1) và vườn hoa Cổ Tân nhìn sang Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nói tới vườn hoa Cổ Tân bên đường phố Tràng Tiền một thuở luôn dậy sóng những cảnh uống bia hơi tại nhà số 2 Cổ Tân. Đây là con phố ngắn tũn chỉ có một số nhà và cũng là nơi ở tập thể của các nhà văn Nam bộ như Đoàn Giỏi, Bùi Đức Ái (Anh Đức), Nguyễn Quang Sáng, Đinh Quang Nhã…Hẳn nhiên con phố chỉ là cái ngõ của Tràng Tiền giống như ngõ 1 Tràng Tiền (chạy dài sang tới Lê Thánh Tông). Quán bia hơi Cổ Tân nổi như cồn bởi có nhiều văn nghệ sĩ thường xuyên lui tới nhậu bia lạc hoặc nộm đu đủ. Nhiều người mua cả “can bia” rủ nhau ngồi bên vườn hoa để ngắm xe cộ qua lại hay các bóng hồng lang thang bên nhà hát.
Dân nhậu có câu ca trong dân gian rằng: “Nộm Thừa, đậu Thiếu, ốc Phân/ Vắng ba bà ấy Cổ Tân rất buồn”. Đó là các bà Thừa bán nộm, bà Thiếu bán đậu và bà Phân bán ốc luộc. Đặc biệt nhà văn Nguyễn Tuân luôn gắn với cảnh xếp hàng lấy phiếu ghi số mua bia hơi hàng ngày tại đây. Không ít lần có người mua sẵn số cho ông nhưng phần lớn nhà văn vẫn phải xếp hàng chờ đến lượt. Ông thường mang cốc bia vào nhà tập thể số 2 ngồi uống dưới bụi tre ngà.
Nhiều người vẫn nhớ nhà văn Nguyễn Tuân tả người say qua giọng kể hiện lên hình ảnh, anh ta đứng đái giữa sân nhà, sau đó anh ta cúi nhìn vũng nước đái như nhìn tấm gương soi mặt mình. Đọc mà thấy khoái trá vì nhà văn tả người say thật sự độc đáo. Đó là câu chuyện nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã từng kể khi nhớ lại cửa hàng bia hơi vào thuở thập niên 70 thế kỷ trước.
Nhà văn còn nhớ, có lần mọi người đang uống bia thì máy bay Mỹ tới thả bom. Tiếng còi báo động rúc lên giục giã làm ai nấy tán loạn chạy ra hầm trú ẩn. Riêng nhà văn Nguyễn Tuân vẫn ung dung ngồi dưới bụi tre uống bia như bóng một bức tượng trầm mặc. Rồi có ngày ông tới Khâm Thiên dự cuộc chiến đấu dữ dội của quân và dân ta bắn B52 Mỹ vào những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Khi trở về nhà văn đã viết tác phẩm lừng danh “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”.
Ký ức quảng trường
Tràng Tiền là con phố duy nhất có hai quảng trường. Đó là không gian in đậm dấu ấn những ngày cách mạng tháng Tám (Quảng trường 19/8) ở ngã sáu trước Nhà hát Lớn Hà Nội. Quảng trường thứ hai ở cuối phố, ngã tư Tràng Tiền- Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay. Ký ức tháng Tám năm 1945 luôn dâng trào trong tâm tưởng người dân Thủ đô với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng khổng lồ treo trên Nhà hát Lớn (ngày 19/8/1945). Đó là quang cảnh hàng ngàn người dân Thủ đô tham gia cướp chính quyền. Lời ca vang vọng núi sông đất Việt luôn vang lên theo năm tháng: “Mười chín tháng tám/ Ánh sao tự do đưa tới/ Cờ bay muôn nơi muôn ánh sao vàng…” (Nhạc và lời: nhạc sĩ Xuân Oanh).
Hiện nay phố Tràng Tiền là phố đi bộ vào những ngày cuối tuần. Nhất là về đêm, vẻ đẹp “Như động tiên sa” và “Phong quang lịch sự đâu bằng” theo cách nhìn xưa. Nhưng giờ đây Tràng Tiền còn hơn thế. Bao sự đổi thay cùng với ánh sáng mỹ miều mới lạ từng ngày. Con phố rộn ràng tươi mới với những bánh xe quay con trẻ cùng tiếng cười giòn tan. Những đôi mắt trong veo ngước về những ngôi sao lấp lánh bên mặt hồ xanh trong cùng những mộng ước tương lai. Mái hè phố nghiêng nghiêng trong ánh trăng vàng lan tỏa như tấm voan trong xiêm y lộng lẫy phố phường. Một cảm xúc dâng trào trong tâm hồn thi nhân: “Em ơi! Hà Nội phố!/ Ta còn em cánh nhạn chao nghiêng/ Chiều cuối/ Những giọt sương nhòa bóng điện/ Mặt nước Hồ Gươm bỗng nhiên trở lạnh/ Tháp Rùa ngả bóng/ Lung linh” (Phan Vũ).
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/thenh-thang-pho-nang-i730595/