Theo chân CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn, trong đó có nồng độ cồn. Chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.

Nhiều lần tham gia cùng các tổ CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn, tôi mới hiểu thêm sự vất vả của lực lượng CSGT bởi những “ma men” thường không làm chủ được hành vi, không hợp tác, thậm chí chống đối CSGT để trốn tránh việc kiểm tra. Tuy nhiên, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đang tạo dần được thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Lực lượng chức năng xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Lực lượng chức năng xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn.

Còn nhớ, dịp Tết Quý Mão 2023, trời mưa rét nhưng các tổ công tác của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vẫn tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có xử lý vi phạm nồng độ cồn. Theo chân tổ công tác Y4/141 làm nhiệm vụ kiểm soát vi phạm nồng độ cồn tại phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, TP Hà Nội), chúng tôi chứng kiến nhiều tài xế vi phạm ở mức “kịch khung” đã bị tổ công tác phát hiện, xử lý. Khi bị CSGT yêu cầu vào chốt để kiểm tra nồng độ cồn, nhiều tài xế không muốn chấp hành nhưng trước sự kiên quyết của lực lượng chức năng nên việc kiểm tra nồng độ cồn được thực hiện nghiêm túc.

Qua kiểm tra khoảng 10 trường hợp, lực lượng chức năng đã phát hiện tài xế L.X.T. (SN 1984, trú tại Trung Liệt, quận Đống Đa) đi xe máy vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,982 mg/lít khí thở. Đây là mức vi phạm rất cao, gấp 2,5 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP. Tổ công tác lập biên bản, xử phạt anh T. với lỗi vi phạm nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe và không có đăng ký xe.

Tổng số tiền phạt với tài xế T. lên đến gần 10 triệu đồng. Đồng thời, tài xế T. bị tạm giữ phương tiện trong 7 ngày. Tiếp đó, cảnh sát tuần tra và phát hiện ôtô nhãn hiệu Mazda BKS 98A-331.xx đang lưu thông trên phố Trần Đăng Ninh. Qua kiểm tra, tài xế V.N.T. vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,265 miligam/lít khí thở. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt tài xế 36 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho biết, thay vì lập chốt tại một vị trí cố định như trước, các tổ CSGT đã sử dụng môtô đặc chủng tuần tra trên các tuyến phố. Việc kiểm tra lưu động khiến các tài xế, chủ nhà hàng không thể theo dõi, báo chốt để tránh né lực lượng chức năng. Khi phát hiện tài xế có biểu hiện đã sử dụng rượu, bia mà vẫn điều khiển xe, CSGT sẽ kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, để đối phó với việc tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn của lực lượng chức năng, các “ma men” đã nghĩ ra nhiều chiêu trò. Do đó, các đơn vị chức năng sẽ thường xuyên thay đổi địa điểm cắm chốt, không để tài xế né vi phạm.

Vào đêm 29/9 vừa qua, khi chuẩn bị đi ngủ tôi nhận được điện thoại của tổ công tác kiểm tra chéo đề nghị chứng kiến, thông tin việc một lái xe vi phạm nồng độ cồn nhưng không chấp hành tại địa bàn phường La Khê, quận Hà Đông (Hà Nội). Đêm muộn, khi tôi đến nơi, CSGT đã nhiều lần tổ công tác vận động, yêu cầu lái xe ôtô 30G-053.52 chấp hành kiểm tra nồng độ cồn theo quy định nhưng người này vẫn không chấp hành, đồng thời hô hào người dân hiếu kì đứng xem quay giúp video livestream phát trực tiếp hình ảnh của mình và tổ công tác lên mạng xã hội.

Sau hơn 2 giờ đồng hồ kiên trì giải thích đến kiên quyết xử lý, tổ công tác mới “giải quyết” xong trường hợp này. Được biết, vào khoảng 21h cùng ngày, tổ công tác kiểm tra chéo thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường Quang Trung, thuộc địa bàn phường La Khê, quận Hà Đông (Hà Nội) đã dừng ôtô Camry BKS 30G-053.52, người cầm lái có biểu hiện nghi vấn…

Ngay sau khi dừng xe, tổ công tác thông báo chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, đồng thời yêu cầu người điều khiển ôtô 30G-053.52 chấp hành theo quy định nhưng tài xế không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, tự khai tên là Nguyễn Đình Đức, SN 1977, ở TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái và khoe quen biết nhiều cơ quan báo chí. Giải thích nhiều lần nhưng lái xe vẫn không chấp hành, với tinh thần kiên quyết xử lý vi phạm, Trung tá Bùi Xuân Phương, Đội phó Đội CSGT đường bộ số 11, Tổ trưởng tổ kiểm tra chéo đã chỉ đạo lực lượng đề nghị Công an phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội ra hỗ trợ, đảm bảo ANTT trên địa bàn, đưa xe cẩu đến để đưa xe ôtô Camry BKS 30G-053.52 về nơi tạm giữ. Đến lúc này, lái xe Camry vẫn không chấp hành, chỉ mặt tài xế xe ôtô, dọa đánh nếu dám cẩu xe của mình đi. Tổ công tác kiên quyết niêm phong phương tiện, lấy lời khai nhân chứng, đồng thời tạm giữ ôtô theo quy định. Không còn cách nào, lái xe đã bỏ đi. Được biết, ngày hôm sau, lái xe đã đến làm việc, chấp nhận xử phạt.

Trên thực tế, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thời điểm hiện nay, bởi mức phạt rất cao, đối với cán bộ, công chức còn bị gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý theo quy định. Chính vì vậy, tình trạng không chấp hành, chống đối CSGT có chiều hướng gia tăng.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, qua theo dõi tình hình TTATGT, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tới TNGT, tập trung vào các nguyên nhân chính là: vi phạm nồng độ cồn, ma túy, vi phạm về tốc độ và vi phạm về chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng. Chính vì vậy, từ năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT đã tập trung kiên quyết, xử lý rốt ráo những vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, trong đó, tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn và ma túy của người lái xe.

Mặc dù việc xử lý nồng độ cồn, ma túy gặp nhiều khó khăn nhưng lực lượng CSGT kiên quyết xử lý, đối với các trường hợp chống đối, nếu đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự theo quy định. Điều này, đã tạo được những dấu ấn, tạo tác động tích cực đến đời sống xã hội, đang dần tạo được thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội bột phát do uống rượu như giết người, cố ý gây thương tích, dâm ô, hiếp dâm, gây rối trật tự công cộng.

Được biết, trong tất cả các cuộc họp, các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đều luôn nhấn mạnh rằng, việc xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, quá tải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của lực lượng Công an, không ngơi nghỉ, không hết cao điểm là dừng, bởi những nhiệm vụ này không chỉ góp phần đảm bảo ATGT, làm giảm tai nạn, hình thành thói quen chấp hành pháp luật cho người dân khi tham gia giao thông mà còn làm bớt đi nỗi đau con mất cha mẹ, vợ mất chồng, bố mẹ mất con, bớt người vào vòng lao lý vì một phút sai lầm.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/theo-chan-csgt-xu-ly-vi-pham-nong-do-con-i712347/