Theo chân thợ mộc Cúc Bồ
Hơn 400 năm đã qua song 'lửa' nghề mộc truyền thống vẫn được người dân thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) gìn giữ và trao truyền.
Trực tiếp đi cùng, tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được hết sự tài hoa, khéo léo của những người thợ mộc Cúc Bồ.
Vang danh
Sau gần 2 giờ di chuyển từ TP Hải Dương tới huyện An Dương (TP Hải Phòng), chúng tôi gặp anh Bùi Văn Hậu, một thợ lành nghề của làng Cúc Bồ đang dựng chùa tại đây. Quãng đường đi không dài nhưng cũng đủ thời gian để mọi người kể cho nhau nghe về làng nghề mộc nức tiếng xứ Đông.
Ở Hải Dương nhiều nơi làm nghề mộc nhưng lâu đời và vang danh nhất phải kể đến Cúc Bồ. Tương truyền, vào thế kỷ XVII, ông Bùi Đình Chiếu là người làng Cúc Bồ làm tri phủ Trấn Sơn Nam Hạ đã cho tìm thợ ở Nam Sang (nay là huyện Lý Nhân, Hà Nam) về dựng cho làng một ngôi đình. Hai anh em thợ họ Trần sau khi hoàn tất công việc cũng bén duyên với nơi này rồi lấy vợ, làm rể Cúc Bồ. Từ đó, hai ông đã truyền dạy nghề cho nhiều thanh niên trong làng và đến nay thôn có 900 hộ thì có tới 700 hộ theo nghề mộc. Khác với các làng mộc khác, đặc trưng của nghề mộc Cúc Bồ là xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích đình, đền, chùa, phục dựng nhà cổ. Không đơn thuần như làm mộc gia dụng, công việc này khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm, đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao. Dù nhiều áp lực hơn song nghề mộc mang lại cuộc sống no ấm, đủ đầy cho người dân Cúc Bồ với thu nhập ổn định từ 12-15 triệu đồng/người/tháng. Tính ra bình quân hơn 120 triệu đồng/người/năm. Đây là mức thu nhập khá cao so với vùng nông thôn (theo quy định của tỉnh mới ban hành cuối năm 2022, đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là gần 75 triệu đồng/người/năm trở lên).
Trái với hình dung của chúng tôi khi nghĩ nhóm thợ của anh Hậu đang phục dựng di tích nhỏ tại xã ven đô. Tới nơi, ngôi chùa đồ sộ đang dần hình thành trước mặt. Chùa rộng lớn tới mức mọi người phải di chuyển bằng xe máy bên trong công trình. Anh Hậu mới ngoài 30 tuổi nhưng tuổi nghề đã quá nửa tuổi đời. Từ khi học lớp 6, anh đã bắt đầu làm quen với việc cầm dùi và đục. Đến lớp 9, anh đã thành thạo và rong ruổi bám nghề tới giờ. Đưa bàn tay chai sạn do nhiều năm cầm cưa, dùi, đục chỉ vào những cột, xà gỗ được đắp hoa văn tinh xảo bên trong chùa, anh Hậu nói: "Chỉ có thợ Cúc Bồ mới làm được như vậy. Nhưng muốn được như này không phải dễ".
Để chứng minh cho câu nói của mình, anh Hậu đưa chúng tôi lên tầng trên của chùa. Ở đây hàng chục người thợ Cúc Bồ đang cần mẫn, hăng say làm việc. Người chăm chỉ cưa khối gỗ lớn thành những phiến nhỏ, người tỉ mỉ đục đẽo... Và đúng như lời anh khẳng định, người làm mộc chưa chắc đã theo được việc xây dựng, trùng tu di tích, phục dựng nhà cổ, xây nhà gỗ, bởi công việc này không chỉ đòi hỏi cái tầm mà còn phải làm bằng cái tâm.
Sở trường của anh Hậu là vẽ họa tiết để tạo hình, tạo khối, định hình kiến trúc cho công trình. Để có được nét vẽ thuần thục, bay bổng, anh phải trải qua quá trình khổ luyện gian nan. Không được đào tạo kiến thức mỹ thuật, hội họa qua trường lớp nhưng anh đã trưởng thành theo từng công trình. “Muốn tạo ra sản phẩm đẹp, tinh tế phải có hồn và cốt. Hồn là đôi bàn tay khéo léo, tài ba của người thợ, còn cốt là bản vẽ, thiết kế ban đầu. Bây giờ có vi tính, công nghệ hỗ trợ nhưng vẫn không đẹp, hài hòa bằng sự sáng tạo của người thợ”, anh Hậu cho biết.
Anh Hậu và hơn 40 thợ trong làng bắt đầu xây ngôi chùa này từ năm 2015. Khoảng 3.000 m3 gỗ thô kệch đã được những người thợ Cúc Bồ biến hóa thành mái vòm uốn lượn, cột, kèo gỗ độc đáo, mang đậm dấu ấn truyền thống. Hải Phòng giáp Hải Dương nên cứ tuần một lần anh Hậu lại về thăm gia đình, còn nếu ở xa phải hằng tháng anh mới được về nhà.
Gần 30 năm gắn bó với nghề mộc truyền thống của ông cha, anh Đoàn Văn Giang (sinh năm 1982) không nhớ hết đã đặt chân tới những đâu và đôi tay đã ghi dấu ở bao nhiêu công trình dọc chiều dài đất nước. Công trình để lại cho anh ấn tượng và đọng lại nhiều cảm xúc nhất là thi công chùa trên đỉnh Phan Xi Păng. Núi cao hùng vĩ và hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt cũng không làm khó được những người thợ Cúc Bồ. Qua nhiều khâu chọn tuyển chặt chẽ, nhóm thợ của anh Giang mới được chủ đầu tư lựa chọn để xây dựng khu tâm linh đồ sộ trên đỉnh Phan Xi Păng. Vừa là nơi du lịch, vừa là chốn tâm linh nên anh Giang rất cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Góp nhặt lại trong ký ức từng thông tin về những tháng ngày lăn lộn trên non cao từ năm 2015-2017, anh Giang kể với vẻ đầy tự hào. Ở độ cao hơn 3.000 m, việc lắp dựng khó khăn hơn nhiều. Thời tiết thất thường, mây mù, ẩm ướt dày đặc, giăng kín lối. Người thợ phải mặc áo dày cộp mới bảo đảm sức khỏe nhưng lại gây ảnh hưởng tới việc thi công. “Dẫu không mấy thuận lợi, chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua, dốc sức đem hết khả năng dựng lên ngôi chùa, tạo điểm nhấn trên đỉnh núi cao nhất Đông Dương. Thợ mộc Cúc Bồ có mặt ở mọi nơi, không những trên núi cao, biển đảo mà còn xuất ngoại sang Lào, Campuchia để tạo dựng những công trình gỗ độc đáo”, anh Giang hãnh diện khoe.
Giữ nghề
Nhìn những người thợ mộc Cúc Bồ thoăn thoắt tay đục, tay dùi, chúng tôi không chỉ thán phục mà còn ngạc nhiên bởi vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa của họ. Ông Bùi Văn Long (sinh năm 1969) chia sẻ: “Mất công, tốn sức nhất vẫn là phục dựng di tích vì đó là những giá trị truyền thống. Cũng là tôn tạo đền, chùa nhưng công trình thời Trần khác với thời Lê. Do đó đòi hỏi người thợ phải có kiến thức, phải am hiểu, nghiên cứu tỉ mỉ. Hơn nữa với những công trình tâm linh, làm bằng trình độ, kỹ thuật thôi chưa đủ mà phải cần có tâm, phải thả hồn vào từng chi tiết dù nhỏ nhất”.
Làm mộc nhiều năm, ông Long nếm trải đủ buồn vui, thăng trầm với nghề truyền thống của quê hương. Ngược xuôi khắp chốn, bỏ ra công sức nhưng cũng có lúc ông chỉ lấy thành quả lao động làm niềm vui để an ủi, động viên vì bị chủ nhà quỵt... tiền công. Nhiều lúc, nhớ gia đình, vợ con. Thế nhưng, khi những suy nghĩ tiêu cực qua đi, ông lại quyết tâm bám nghề, giữ nghề. Ông mong muốn có sức khỏe dẻo dai đến khi 70, 80 tuổi để làm nghề và truyền cho thế hệ sau. Ông Long nói: “Ở làng có những cụ mắt mờ, chân mỏi nhưng thỉnh thoảng vẫn tới những công trình ở xa để chỉ bảo con cháu làm nghề. Được ngắm nghía công trình do thợ trong làng làm ra cũng mãn nguyện. Như được tiếp thêm động lực, lớp trẻ cũng chịu khó học hỏi, sáng tạo để sống được với nghề”.
Trăn trở với nghề truyền thống của quê hương, gia đình, năm 2013, anh Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1987) quyết định từ bỏ nghề giáo viên để tập trung phát triển nghề mộc. Ngày trước, những người thợ Cúc Bồ chỉ nhận việc đơn thuần, tư duy đơn giản nên đôi lúc phải chịu thiệt thòi, không được nhận thù lao tương xứng. Vì thế, anh Tuấn Anh đã thành lập Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Gia Kiến Quốc nhằm quản lý, bảo đảm quyền lợi cho những người thợ tốt hơn khi nhận công trình. Anh quan niệm muốn duy trì, phát triển và nâng tầm làng nghề phải hướng tới sự bài bản, chuyên nghiệp. Hơn nữa, muốn tạo được danh tiếng cho làng nghề phải quy tụ được thợ giỏi, làm những công trình để đời, không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả mai sau. Tư duy, hướng đi của anh Tuấn Anh sẽ mở ra cơ hội mới cho nghề mộc của quê hương Cúc Bồ.
Công ty của anh Tuấn Anh đang tôn tạo chùa tại di tích Bạch Đằng Giang (Hải Phòng). Vì là công trình văn hóa, lịch sử nên anh chọn lựa những người thợ lành nghề, tài hoa nhất. “Ngôi chùa ở đây sẽ theo chiều dài lịch sử, ghi dấu tài nghệ của thợ mộc Cúc Bồ. Sống khỏe với nghề truyền thống là điều thiết yếu song niềm tự hào về những công trình đi cùng thời gian, năm tháng chính là động lực để thợ mộc Cúc Bồ giữ lửa nghề truyền thống”, anh Tuấn Anh giãi bày.
Khi không ít nghề truyền thống trong tỉnh đang dần mai một thì nghề mộc Cúc Bồ lại vươn lên mạnh mẽ với hơi thở mới, sức sống mới. Những người thợ Cúc Bồ vẫn luôn cần mẫn bám trụ nghề bởi đó là kế sinh nhai, là những giá trị tốt đẹp được gìn giữ.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/theo-chan-tho-moc-cuc-bo-239260