Theo chân xe hợp đồng trá hình (*): Nhận diện bất cập

Bên cạnh sự to gan của những nhà xe hợp đồng trá hình, vấn đề lỏng lẻo những quy định hiện hành cũng khiến hình thức làm ăn thiếu đàng hoàng này có đất sống

Bà Đ., HTX vận tải C.P (quận Bình Tân), cho biết thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô khá đơn giản, chỉ ít ngày là một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải có thể khai sinh.

Hưởng lợi từ kẽ hở

Theo bà Đ., do thủ tục cấp phép dễ dàng, chi phí thấp nên DN vận tải mọc lên như nấm sau mưa, họ cũng có sự tự tin khi vì lý do nào đó mà bị thu hồi thì cũng nhanh chóng làm được giấy phép mới do người khác đứng tên.

Bãi xe dù ở số 124 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP HCM hoạt động rầm rộ khoảng 1 năm nay. Ảnh: ANH VŨ

Bãi xe dù ở số 124 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP HCM hoạt động rầm rộ khoảng 1 năm nay. Ảnh: ANH VŨ

Ngoài ra, bên cạnh lợi thế không phải tuân thủ nhiều điều khoản, lệ phí như xe tuyến cố định trong bến thì khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, chủ xe hợp đồng cũng "dễ thở" vì ít điều kiện ràng buộc trong đưa đón hành khách hơn.

Việc cấp phù hiệu cho phương tiện cũng như thu hồi phù hiệu còn nhiều kẽ hở cũng tạo cơ hội cho nhà xe làm ăn không đàng hoàng lợi dụng triệt để. Hiện chưa có quy định thu hồi phù hiệu theo thời hạn nên nhà xe bị thu hồi phù hiệu hôm trước, hôm sau làm đơn cớ mất, xin cấp lại phù hiệu mới để chạy tiếp.

"Khi làm đơn cớ mất, cứ đến công an phường, xã... đúng trình tự thì Sở Giao thông Vận tải (GTVT) không có lý do gì từ chối" - bà Đ. nói.

"Chiêu trò" nữa, một tài xế (đề nghị giấu tên) chạy xe hợp đồng tuyến miền Trung tiết lộ khi khách lên xe, tài xế ghi tên, điện thoại và số căn cước của họ để lỡ CSGT kiểm tra thì trình ra đối phó.

Ngoài ra, trong đón khách thì hôm trước đậu xe trước văn phòng công ty, hôm sau xê dịch một đoạn để tránh bị bắt lỗi đón khách lặp đi lặp lại tại một điểm.

Nói thêm về việc tuyến cố định không được nhiều nhà xe mặn mà như chạy hợp đồng, ông A., giám đốc một HTX vận tải tuyến cố định tại bến xe Ngã tư Ga, thống kê một chuyến xe từ TP HCM đi Bình Định và ngược lại chủ xe tốn khoảng 750.000 đồng các loại gồm phí cấp lệnh, phí lưu đậu bến bãi; tài xế, tiếp viên phải có đồng phục, bảng tên (nếu không có, khi bị CSGT kiểm tra sẽ phạt hành chính).

Trong khi đó, mỗi chuyến xe hợp đồng ngoài bến, nhà xe không phải tốn những chi phí trên. Chưa kể, xe tuyến cố định phải có lộ trình cụ thể mà hiện nay thì không được chạy lên cao tốc do phần mềm của Tổng cục Đường bộ chưa cập nhật, trong khi xe hợp đồng được chạy thoải mái. "Điều này gây khó khăn không nhỏ cho các nhà xe tuyến cố định và hành khách vì thời gian hành trình kéo dài" - ông A. cho hay.

Nhiều kiến nghị "vá lỗ hổng"

Nhận định về việc cấp phép kinh doanh vận tải cho cá nhân, tổ chức, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM, thông tin tính đến ngày 1-10-2023 có 5.434 đơn vị kinh doanh vận tải đang hoạt động với 1.102 giấy phép kinh doanh. Việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải được áp dụng theo điều 18 Nghị định 10/2020. Sở GTVT kiểm tra, thẩm định nội dung, thành phần hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải cho đơn vị kinh doanh, không yêu cầu hay đặt thêm điều kiện gì.

Theo ông Hải, những lỗ hổng trong quy định pháp luật hiện hành về quản lý xe hợp đồng, xe du lịch đã được Sở GTVT nhận diện và tham mưu UBND TP HCM kiến nghị Bộ GTVT hướng dẫn một số nội dung. Đây là những nội dung đã được quy định nhưng còn thiếu công cụ để kiểm tra, xử lý hoặc chưa hướng dẫn rõ để xác định các hành vi vi phạm.

Hành khách đón xe Kum Ho ở đường Liên Phường, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Ảnh: ANH VŨ

Hành khách đón xe Kum Ho ở đường Liên Phường, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Ảnh: ANH VŨ

Đi vào cụ thể những lỗ hổng được kiến nghị "trám" lại, đại diện Sở GTVT cho biết theo quy định của Nghị định 10/2020, từ ngày 1-1-2022, các xe hợp đồng cung cấp đầy đủ nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ GTVT (số lượng khách, tên HTX vận tải, điểm đi, điểm đến...). Tuy nhiên, hiện nay phần mềm của Bộ GTVT chưa hoàn thiện, nhiều DN không gửi hợp đồng điện tử. Khi không có hợp đồng điện tử thì việc sử dụng dữ liệu giám sát hành trình (GPS), camera giám sát chuyến đi không được thực hiện.

HTX của tôi có trường hợp cấp phù hiệu tuyến cố định thời hạn 5 năm cho 1 xe nhưng chạy được 1 năm thì bỏ bến ra ngoài chạy dù, tôi phải gửi văn bản thông báo cho Sở GTVT rõ. Không chỉ tôi, nhiều DN, HTX khác có nhiều xe bỏ bến ra ngoài y như vậy” - bà Đ. cho biết.

Ngoài ra, hiện nay nhiều đơn vị kinh doanh vận tải thay đổi địa chỉ kinh doanh, tên DN nhưng không xin cấp lại giấy phép kinh doanh, do đó Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất sửa đổi, bổ sung thu hồi giấy phép kinh doanh thời hạn 1 tháng đối với các trường hợp trên.

Cũng theo Sở GTVT, việc chưa có quy định thu hồi phù hiệu theo thời hạn, nhiều trường hợp đơn vị kinh doanh không nộp lại phù hiệu khi giải thể, ngừng tuyến... gây khó khăn về quản lý. Chưa kể, nhiều DN lợi dụng "đơn cớ mất phù hiệu" có xác nhận của lực lượng chức năng để xin cấp lại phù hiệu mới trong khi phù hiệu cũ bị thu hồi do vi phạm điều kiện kinh doanh...

Các phần mềm quản lý ô tô kinh doanh vận tải còn đơn lẻ, rời rạc, chưa tích hợp phần mềm dùng chung, hệ thống GPS chưa được bổ sung đầy đủ tính năng nên rất khó cho việc tra cứu dữ liệu, xử lý xe vi phạm. Bên cạnh đó, dữ liệu GPS hiện tại chỉ mới xử lý được vi phạm tốc độ, các hành vi đón trả khách lặp đi lặp lại nhiều lần tại một điểm... chưa lọc được. Dữ liệu cũng chưa bảo đảm thời gian vì phải phụ thuộc vào kết quả xử lý thông tin dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam trên phần mềm quản lý (thường có độ trễ khoảng 2 tháng).

"Do đó, UBND TP HCM đã kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai tích hợp dữ liệu liên quan công tác quản lý xe, lái xe ô tô kinh doanh vận tải thành hệ thống trục tích hợp và đồng bộ dữ liệu dùng chung như tra cứu kiểm định, cấp phù hiệu, thiết bị GPS, giấy phép lái xe, phần mềm xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera trên ô tô kinh doanh vận tải của Cục Đường bộ Việt Nam..." - đại diện Sở GTVT nói, đồng thời cho biết những kiến nghị đã được Bộ GTVT tiếp nhận, giao nhiệm vụ cho Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định.

Qua GPS, thu hồi 6.236 phù hiệu

Theo Sở GTVT TP HCM, từ đầu năm 2023 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản 2.383 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô với số tiền xử phạt là 3.588.475.000 đồng. Về kết quả xử lý vi phạm qua GPS, Sở GTVT đã thu hồi 6.236 phù hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ.

Nhà xe Biển Việt Xanh đón khách trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP HCM.Ảnh: THU HỒNG

Với Công ty TNHH Thành Bưởi, khoảng thời gian trên, thanh tra sở phát hiện và lập biên bản 34 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt là 35 triệu đồng. Công ty này cũng bị thu hồi 246 phù hiệu.

Theo quy định, xe bị thu hồi phù hiệu sau khi cơ quan chức năng trích xuất dữ liệu từ GPS của mỗi xe trong 1 tháng cho thấy có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 km/giờ trở xuống).

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-10

THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/theo-chan-xe-hop-dong-tra-hinh-nhan-dien-bat-cap-20231009205926996.htm