Theo cờ Tổ quốc vươn khơi Kỳ cuối: Trường Sa - điểm tựa giữa trùng khơi

Trường Sa - huyện đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Khánh Hòa luôn là điểm tựa cho ngư dân trong quá trình bám biển. Mai này, điểm tựa ấy sẽ càng thêm vững chắc khi Khánh Hòa đang nỗ lực để xây dựng huyện Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những “cột mốc sống” trên biển

Nhiều lần đến cảng Hòn Rớ, thấy các chủ tàu cá trước khi vươn khơi đều mang theo nhiều lá cờ Tổ quốc, tôi rất tò mò. Thông thường, khi ra khơi, mỗi tàu cá đều treo một lá cờ Tổ quốc ở cột buồm cao phía mũi tàu và một lá cờ ở đỉnh con tàu. Cho đến khi được cùng ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, tôi mới biết, khác với tàu câu cá ngừ đại dương, tàu câu mực xà, tàu lưới rê thường chia lưới thành nhiều đoạn. Cứ mỗi đoạn lưới đều gắn 2 phao cờ ở 2 đầu, trên cùng là cờ Tổ quốc, dưới là đèn tín hiệu nhấp nháy, dưới nữa là cờ đuôi nheo. “Việc cắm phao cờ được ngư dân ví như cắm những “cột mốc sống” giữa biển khơi để khẳng định đây là vùng biển Việt Nam, ngư trường của ngư dân Việt Nam”, ngư dân Nguyễn Cư nói với tôi khi đang thả phao cờ, bủa lưới.

Tàu cá của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ cập vào âu tàu đảo Đá Tây A để tiếp thêm nhiên liệu, nhu yếu phẩm.

Được bám biển cùng tàu KH 90127 TS và trong những lần đi công tác ra Trường Sa trước đây, khi thấy tàu cá Khánh Hòa hiện diện khắp ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa - thềm lục địa phía Nam…, tôi càng thêm tự hào khi toàn tỉnh có tới gần 3.200 tàu cá, với 673 tàu hoạt động trên vùng biển xa; hơn 33.000 ngư dân hoạt động trên biển, góp phần cùng với ngư dân cả nước hiên ngang cắm những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đánh giá cao vai trò của ngư dân, Đại tá Nguyễn Hữu Minh - Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân khẳng định: “Sự hiện diện của tàu cá, ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung trên khắp các ngư trường truyền thống đã góp phần cùng với bộ đội Hải quân, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong quá trình bám biển, ngư dân còn là “tai, mắt” của Hải quân và các lực lượng chức năng khi kịp thời thông tin về tình hình tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta… Ngư dân chính là lực lượng quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc”.

Đồng hành với ngư dân

Mấy chục năm dẫn dắt tàu KH 90127 TS bám biển khai thác hải sản, thuyền trưởng Võ Đông Sang thấu hiểu cảnh “Đời ngư phủ, hồn treo cột buồm” vì luôn có những yếu tố bất lợi, hiểm nguy rình rập, như: tai nạn, rủi ro, bão tố, tàu nước ngoài quấy phá... Nhưng chưa khó khăn nào ngăn được lớp lớp người miền biển vươn khơi với khát vọng làm giàu từ biển. Theo ông Sang, trong hành trình bám biển, ngư dân không đơn độc, mà luôn có sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ từ các lực lượng chức năng, như: Hải quân nhân dân Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư… “Với ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung, Trường Sa và các lực lượng chức năng của Việt Nam chính là điểm tựa vững chắc trong những chuyến vươn khơi đánh bắt hải sản”, ông Sang nói.

Trong hành trình bám biển, ngư dân luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tỉnh.

Trong những lần công tác ra Trường Sa trước đây, tôi đã có dịp trò chuyện với nhiều ngư dân trên các tàu câu cá ngừ đại dương của Khánh Hòa, Phú Yên hay các tàu nghề lặn của ngư dân Bình Thuận… đang hoạt động tấp nập trên khắp ngư trường Trường Sa. Với nhiều ngư dân hoạt động dài ngày trên biển, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở huyện đảo Trường Sa không chỉ là nơi sửa chữa tàu cá cho ngư dân khi xảy ra sự cố, hỏng hóc, mà còn là những “siêu thị” giữa đại dương, đảm bảo cung cấp cho ngư dân đánh bắt xa bờ nhiều mặt hàng thiết yếu, như: Xăng, dầu, gạo, mì ăn liền, đá lạnh, nước ngọt… Cùng với cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá, các trung tâm còn thu mua hải sản, giúp ngư dân tự tin bám biển dài ngày vì tiết kiệm được thời gian, chi phí rất lớn.

Trò chuyện cùng Đại tá Nguyễn Hữu Minh, tôi được ông chia sẻ: “Với phương châm “Lo cho ngư dân như người thân của mình”, “Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân luôn sẵn sàng, có mặt trên khắp các vùng biển, nhất là vùng biển Trường Sa để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Hình ảnh những con tàu, chiến sĩ Hải quân không quản ngại gian khổ, hy sinh, dầm mình trong mưa bão cứu giúp ngư dân… đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân cả nước. Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung, lực lượng Vùng 4 Hải quân nói riêng mãi là điểm tựa vững chắc, đồng hành với ngư dân vươn khơi, bám biển”.

Xây dựng Trường Sa thành pháo đài vững chắc trên biển

Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ: “Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”. Hiện nay, tỉnh khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn chỉnh Đề án Xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm triển khai.

Quân y trên tàu Hải quân của Vùng 4 Hải quân chăm sóc cho ngư dân bị bệnh khi khai thác trên biển.

Bên cạnh đó, huyện Trường Sa còn được bổ sung thêm nguồn lực để phát triển nghề cá, đời sống dân sinh tại huyện đảo khi Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa cho phép Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Quỹ do tỉnh trực tiếp quản lý.

Tôi còn nhớ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam từng chia sẻ rằng: “Cán bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện sứ mạng chính trị nặng nề nhưng vinh quang mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhân dân cả nước giao phó theo tinh thần của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Khánh Hòa vì cả nước và cả nước sẽ chung tay cùng với Khánh Hòa trong xây dựng, phát triển huyện đảo Trường Sa”.

Với tôi, Trường Sa luôn ở trong tim! Xin được mượn những vần thơ trong bài thơ “Thao thức Trường Sa” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ để kết thúc loạt bài này: “...Trước Trường Sa thấy mình bé nhỏ/Tựa cột mốc chủ quyền thêm vững lòng hơn/Ngắm rặng mồng tơi, nghe gà cục tác/Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở, trường tồn.../Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc/Ấp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa”.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa được Chính phủ thành lập tháng 4-2023, giao cho tỉnh quản lý. Nguồn lực của quỹ sẽ tập trung phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa. Ngày 12-8 tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị công bố Quỹ Hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. Tỉnh mong muốn nhận được sự ủng hộ từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để chung sức cùng Khánh Hòa sớm xây dựng, phát triển huyện Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Hải quân trên quần đảo Trường Sa đã kịp thời cứu nạn 4 tàu cá, đưa 22 ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ vào bờ an toàn; cấp cứu cho 46 ngư dân gặp nạn trên biển; khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho 1.000 ngư dân bị ốm đau, bệnh tật trên biển; có 6.245 lượt tàu cá vào các đảo ở Trường Sa để tránh trú bão đã được bộ đội Hải quân hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nước ngọt…

HẢI LĂNG

Kỳ 1: Cùng ngư dân bám biển

Kỳ 2: Làm giàu từ biển

Kỳ 3 - Phải quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202307/theo-co-to-quoc-vuon-khoi-ky-cuoi-truong-sa-diem-tua-giua-trung-khoi-6ca275a/