Theo dõi chặt chẽ mưa lũ, không chủ quan lơ là
Khẳng định việc chủ động ứng phó từ cấp trung ương đến cấp cơ sở là chìa khóa thành công để giảm thiểu thiệt hại về tài sản, không có thiệt hại về người khi bão Noru đi qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến phức tạp của thời tiết sau bão, không để bị động, bất ngờ.
Nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân
Trưa 28-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến với 8 địa phương Miền Trung và Tây Nguyên nhằm đánh giá tình hình khắc phục thiệt hại và rút kinh nghiệm công tác ứng phó với cơn bão. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Cuộc họp được kết nối đến 8 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên nằm trong vùng ảnh hưởng của bão.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, tình hình thiệt hại ban đầu (tính đến 17 giờ ngày 28-9) như sau: Về người: 16 người bị thương (Quảng Trị 08 người, Thừa Thiên - Huế 08 người). Về nhà: 76 nhà sập (Quảng Trị 02; Huế 06; Quảng Nam 65; Quảng Ngãi 03); 2.601 nhà bị hư hại, tốc mái (Quảng Trị 137; Huế 419; Đà Nẵng 228; Quảng Nam 1.150; Quảng Ngãi 633; Gia Lai 7; Kon Tum 27). Về giáo dục: 36 điểm trường (Quảng Trị 4, Đà Nẵng 25, Quảng Ngãi 7). Về Nông nghiệp: 66ha lúa, 558ha hoa màu, 6ha hoa màu bị ngập; 4.862 cây xanh gãy đổ. Về tàu thuyền: 01 ghe (Quảng Nam), 04 tàu nhỏ (Đà Nẵng) bị hư hại, chìm tại khu neo đậu. Về chăn nuôi: 04 con gia súc, 720 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Về giao thông: 37 vị trí sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B, một số tuyến đường giao thông địa phương và 04 cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi. Về hệ thống điện: 10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời, đóng điện trở lại trước 17 giờ ngày 28-9-2022.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 cho biết, thành công lớn nhất là nhờ chủ động trong công tác tuyên truyền, nhắc nhở, di dời, sơ tán nên không có thiệt hại về người, tổng giá trị tài sản bị thiệt hại cũng được giảm thiểu. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần cao, lực lượng Công an, Quân đội đã huy động toàn bộ nguồn lực chuẩn bị chống bão. Đây là cơn bão có diễn biến phức tạp nhưng không gây thiệt hại về người. Điều này cho thấy công tác ứng phó đã thành công. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp Trung ương đến địa phương, người dân đã nhận thức tốt và chấp hành nghiêm các chỉ đạo của chính quyền. Trước khi bão đổ bộ, bà con nhân dân sẵn sàng đùm bọc nhau; hàng vạn người đã di tản sang các nhà kiên cố lân cận; nhiều chủ nhà hàng, khách sạn cung cấp chỗ trú bão miễn phí.
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực, tinh thần phòng chống thiên tai “không hối tiếc”, các địa phương đã có thời gian triển khai trước một bước, trên một cấp so với diễn biến của thiên tai. Khi bão đi qua, không có mất mát về người, thiệt hại về tài sản ở mức nhỏ nhất đã để lại bài học quý cho cả hệ thống chính trị trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường. Tinh thần này cần được phát huy trong hoạt động khắc phục nhanh chóng hậu quả, nhất là mưa lũ đang diễn biến phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân phải được quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Các địa phương cần nhanh chóng ổn định đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau bão. “Bão đã tan nhưng thời tiết sẽ diễn biến phức tạp. Các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ sau bão để chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, sát với diễn biến thực tế, không để bị động, bất ngờ, không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác vì những năm gần đây bão không gây thiệt hại về người nhưng mưa lũ sau bão thì luôn có người bị thiệt mạng”,Thủ tướng lưu ý.
Đà Nẵng phòng hiệu quả, chống thành công với 3 bài học kinh nghiệm
Trong ngày 28-9, ngay sau khi bão đi qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã huy động các lực lượng tập trung nhân lực khắc phục thiệt hại, cắt tỉa cây xanh, dọn vệ sinh môi trường, kết nối điện sinh hoạt, viễn thông. Ngay trong buổi chiều cùng ngày, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đi làm trở lại.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi bão tan, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương nhanh chóng vào cuộc xử lý, khắc phục hậu quả của bão, cố gắng trong ngày 29-9 tất cả các hoạt động của địa phương sẽ trở lại bình thường. Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, bão số 4 đã làm tốc mái 7 ngôi nhà ở các quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ. Toàn thành phố có khoảng 1.841 cây ngã đổ, 880 cây bị nghiêng; trụ sở của một số cơ quan, đơn vị bị hư hỏng nhẹ phần tường rào, mái… Gió to trong đêm khiến 3.340 trạm biến áp bị mất điện thì trong ngày đã khôi phục được phần lớn. Ngay khi bão tan, lực lượng Công an, Quân đội, các tình nguyện viên đã tỏa đi khắp các địa bàn để hỗ trợ, giúp người dân khắc phục thiệt hại, dọn dẹp cây xanh ngã, đổ; thực hiện vệ sinh môi trường; đồng thời cảnh báo khu vực sạt lở để có những biện pháp kịp thời, bảo đảm an toàn cho nhân dân.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, qua công tác phòng chống bão số 4, thành phố đã có 3 bài học kinh nghiệm lớn. Thứ nhất là cần quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có khả năng sạt lở bằng các biện pháp mạnh, cùng với đó là phải làm hết trách nhiệm để người dân yên tâm khi tài sản của mình được đảm bảo. Thứ hai là thực hiện nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong công tác phòng chống bão lụt. Nâng cao tinh thần tự giác, tự lực, phát huy vai trò chủ động của người dân bằng việc cung cấp thông tin liên lạc kịp thời, chính xác.Thứ ba là sẵn sàng kích hoạt các phương án, kịch bản về phòng chống bão lụt tương ứng với từng cấp độ đã được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn bằng phương châm 4 tại chỗ.
Dù đã thông báo cho người dân đi lại bình thường và người dân đi sơ tán về lại nơi ở kể từ 11 giờ ngày 28-9 nhưng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng yêu cầu các quận huyện kiểm tra các khu vực nhà dân để đảm bảo an toàn kết cấu, an toàn điện, ngập nước và các rủi ro khác. Điều này nhằm không để xảy ra những sự cố, tai nạn đáng tiếc sau bão như nhiều địa phương từng xảy ra. “Sau bão sẽ là các hình thái thiên tai phức tạp như mưa lũ, sạt lở đất. Chính quyền các địa phương phải thực sự sâu sát vừa giúp dân khắc phục hậu quả vừa chủ động phòng tránh các nguy cơ. Cùng với đó là bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ y tế khi cần để sớm ổn định đời sống nhân dân”, ông Chinh nhấn mạnh.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/theo-doi-chat-che-mua-lu-khong-chu-quan-lo-la-post267408.html