Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ sau bão
Chiều 13-6 ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ có mưa và dông, phổ biến 15-30mm, trên 50mm. Từ nay đến sáng 14-6, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to phổ biến 50-70mm, có nơi hơn 90mm. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai khuyến cáo các Bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ và giám sát tình hình mưa lũ, ngập úng cục bộ, bảo vệ sản xuất tại khu vực đồng bằng và mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét ở khu vực miền núi.
Tình hình thiệt hai do bão số 2 gây ra
Theo báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại bão số 2 tính đến 17 giờ ngày 13-6, tại Hà Tĩnh mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng và làm ngập khoảng 15.400 ha diện tích lúa Hè Thu mới gieo cấy trên địa bàn toàn tỉnh.
Nghệ An sự cố tàu thuyền làm ba bè cá của ngư dân bị chìm thiệt hại: 3.463 ha lúa hè thu; 368 ha rau màu bị ngập; 1.900 ha cây vừng; 71 ha thủy sản; 30m kênh bị sạt lở.
Tại Thanh Hóa, tàu cá TH91677 khi di chuyển vào đảo Bạch Long Vĩ tránh bão bị sóng đánh chìm, bảy người trên tàu đã được tàu cá cùng tổ đội cứu vớt an toàn. Bão gây thiệt hại làm ba nhà bị tốc mái (Nga Sơn), 422 ha lúa; 286,8 ha rau màu, 4.813 cây xanh, 10 cột điện, 347m tường rào.
Tại Hòa Bình bão số 2 làm sạt lở tại các huyện Lương Sơn, Đà Bắc, và Tân Lạc. Khu vực xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn huyện Lương Sơn phải sơ tán dân khẩn cấp với 40 hộ gồm 191 nhân khẩu trong ngày 12-6. Thiệt hại bốn nhà, 22ha lúa, tám lợn, sạt 220m3 đường.
Về sự cố hai bè mảng tại Thanh Hóa của anh Lê Đức Giang (sinh năm 1985) và anh Lê Văn Dương (sinh năm 1987) cùng trú phố Đông Hải, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn đang trên đường vào tránh bão thì bị hỏng máy, trôi dạt, mất liên lạc.
Tỉnh Thanh Hóa đã điều động một tàu công suất 2.800 CV của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và huy động hai tàu cùng lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có Công văn số 59/PCTT, TKCN&PTDS ngày 13-6 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đề nghị phối hợp tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã điều động một tàu và lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
Tại Nam Định bão số 2 với mưa to, gió lớn đi qua địa bàn tỉnh đã gây nhiều thiệt hại cho huyện ven biển Hải Hậu.
Theo thống kê, đã có sáu cột điện trên địa bàn thị trấn Thịnh Long bị gãy, đổ khiến một số khu vực bị mất điện; năm hộ dân bị sập mái hiên ở các xã Hải Triều và Hải Chính; khoảng 100 hộ dân bị tốc, hỏng lán tôn, mái ngói, mái fibro xi măng ở các xã Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính và thị trấn Thịnh Long.
Ngoài ra, bão số 2 còn làm 7.800 m2 ao nuôi nhà bạt bị tốc mái bạt, hỏng hệ thống khung, tường nhà bạt tại các xã Hải Hòa và Hải Triều; trên 50 ao nuôi tôm công nghiệp bị xé bạt đáy, sạt bờ ao với tổng diện tích trên 20ha tại Hải Triều và Hải Chính; 300ha rau các loại bị ảnh hưởng; trên 1.000 cây bóng mát, cây chắn sóng bị gãy đổ.
Do ảnh hưởng của bão số 2 kết hợp sóng lớn, mái kè mỏ Hải Thịnh 2 thuộc tuyến đê biển Hải Hậu bị hư hỏng ở một số vị trí. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng xử lý, khắc phục sự cố.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quyét, sạt lở
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Hiện nay, đang mưa to khu vực Tây Bắc Bộ. Các điểm mưa to bao gồm: Lũng Vân (Hòa Bình) 123mm, Lóng Luông - Vân Hồ(Sơn La) 85mm, Tả Sì Láng – Trạm Tấu (Yên Bái) 86mm, Mường Bang – Phù Yên (Sơn La) 53mm, Lâm Thao (Phú Thọ): 54mm.
Tại cuộc họp, thường trực Ban chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm ứng phó với bão số 2, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai biểu dương, ghi nhận các bộ, ngành và địa phương, các lực lượng vũ trang đã chủ động kịp thời, triển khai quyết liệt ứng phó với bão số 2, đồng thời đề nghị các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn, ngập úng cục bộ tại một số khu vực. Cần rà soát, kiểm tra lại khu vực ngập úng tại tỉnh Hà Tĩnh để có các phương án giải quyết, bảo vệ sản xuất.
Đối với khu vực miền núi, cần chủ động theo dõi đôn đốc, giám sát với tình hình mưa lớn, rà soát các phương án, kịch bản ứng phó chi tiết. Đặc biệt các khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, các khu hầm lò, khai thác khoáng sản. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị ứng phó với thiên tai khi có yêu cầu.
Các Bộ, ngành: Bộ Giao thông vận tải đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đặc biệt tuyến hàng hải phù hợp với thông lệ quốc tế, điều kiện thực tiễn của tàu thuyền. Bộ Công an bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực sơ tán dân, bảo vệ tài sản của người dân. Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, nhanh chóng khi có các tình huống thiên tai.