Theo dõi, dự báo sát diễn biến giá cả thị trường, tăng cường kiểm soát lạm phát dịp Tết

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 44/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm vừa được ký ban hành ngày 21/12/2020. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác phân tích, dự báo, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá. Nguồn: Internet

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá. Nguồn: Internet

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị tốt điều kiện phục vụ nhân dân vui đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu không quên thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, thị trường, tăng cường công tác phân tích, dự báo, kịp thời có các biện pháp điều hành phù hợp, kiểm soát lạm phát, nhất là vào thời điểm cuối năm.

Đồng thời, chỉ đạo đơn vị chức năng, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trực Tết, bảo đảm các hoạt động kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh thông suốt an toàn, thuận lợi trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Thực hiện công tác thăm hỏi, chúc Tết các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, bão, lũ, các đơn vị lực lượng vũ trang và lực lượng khác làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện nghiêm chế độ trực Tết và chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết; xử lý kịp thời các công việc, tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân và doanh nghiệp. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương tập trung ngay vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi...

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép hàng hóa, thực phẩm động vật, đặc biệt là động vật hoang dã vào Việt Nam.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, hàng thuộc diện bình ổn giá; kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá. Trong trường hợp phát sinh vấn đề gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá và ổn định kinh tế vĩ mô cần báo cáo cho Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá để kịp thời giải quyết.

Cùng với đó, chỉ đạo đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, tuần tra chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, các mặt hàng nhập lậu, hàng giả thường có xu hướng gia tăng trong dịp Tết (như chất nổ, pháo, vũ khí, thuốc lá, rượu bia, gia cầm, thực phẩm...); tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Kiểm soát chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước, nợ công, tài sản công; chỉ đạo các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước bố trí đủ nguồn lực để xử lý, giải quyết kịp thời mọi công việc; chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp gạo kịp thời từ nguồn dự trữ quốc gia theo đúng quy định, không để người dân bị thiếu ăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt...

Việt Dũng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/theo-doi-du-bao-sat-dien-bien-gia-ca-thi-truong-tang-cuong-kiem-soat-lam-phat-dip-tet-330810.html