Theo dõi sát 'sức khỏe' doanh nghiệp để lập dự toán thu ngân sách

Để lập dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 sát thực tế, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị cơ quan thuế các cấp theo dõi sát sao 'sức khỏe' doanh nghiệp, đánh giá đúng tình hình sản xuất, kinh doanh và khả năng thu ngân sách.

Thu ngân sách 7 tháng ước đạt 68,5% dự toán

Tổng cục Thuế cho biết, 7 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.018 nghìn tỷ đồng, bằng 68,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 114,8% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 983.625 tỷ đồng, bằng 68,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 115,5% so cùng kỳ. Nhìn chung, thu ngân sách 7 tháng đạt khá với 13/21 khoản thu sắc thuế và 26/63 địa phương đạt trên 65% dự toán, có 15/21 khoản thu, sắc thuế và 52/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, số thu đạt khá chủ yếu tập trung tại các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận còn lại của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và khối các công ty xổ số, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước. Nếu không kể 3 khoản này thì thu nội địa do cơ quan thuế quản lý mới đạt được 62,5% dự toán so với các năm trước.

Bên cạnh đó, vẫn còn 8/21 khoản thu, sắc thuế và 37/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp so dự toán (dưới 65%), trong đó có một số địa phương có tiến độ thu đạt thấp dưới 55% dự toán. 27/37 địa phương có tiến độ thu tiền sử dụng đất đạt thấp hơn mức bình quân chung cả nước. Một số địa phương nguồn thu trọng điểm từ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tiến độ thu ngân sách 7 tháng còn chậm như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Nam... do thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô còn gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ tiếp tục hụt thu năm 2024.

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Hồng Bàng - An Dương, Hải Phòng hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục nộp thuế. Ảnh: Hà Minh

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Hồng Bàng - An Dương, Hải Phòng hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục nộp thuế. Ảnh: Hà Minh

Tổng cục Thuế dự báo, những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nếu không triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, rà soát, khai thác tăng thu từ các nguồn thu khác sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024.

Trước bối cảnh này, Tổng cục Thuế đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm giải pháp để triển khai trong những tháng cuối năm, nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách và nhiệm vụ công tác thuế. Trong đó, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, khai thác hiệu quả các nguồn thu, thực hiện tốt các chuyên đề nâng cao hiệu quả quản lý thuế và chống thất thu, phấn đấu thu vượt dự toán.

Theo dõi sát tình hình sản xuất, kinh doanh

Bước sang năm 2025, nhiệm vụ ngân sách sẽ nặng nề hơn bởi lẽ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, nhiều địa phương đặt mục tiêu cao nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu 5 năm. Theo đó, các công tác xây dựng dự toán thu ngân sách cần phù hợp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm của địa phương, góp phần hoàn thành kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

Tại hội nghị trực tuyến với địa phương về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 mới đây, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, một số chính sách dự kiến sửa đổi và có hiệu lực trong năm 2025 sẽ tác động lớn đến thu ngân sách của cả nước và từng địa phương, nhưng khó đánh giá chính xác tác động đến thu ngân sách của từng địa bàn. Ví dụ: chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…

Để xây dựng dự toán ngân sách năm 2025 bảo đảm tích cực, khả thi, sát với thực tế trên địa bàn, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương và các sở, ban ngành phối hợp với cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, theo dõi sát sao sức khỏe doanh nghiệp, đánh giá đúng tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng thu ngân sách để xác định đúng mục tiêu thu, trên cơ sở đó tổ chức lập giao dự toán cho các đơn vị cấp dưới sát đúng với khả năng thu.

Về phía Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục chú trọng việc trao đổi thông tin phục vụ dự báo lập dự toán các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, phí, lệ phí, thu khác nắm bắt những nguồn thu mới, các dự án hết thời gian ưu đãi, những nguồn thu phát sinh đột biến, đặc thù... để dự báo và lập dự toán sát với khả năng thực hiện. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu trên các lĩnh vực còn nhiều dự địa lớn như lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ ăn uống, lưu trú... Tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/theo-doi-sat-suc-khoe-doanh-nghiep-de-lap-du-toan-thu-ngan-sach-i382477/