Theo dòng ký ức Hoàng Long

Dòng Hoàng Long uốn khúc giữa khoảng đồng đất có bề rộng trên dưới 10km được giới hạn bởi hai khối núi đá vôi: Hoa Lư (bên hữu) và Vân Long (bên tả), được cấp nước từ vùng núi rừng quốc gia Cúc Phương qua sông Lạng, từ dòng sông Bôi đổ về từ Hòa Bình, từ vùng núi Hoa Lư thông qua dòng Sào Khê.

Lễ Rước nước trên sông Hoàng Long.

Lễ Rước nước trên sông Hoàng Long.

Trong bối cảnh hàng chục nghìn năm về trước khi mực nước biển thấp hơn hàng chục mét so với mực nước biển hiện tại thì dòng Hoàng Long theo dòng sông Đáy chảy dài hàng trăm ki lô mét vươn về phía biển Đông. Khi biển dâng có mực nước cao hơn mực nước biển hiện tại khoảng 4 mét ứng với giai đoạn biển tiến cách ngày nay khoảng 4.000 đến 7.000 năm thì dòng Hoàng Long ẩn mình trong lòng vịnh biển. Vịnh biển này được giới hạn bởi các dãy núi đá vôi vòng từ Gia Viễn lên Nho Quan, qua Tam Điệp và vùng núi Hoa Lư - Di sản Tràng An như một quần đảo trong vịnh biển cổ ấy.

Vùng núi đồi ven vịnh biển cổ này đã xuất lộ nhiều di tích khảo cổ học thời Tiền sử thuộc nền văn hóa Hòa Bình và Đa Bút. Trên bậc thềm phù sa cổ và những bãi đất ven sông có dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn (núi Sưa, Sơn Lai, Nho Quan; núi Soi, Gia Hòa, Gia Viễn) hay những công trình kiến trúc thời Bắc thuộc như hệ thống mộ xây cuốn vòm phát hiện trên địa bàn các xã Quỳnh Lưu, Gia Thủy, Gia Tường (Nho Quan), xã Liên Sơn (Gia Viễn) và hàng loạt những di tích liên quan tới không gian của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đầu Công nguyên; cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương ở thế kỷ thứ VIII, ghi dấu dặm dài lịch sử dân tộc.

Theo dòng Hoàng Long xưa bắt đầu từ ngã ba sông Kênh Gà - nơi hợp lưu của dòng sông Bôi, sông Lạng xuôi về phía biển qua làng Lạc Khoái, xuôi nữa một chút nhìn phía bên tả có làng Đại Hữu, quê hương vua Đinh, gắn liền các địa danh như gò Bồ Đề (tương truyền là nền nhà cũ của vua Đinh); núi Kỳ Lân (nơi Đinh Công Trứ đã táng hài cốt của cha mình, trở thành lăng phát tích của dòng họ Đinh); động Đại Hữu là nơi bà Đàm Thị sinh ra Đinh Bộ Lĩnh; đường Tiến Yết, cầu Đàm (gắn liền với tích truyện Bộ Lĩnh bị người chú cầm gươm đuổi chém…); Đào Áo là khu đất rộng để Đinh Bộ Lĩnh dựng cờ lau tập trận thuở ấu thơ… Kế đó là làng Vũ Ninh, quê hương của Định Quốc công Nguyễn Bặc, cận kề là Đàm Xá - Điềm Giang hay gọi một cách dân gian là làng Điềm (theo các cụ trong làng thì ở thời vua Lê, chúa Trịnh từ Đàm có trùng tên với một vị vua chúa nào đó nên đổi thành Điềm).

Đối diện với Đàm Xá phía bên hữu dòng Hoàng Long là Cố đô Hoa Lư. Ở thế kỷ X, vùng đất Hoa Lư là vùng đất có tính chất thung lũng, có những thung lũng kín và thung lũng mở, có những đầm nước, có những cồn đất cát ven sông, trước núi được bồi đắp không đồng đều trong quá trình hình thành châu thổ sông Hồng.

Sau đợt biển tiến giai đoạn 2.500 đến 1.500 năm cách ngày nay mà nhà Đinh đã khéo quy hoạch, đắp thành liên kết những thung lũng ấy bằng những tuyến tường thành nhân tạo khép nối những dãy núi, núi lẻ để có một kinh thành mang dáng dấp một thung lũng lớn được bao bọc bởi núi và tường thành nhân tạo, đậm nét yếu tố quân thành bên bờ hữu sông Hoàng Long. Và kinh thành này cũng mang đậm một yếu tố kinh thành ven biển (một tầm giáo là phóng tới biển Đông), khi đó sóng biển còn vỗ về dưới chân núi Non Nước mà cho tới thời Trần còn có cửa biển Đại Ác-Đại An cận kề với núi này, hay thời điểm trước đó còn có một cửa biển "Gián Khẩu" liền kề.

Chiều về trên sông Hoàng Long. Ảnh: Trọng Văn

Như vậy, Kinh thành Hoa Lư bên hữu của con sông Hoàng Long lúc đó có vị trí như điểm giao thủy giữa nước ngọt của sông và nước mặn của biển. Con người đã sớm biết lợi thế của điểm giao thủy để tụ cư khai thác nguồn thủy sản phong phú (có cả hải sản nước mặn lẫn thủy sản nước ngọt), vừa là điểm ngược lên thượng nguồn hay xuôi ra biển cả đều rất dễ dàng thuận tiện. Làng quê bên dòng Hoàng Long mang đậm yếu tố sông nước, đã từng là điểm giao thủy (ở thời điểm trước sau thế kỷ X) trên sông Hoàng Long có tính "động" cao, là vùng mở, vùng giao thương ven biển của kinh thành Hoa Lư xưa, có tính giao lưu mạnh: giao lưu với vùng rừng núi phía Tây Bắc thông qua sông Hoàng Long, ngược sông Bôi, sông Lạng; giao lưu với những miền quê trù phú xứ Đoài, cạnh phía Tây Nam tam giác châu thổ Bắc Bộ thông qua sông Đáy để tới những danh lam như chùa Hương, chùa Thầy.

Không gian văn hóa lưu vực sông Hoàng Long mang nặng đặc trưng cá tính khôn ngoan, tinh tế, ôn hòa của dân châu thổ, pha lẫn ít nhiều với cá tính chất phác, can trường của dân miền núi. Đây là vùng đất "thang mộc" của dòng họ Đinh - vua Đinh, dù ngắn ngủi nhưng cũng tạo dựng được dấu ấn cho riêng mình trong dòng chảy của lịch sử dân tộc. Đây là vùng đất "sinh thần" gắn liền với thiền sư Nguyễn Minh Không, sau được dân gian tôn làm Thánh. Thân phận của vị thiền sư ấy đã gắn liền với vận mệnh của một triều đại, của bậc quân vương, lập công trạng để trở thành Quốc sư vương triều Lý. Ngôi chùa nơi ông tu hành (Viên Quang tự) sau này trở thành đền thờ ông.

Đây là vùng đất "kinh sư" - trung tâm quyền lực, chính trị của nhà nước quân chủ Đại Cồ Việt. Kinh sư này gắn liền với hai triều đại Đinh và Tiền Lê, tương đương với giai đoạn lịch sử từ năm 968 đến 1.009. Mặc dù mang vai trò là kinh sư của Đại Cồ Việt trong một thời gian ngắn nhưng cũng đủ tạo dựng những đặc trưng văn hóa riêng có của vùng đất Hoa Lư. Vùng đất này gắn liền với những con người - nhân vật lịch sử, nhưng lại phủ lên nhiều câu chuyện có tính chất truyền thuyết, huyền hoặc. Những dòng "huyền sử" ấy đời nào cũng có, nhưng nó trở thành hiện tượng đậm đặc ở vùng/không gian dòng Hoàng Long này.

Từ việc Đinh Bộ Lĩnh được rồng đưa qua sông, thoát khỏi lưỡi gươm của người chú cho đến thiền sư Minh Không có nhiều "thuật phép" lạ, gánh núi lấp sông, be bờ đơm đó, cưỡi nón qua sông, niệm chú trừ yêu, dùng kim trong vạc dầu sôi để chữa người hóa hổ. Không gian lưu vực sông Hoàng Long là vùng đất "thiêng".

Trong công cuộc khôi phục, bảo tồn phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc hôm nay cần có quy hoạch chung cho vùng văn hóa lưu vực sông Hoàng Long gắn trong bối cảnh liên kết vùng văn hóa sông Hồng, làm cơ sở bảo tồn di sản văn hóa, phát triển du lịch; lấy đây là một trong những trung tâm tìm hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc, thông qua các công viên khảo cổ học, di tích lịch sử văn hóa, qua sân khấu thực cảnh: theo dòng ký ức Hoàng Long…; phát triển công nghiệp văn hóa trên nền tảng bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế, để dòng Hoàng Long mang âm hưởng dặm dài lịch sử nhân loại, quốc gia, văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Cao Tấn (Sở Du lịch Ninh Bình)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/theo-dong-ky-uc-hoang-long/d2023011714314353.htm