Theo đuổi tín dụng tăng trưởng cao, MB vẫn thận trọng với lợi nhuận

Năm 2025, MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao 23,7%. Mặc dù vậy, nhà băng lại tỏ ra thận trọng với kế hoạch lợi nhuận với mục tiêu tăng trưởng chỉ gần 10%.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) vừa công bố kế hoạch phát triển năm 2025 tại đại hội đồng cổ đông thường niên, với trọng tâm là mở rộng thị phần, tận dụng tăng trưởng tín dụng bứt phá và chuyển đổi số toàn diện.

Tuy vậy, trước những rủi ro trong bối cảnh vĩ mô bất định, ban lãnh đạo ngân hàng vẫn đề xuất kế hoạch lợi nhuận tương đối thận trọng.

Tập trung vào mảng bán lẻ

Năm 2024, tín dụng toàn tập đoàn đã tăng 24,3%, đạt dư nợ khoảng 766.000 tỷ đồng – mức tăng cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Sang năm 2025, MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 23,7%, huy động vốn tăng 23,3%, đưa tổng tài sản lên gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2024.

Đáng chú ý, ngân hàng ưu tiên phân bổ ít nhất 50% hạn mức tín dụng cho phân khúc bán lẻ, bao gồm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và ngành nghề được Chính phủ khuyến khích, đồng thời đẩy mạnh cho vay bán lẻ với kỳ vọng giữ vững tốc độ tăng trưởng cao nhưng an toàn,” ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB chia sẻ với các cổ đông mới đây.

Để hỗ trợ mục tiêu này, công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng MB sẽ tiếp tục duy trì được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức dẫn đầu ngành, hiện đạt khoảng 38%, giúp tối ưu chi phí vốn và cải thiện biên lãi ròng (NIM) dự kiến đạt 4,3% trong năm 2025.

Đồng thời MB có cơ hội cải thiện tỷ suất sinh lời khi các khách hàng quay lại trả nợ và MB đẩy mạnh tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ, đặc biệt là phân khúc tài chính tiêu dùng với Mcredit.

Ngân hàng cũng kế hoạch thúc đẩy bán chéo sản phẩm, tận dụng hệ sinh thái gồm ngân hàng mẹ và các công ty thành viên như bảo hiểm, chứng khoán, tài chính tiêu dùng để gia tăng doanh thu từ dịch vụ tài chính.

Thu nhập từ dịch vụ tài chính và bán chéo sản phẩm được kỳ vọng đóng góp lớn, với cơ sở khách hàng cá nhân vượt 30 triệu người và hệ sinh thái đồng bộ.

Ngoài ra, MB sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, với mục tiêu doanh thu từ kênh số đạt 40% tổng doanh thu năm 2025 và hướng tới 50% vào năm 2026. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) được áp dụng sâu rộng trong kinh doanh, vận hành và quản trị rủi ro.

Ngân hàng mở rộng mạng lưới tại các địa bàn trọng điểm, gia tăng số lượng Smartbank, Autobank và đầu tư trụ sở mới tại miền Nam, miền Trung để nâng cao năng lực hạ tầng.

Trong giai đoạn 2022–2026, MB triển khai Sáng kiến chiến lược, tận dụng mô hình hiệp lực trong tập đoàn để củng cố lợi thế cạnh tranh. Ngân hàng cũng tiếp tục đầu tư công nghệ, bổ sung vốn cho các mô hình kinh doanh mới và hiện đại hóa vận hành.

Mục tiêu thận trọng

Trên cơ sở chiến lược đề ra, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2025 đạt 31.710 tỷ đồng, tăng gần 10% so với mức 28.830 tỷ đồng của năm 2024.

Đây được giới đầu tư đánh giá là kế hoạch thận trọng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều biến động.

“Năm 2024, doanh thu tăng 21% đạt 46.800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ tăng 12% do chúng tôi chủ động trích lập dự phòng cao để bảo vệ kết quả kinh doanh tương lai,” ông Đàm Nhân Đức, Kinh tế trưởng MB, chia sẻ trong buổi gặp gỡ cổ đông mới đây.

Ngân hàng dự kiến chia cổ tức năm 2025 với tỷ lệ 35%, tương đương 21.556 tỷ đồng, gồm 3% bằng tiền mặt và 32% bằng cổ phiếu, giúp tăng vốn điều lệ thêm gần 19.726 tỷ đồng.

Ngoài ra, MB sẽ phát hành riêng lẻ 62 triệu cổ phiếu, tăng vốn thêm 620 tỷ đồng. Nếu hoàn thành, vốn điều lệ của MB sẽ tăng từ hơn 61.000 tỷ đồng lên 81.368 tỷ đồng, trở thành một trong những ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Nguồn vốn bổ sung sẽ được dùng để đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực tài chính, phát triển mô hình kinh doanh mới và mở rộng hoạt động trong và ngoài nước.

MB cũng lên kế hoạch thành lập ngân hàng con tại Lào, chuyển đổi pháp lý các công ty con tại Campuchia và MCredit, đồng thời mở rộng thị trường quốc tế tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Đài Loan.

Kiểm soát chất lượng tài sản

MB duy trì chất lượng tài sản ổn định, với tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 đạt 1,62%, gần như đi ngang so với năm trước, trong khi nợ nhóm 2 giảm còn 1,57%.

Tỷ lệ dư nợ tái cơ cấu ở mức thấp 0,65% và đã được trích lập đầy đủ. Ngân hàng giữ tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II tối thiểu 9% và kiểm soát nợ xấu dưới 1,7%.

Theo đánh giá của VCBS, MB có thể tăng bộ đệm dự phòng trong năm 2025 nhờ lợi nhuận tăng trưởng tích cực và áp lực trích lập giảm khi nợ xấu ổn định.

Năm 2024, MB chi hơn 9.577 tỷ đồng cho trích lập dự phòng, trong đó 9.397 tỷ đồng dùng để xóa nợ xấu. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện ở mức 92%, thấp hơn mục tiêu 100%.

Một rủi ro cần theo dõi là ảnh hưởng từ chính sách thuế mới của Mỹ, nhưng tác động trực tiếp đến MB được đánh giá là nhỏ do tỷ trọng cho vay doanh nghiệp FDI chỉ dưới 1%.

VCBS nhận định đây là yếu tố quan trọng cần được theo dõi do mức thuế mới có thể ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và dòng tiền trả nợ cũng như nhu cầu tín dụng của các khách hàng của MB.

Trong trường hợp khả năng hồi phục của khách hàng tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực khiến chất lượng tài sản giảm sút, đặc biệt là với phân khúc khách hàng thu nhập thấp, SME và các doanh nghiệp lớn trong diện tái cơ cấu, lợi nhuận của MB sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn khi nợ xấu gia tăng khiến chi phí dự phòng tăng nhanh.

Cơ hội từ MBV

MB là một trong bốn ngân hàng lớn tham gia chương trình tái cơ cấu của NHNN nhằm cung cấp nguồn lực quản lý và kỹ thuật cho các ngân hàng được chuyển giao nhằm hỗ trợ xây dựng chiến lược kinh doanh, chính sách và quy trình hoạt động.

Đổi lại, các ngân hàng lớn sẽ nhận được một số lợi ích và miễn trừ từ phía NHNN như tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhận hỗ trợ thanh khoản, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và nhiều miễn trừ hạch toán.

Theo kế hoạch, MB sẽ góp tối đa 5.000 tỷ đồng vào MBV và hỗ trợ bằng cách bán dư nợ sinh lời tốt, tạo điều kiện vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng Nhà nước để bù đắp khoản lỗ của MBV.

“MBV hoạt động độc lập, không sáp nhập vào MB. Sau ba tháng chuyển giao, chúng tôi đã ổn định tổ chức và xây dựng lộ trình cụ thể cho năm 2025,” ông Phạm Như Ánh cho biết. Lãnh đạo MB kỳ vọng MBV sẽ khởi sắc trong thời gian tới.

Theo đánh giá của VCBS, nhờ việc nhận chuyển giao bắt buộc MBV, MB sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh nhất ngành, đạt khoảng 28% trong năm 2025, nhanh hơn so với bình quân ngành khoảng 1,5 – 2 lần.

Trên thị trường vốn, MB có thể hưởng lợi từ Nghị định 69/2025, cho phép nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 49% đối với ngân hàng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Điều này tạo dư địa thu hút dòng vốn nước ngoài, tăng sức hấp dẫn đầu tư trong trung và dài hạn.

Bên cạnh những cơ chế ưu tiên cho tăng trưởng, việc MB đang triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém MBV cũng phần nào gây áp lực lên chất lượng bảng cân đối.

Theo bà Phan Thị Vân Anh, Giám đốc kiêm chuyên gia phân tích cao cấp, VIS Rating, rủi ro quản trị và thanh khoản là hai rủi ro chính cho ngành ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng cao hơn so với bình thường.

Trong đó, rủi ro quản trị phát sinh khi các cá nhân nắm giữ vị trí quan trọng trong ngân hàng và trong các tập đoàn chi phối hoạt động ngân hàng để phục vụ mục đích cá nhân, từ đó làm tăng rủi ro hoạt động và khiến ngân hàng dễ bị tổn thương hơn khi các tập đoàn lớn gặp vấn đề, và tạo nên các đợt rút tiền gửi hàng loạt của khách hàng.

Bên cạnh đó, rủi ro thanh khoản cao hơn khi các ngân hàng gia tăng sự phụ thuộc vào nguồn vốn thị trường ngắn hạn để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi thấp.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/theo-duoi-tin-dung-tang-truong-cao-mb-van-than-trong-voi-loi-nhuan-d39710.html