Theo máy gặt, bắt chuột đồng

Miền Tây Nam bộ, mùa thu hoạch lúa cũng là mùa săn chuột đồng. Theo máy gặp đập liên hợp, các 'tay săn' chuột sẵn sàng 'hành nghề'.

Khi lúa đã được cắt xong cũng là lúc những người bắt chuột đồng khoe "chiến lợi phẩm".

Khi lúa đã được cắt xong cũng là lúc những người bắt chuột đồng khoe "chiến lợi phẩm".

Có rất nhiều cách để bắt chuột như đặt rập, dỡ chà, đào hang, nhưng hiện nay phổ biến nhất là chạy theo máy gặt đập liên hợp để bắt chuột.

Việc "săn" chuột đồng không kén ai, chỉ cần đáp ứng "3 nhanh": Nhanh chân, nhanh tay, nhanh mắt là có thể tham gia. Vì vậy, đàn ông U40, U50, thanh niên trai tráng, trẻ nhỏ từ 9, 10 tuổi, cả phụ nữ vẫn có thể ra đồng bắt chuột.

Để bắt chuột, người dân xếp hàng hai bên, đợi máy gặt đập liên hợp chạy qua, sau đó quan sát và thao tác thật nhanh để bắt chuột.

Khi máy gặt đập liên hợp chạy qua, lũ chuột bị động nên chạy tán loạn, chui vào rơm, vào hang hoặc túa ra ngoài. Lúc này, các "thợ săn" đuổi bắt.

Dưới cái nắng dịu, các tay săn chuột chạy bừa trên nền ruộng ướt. Người trang bị găng tay, người nắm một ít rạ lúa để dễ dàng bắt chuột.

Anh Võ Ngọc Thoản, ngụ ấp Đường Thét, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết: “Mùa lúa chín, chuột trong ruộng lúa rất nhiều, cứ theo máy cắt lúa mà bắt chuột mỏi tay.

Trẻ nhỏ cũng đi theo người lớn để bắt chuột.

Ông Trần Văn Bé Hai, ngụ tổ 10, ấp Đường Thét, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) chia sẻ: “Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng các dụng cụ để bắt chuột. Có người không cần dùng cây, gậy mà dùng lưới để bắt chuột”.

Sau một hồi đuổi bắt chuột, mỗi người lấy vài con chuột hùn lại đủ làm mồi cho anh em thu hoạch lúa và nhóm bắt chuột nhậu lai rai, phần còn lại đem về nhà chế biến món ăn hoặc đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.

“Người nào tinh mắt, chộp nhanh thì bắt được trên chục ký chuột, còn ai chậm tay chỉ bắt được khoảng 2-3kg chuột”, anh Võ Ngọc Trác - thành viên trong nhóm bắt chuột nói.

Nghề "săn chuột", nhiều hộ dân vừa có thêm thu nhập lúc nông nhàn, vừa góp phần bảo vệ mùa màng.

Chuột sống bán với giá 50.000-60.000 đồng/kg, còn chuột làm sạch bán giá khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.

Chuột đồng không chỉ là món ăn dân dã của người dân miền Tây mà còn là đặc sản tại nhà hàng, quán ăn. Chuột có thể chế biến thành nhiều món như quay lu, nướng sa tế, khìa nước dừa, kho, xào...

ÚT CHUYỀN thực hiện

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/theo-may-gat-bat-chuot-dong-13197.html