Thép giảm giá, tồn kho: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đều khó

Trước Tết Nguyên đán 2024, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và nhiều thương hiệu thép khác liên tục điều chỉnh tăng giá, khiến các doanh nghiệp kinh doanh ồ ạt nhập hàng tích trữ để bán. Tuy nhiên, trong tháng 3, các công ty này đã 2 lần điều chỉnh giảm giá, khiến các DN kinh doanh sắt thép lỗ nặng.

Năm nay, lượng sắt thép tiêu thụ sau Tết chậm hơn so với cùng kỳ những năm trước (ảnh minh họa).

Năm nay, lượng sắt thép tiêu thụ sau Tết chậm hơn so với cùng kỳ những năm trước (ảnh minh họa).

2 lần nhà sản xuất thép ra thông báo giảm giá là vào các ngày 11 và 15-3 (một lần giảm giá thép cây, 1 lần giảm giá thép cuộn). Theo đó, các thương hiệu TISCO, Hòa Phát cùng đưa ra mức giảm 200 nghìn đồng/tấn mỗi loại (chưa bao gồm thuế VAT).

Bà Nguyễn Thị Hà, quản lý của một DN kinh doanh sắt thép ở phường Tân Thành (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Đợt giảm giá này chấm dứt chuỗi tăng giá kéo dài hơn 4 tháng qua. Trước đó, nhất là dịp trước Tết, các DN đua nhau “ủ” hàng để bán, khiến nhiều thời điểm, các nhà máy trong tình trạng thiếu hàng, phải thực hiện việc chia sản lượng. Cũng vì thế, hàng tồn kho trước Tết của các nhà máy sản xuất hầu như không có, nên DN càng ra sức nhập sản lượng nhiều nhất có thể. DN nhỏ thì nhập vài trăm tấn, DN to hơn thì nhập cả nghìn, thậm chí vài nghìn tấn. Trong khi các đại lý cấp dưới theo “tâm lý chung” cũng đã nhập “no” số lượng. Chính vì thế, ra giêng, nhu cầu không còn lớn. Khi này, các đại lý cấp 2 chủ yếu trông chờ vào khách hàng lẻ là người dân mua về để xây nhà. Tuy nhiên, cũng phải từ tháng 2 Âm lịch trở đi, mới bước vào mùa xây dựng thì đúng thời điểm này, giá lại giảm. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng tiêu thụ của các DN hiện chỉ bằng khoảng 70%, còn nếu so với những năm trước nữa thì chỉ bằng 50-60%.

Còn ông Nguyễn Văn T., giám đốc một DN thép ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), cho biết: Ngay từ đầu tháng 3, khi nắm bắt được thông tin các nhà máy sẽ giảm giá, chúng tôi đã chủ động giảm trước cho một số khách để đẩy hành tồn. Đến khi có thông báo chính thức, DN chấp nhận giảm giá cao hơn so với mức giảm của nhà sản xuất do lo ngại giá sẽ tiếp tục đà giảm, vì giá phôi và thép phế hiện giảm ở mức khá cao.

Cũng theo ông T., rất hiếm khi thép xây dựng giảm giá sau Tết, nhất là trước đó lại trong tình trạng khan hiếm và tăng giá. Với mức giảm hiện hữu, cộng với lãi suất vay ngân hàng, tiền lương trả cho nhân viên, lượng tiêu thụ thấp…, đã và đang khiến DN kinh doanh thép khó chồng khó và thiệt hại không hề nhỏ ngay từ những tháng đầu năm.

Không chỉ các DN thương mại gặp khó, một số DN cán thép cũng đã phải dừng lò từ nhiều ngày nay do lượng hàng tồn kho lớn. Ông Trần Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cán thép Thái Trung, cho biết: Đơn vị đã bắt đầu dừng lò từ ngày 27-2. Tuy nhiên, những ngày qua, người lao động vẫn đi làm bình thường để sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, vệ sinh nhà xưởng… Trước đó, Công ty hoạt động liên tục 5 tháng nên cũng cần có thời gian ngừng lò để bảo dưỡng, song chỉ khoảng 10-15 ngày là đủ. Nếu sau ngày 20-3, lò chưa thể hoạt động trở lại, chúng tôi buộc phải cho người lao động nghỉ chờ việc.

Cũng trong tình trạng tương tự, Nhà máy Cán thép Thái Nguyên cũng đang phải tạm ngừng lò khoảng 10 ngày nay và theo dự đoán, nếu tình trạng thép tiếp tục tồn kho như hiện nay, thì một số nhà máy khác của Tisco cũng sẽ khó tránh được việc tạm ngừng hoạt động, cho đến khi thị trường tốt lên.

Hiện, mặt bằng giá thép đang ở vùng 15,5 triệu đồng/tấn (đã có VAT). Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù năm 2024, giá thép không được kỳ vọng tăng mạnh, ít nhất là những tháng tới đây do tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn chung, cũng như sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc, nhưng tổng sản lượng tiêu thụ năm nay được dự báo sẽ phục hồi hơn 6% so với 2023. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7% nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản trong nước có dấu hiệu khởi sắc hơn.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202403/thepgiam-gia-ton-kho-doanh-nghiep-san-xuat-kinh-doanh-deu-kho-d1b07f6/