Thép Pomina sẽ khắc phục tình trạng cổ phiếu vào diện cảnh báo như thế nào?

Công ty cổ phần Thép Pomina (Thép Pomina, mã ck: POM) cho biết, để thực hiện biện pháp và lộ trình khắc phục, ngày 22/6 nhà đầu tư chiến lược đã thống nhất thỏa thuận phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Đến ngày 14/7, Thép Pomina sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023.

Lịch sử giao dịch cổ phiếu POM

Lịch sử giao dịch cổ phiếu POM

Mới đây, Thép Pomina đã có công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) về việc đưa ra biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo, do chậm trễ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Theo đại diện Thép Pomina, về lý do chậm trễ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Pomina cho biết nguyên nhân là do chờ đợi nhà đầu tư chiến lược thống nhất những thỏa thuận phát hành cổ phiếu riêng lẻ cần thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2023.

Về lộ trình khắc phục, Thép Pomina thông báo ngày 14/7 tới đây sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Ngày 22/6, nhà đầu tư chiến lược đã thống nhất những thỏa thuận phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Tới ngày 24/6, Thép Pomina đã phát thông báo và thư mời các cổ đông tham dự đại hội.

Ngày 5/7, HOSE đã quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu POM, do Thép Pomina chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Trước đó HOSE đã đưa cổ phiếu POM vào diện cảnh báo kể từ ngày 12/5/2023, do công ty có lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 hơn 444 tỷ đồng. Ngoài ra, POM cũng chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với quy định. Sau khi bị đưa vào diện cảnh báo do kết quả kinh doanh thua lỗ, POM đã có văn bản giải trình cũng như đưa ra lộ trình khắc phục hậu quả.

Theo đó, POM cho biết kết quả lỗ năm 2022 đến từ tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép giảm, dẫn đến sụt giảm doanh thu. Mặt khác, chi phí tài chính và chi phí cố định của dự án mới đưa vào hoạt động còn cao, gây lỗ lớn trong kỳ.

Để khắc phục tình trạng trên, POM đưa ra lộ trình khắc phục bằng cách xây dựng kế hoạch lãi sau thuế 2022 đạt 211 tỷ đồng trong bối cảnh kế hoạch sản lượng sản xuất và tiêu thụ dựa trên các yếu tố thị trường.

Từ năm 2024-2027, khi lò cao chạy lại, công ty sẽ đạt lợi nhuận sau thuế bù đắp hết lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính. Trong đó, tổng doanh thu đến từ sản xuất bằng lo cao đạt từ 10.500 - 15.000 tỷ đồng. Lãi sau thuế từ 1.250 - 2.200 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, thời gian gần đây hàng loạt cổ đông có liên quan tới Chủ tịch HĐQT Thép Pomina đã có động thái đăng ký bán bớt cổ phiếu. Mới nhất, bà Đỗ Thị Kim Ngọc – em gái của ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Pomina, vừa đăng ký bán ra 5,5 triệu cổ phiếu POM từ ngày 4 - 28/7, để giảm tỷ lệ sở hữu tại Pomina xuống 3,54%.

Trước đó, một người em gái khác của ông Đỗ Duy Thái là bà Đỗ Nhung (quốc tịch Mỹ) cũng đã đăng ký bán ra 5,3 triệu cổ phiếu POM. Tương tự, chị gái của ông Đỗ Duy Thái là bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương (quốc tịch Đức) cũng đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu POM nắm giữ.

Kỳ Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thep-pomina-se-khac-phuc-tinh-trang-co-phieu-vao-dien-canh-bao-nhu-the-nao-131767.html