Thép tìm cơ hội từ EVFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có sản phẩm thép. Với những ưu đãi về thuế quan cũng như những cơ hội mới về thị trường, sản phẩm thép của Việt Nam sẽ có nhiều động lực để bứt phá thời kỳ hậu Covid-19.

EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho thép Việt.

EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho thép Việt.

Con số thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài từ đầu năm 2020 đến nay đạt hơn 815.000 tấn với kim ngạch 454 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, lượng xuất khẩu trên tăng tới 47% về lượng và tăng 24% về giá trị. Tuy nhiên, thép xuất khẩu chủ yếu mới sang thị trường các nước Đông Nam Á, đạt khoảng 494.000 tấn, giá trị 263 triệu USD, chiếm 60% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 57,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, thép Việt sang thị trường các nước châu Âu chỉ đạt một con số khiêm tốn: 4,15%.

Với hàng loạt các ưu đãi về thuế quan khi EVFTA được thực thi, rõ ràng, thị trường châu Âu đang là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng thép.

Nhiều DN thép cho biết từ trước đến nay, mới chỉ chú trọng đưa sản phẩm của mình đến các thị trường lân cận, chưa bao giờ sang châu Âu, song với những lợi thế, cơ hội mà EVFTA mở ra, DN thép không thể bỏ lỡ cơ hội này.

Khẳng định thị trường châu Âu mở ra nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu thép của nước nhà, song theo Hiệp hội Thép Việt Nam, để vào được thị trường này, các sản phẩm thép xuất khẩu phải đạt được hàng loạt các quy chuẩn khắt khe. Và tất nhiên, nếu các DN thép của chúng ta muốn đáp ứng được những quy chuẩn đó, phải thay đổi các quy trình sản xuất của mình, thay đổi các phương thức kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ...

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép, EU cũng đưa ra yêu cầu rất cao về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nên các DN Việt cần phải rất rõ ràng minh bạch về nguồn gốc xuất xứ mới có thể bước chân được vào thị trường này.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sưa, xu hướng phòng vệ thương mại tiếp tục gia tăng khiến cho việc tìm kiếm mở rộng thị trường của các DN ngành thép cũng gặp vô vàn khó khăn. Bản thân DN khi tiếp cận thị trường châu Âu, ngoài đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, còn phải chú trọng hơn đến quy định của phòng vệ thương mại trong từng FTA để có thể có các biện pháp ứng phó với các vụ khởi kiện về phòng vệ thương mại.

Trước những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra khi bước chân vào thị trường châu Âu cũng như các thị trường khó tính khác, giới chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh, DN thép cần chủ động nắm bắt thông tin về thị trường, từ xu hướng cung cầu đến giá cả cũng như các vấn đề liên quan đến rào cản kỹ thuật trong thương mại từ các nước EU để có thể đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam. Điều này giúp các DN xuất khẩu sẵn sàng vượt qua được các rào cản kỹ thuật.

“Và không chỉ đối với thị trường châu Âu, các DN xuất khẩu thép cần thường xuyên nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế; cấu trúc lại thị trường xuất khẩu, tránh xuất khẩu tập trung vào một thị trường dẫn tới kim ngạch xuất khẩu có sự gia tăng đột biến, tạo cớ cho thị trường nhập khẩu khởi kiện” – ông Nguyễn Văn Sưa nhấn mạnh.

Trong số các sản phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới, thép là một trong những ngành “dính” nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại nhất. Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong số 22 vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất (6 vụ, chiếm tỷ lệ 30%).

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thep-tim-co-hoi-tu-evfta-504391.html